TP. Hồ Chí Minh: Vi phạm tải trọng tiếp tục giảm

Thứ hai, 25/06/2018 07:54
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Các vụ vi phạm về tải trọng phương tiện (thường gọi xe quá tải) trên địa bàn TPHCM trong thời gia qua đã được cải thiện.

Vi phạm về xe quá tải trên địa bàn TPHCM có chiều hướng giảm. Ảnh: Phan Lê

Liên tục giảm
Thống kê tổng hợp gần đây nhất của Thanh tra Sở Giao thông vận tải (TTGTVT) TPHCM cho thấy, các vụ vi phạm về xe quá tải trên địa bàn  thành phố mặc dù vẫn còn xảy ra nhưng đã có chiều hướng giảm. Nếu như trong tháng 4/2018, lực lượng TTGTVT đã phát hiện và lập biên bản xử lý tổng cộng 365 trường hợp chở hàng quá tải trọng cho phép với tổng số tiền phạt hơn 5,7 tỷ đồng thì sang tháng 5, con số đó đã giảm còn 236 trường hợp vi phạm tải trọng với tổng số tiền xử phạt hơn 3,9 tỷ đồng.

Một chi tiết đáng chú ý khác liên quan đến xử phạt vi phạm tải trọng phương tiện trên địa bàn TPHCM thời gian qua, đó là vụ việc có khuynh  hướng tập trung nhiều tại khu vực cửa ngõ phía Đông TP. Điều này được lý giải là vì cửa ngõ này có đặc thù tập trung nhiều luồng tuyến tỏa đi các tỉnh miền Trung và phía Bắc, nên nghiễm nhiên trở thành điểm nóng thường xuyên về trật tự an toàn giao thông, như tuyến xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1A, quốc lộ 13, khu vực trước Khu du lịch Suối Tiên (quận 9), khu vực vòng xoay An Phú (quận 2), tuyến đường Mai Chí Thọ, khu vực bến phà Cát Lái, khu vực vòng xoay Mỹ Thủy… Trong tổng số 365 vụ vi phạm về chở hàng quá tải trọng bị xử lý trong tháng 4 có đến 230 trường hợp bị phát hiện tại khu vực cửa ngõ này.

Hướng đi đúng

Ông Trần Quốc Khánh, Chánh Thanh tra Sở GTVT TPHCM, nhận xét trên khía cạnh quản lý, hiệu quả của công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông đường bộ phụ thuộc nhiều vào 2 yếu tố. Đó là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng chức năng, gồm TTGTVT, Cảnh sát giao thông, lực lượng Thanh niên xung phong… Ngoài ra cũng phải kể đến yếu tố kiểm soát, ngăn ngừa từ gốc các hành vi vi phạm tải trọng.

Cho đến nay, yếu tố thứ nhất đã được đảm bảo khi sự phối hợp giữa các lực lượng trong quy trình kiểm tra tải trọng phương tiện rất hợp lý. Theo đó, phần việc của Cảnh sát giao thông là dừng phương tiện, TTGTVT đảm trách kiểm tra giấy tờ của phương tiện và tiến hành cân xe, riêng lực lượng Thanh niên xung phong đảm nhận việc hướng dẫn phương tiện ra vào trạm cân. Khi phát hiện phương tiện vi phạm, thông thường TTGTVT sẽ lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, ngoại trừ lỗi hỗn hợp sẽ do Cảnh sát giao thông ra biên bản xử phạt.

Trong khi đó, với mục tiêu ngăn chặn chất hàng quá tải từ nguồn, Sở GTVT đã phối hợp với Công an TPHCM tổ chức ký cam kết với hàng chục đơn vị đầu mối hàng hóa lớn là các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, bến, kho hàng trên toàn địa bàn thành phố về kiểm soát tải trọng tại các đầu mối hàng hóa, không để chất hàng vượt quá tải trọng cho phép tham gia giao thông. Sau đó, tiếp tục ký cam kết với 34 bến thủy nội địa có cùng nội dung tương tự.

Ông Lê Hoàng Nam, Đội trưởng Đội TTGTVT số 5 (đơn vị quản lý địa bàn khu vực cửa ngõ phía Đông TP), cho biết thêm bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý lái xe, chủ xe vi phạm chở hàng quá tải, Đội TTGTVT số 5 cũng phối hợp với lực lượng Cảng vụ Hàng hải TP đến tận các kho bãi để kiểm tra và vận động chủ kho bãi cam kết không chứa chấp hoặc bốc xếp hàng hóa cho xe đầu kéo chở quá tải từ các kho bãi bên ngoài cảng Cát Lái, như đường nội bộ Khu công nghiệp Cát Lái, đường Lê Phụng Hiểu, đường Nguyễn Thị Định…

Đẩy mạnh kiểm soát tải trọng

Việc siết chặt kiểm tra tải trọng xe tải các loại chính là một trong những biện pháp để bảo vệ hạ tầng giao thông đường bộ và khi đường sá được bảo vệ tốt, chất lượng giao thông cũng sẽ tốt hơn, ít gây ùn tắc và tai nạn giao thông hơn.

Chính vì thế, thời gian qua chính quyền TPHCM đã có nhiều quan tâm, chú trọng đến công tác này. Cách đây hơn 2 năm, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông đường bộ, Sở GTVT TPHCM đã chỉ đạo lực lượng TTGTVT phối hợp cùng Cảnh sát giao thông và lực lượng Thanh niên xung phong triển khai nhiều biện pháp thực hiện khá đồng bộ.

Trong thời gian tới, lực lượng chức năng thành phố sẽ tiếp tục siết chặt các hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng xe; đặc biệt tập trung thực hiện kiểm tra tải trọng ngay từ đầu nguồn là các cảng, kho, bến bãi. Lãnh đạo Sở GTVT TPHCM cho biết sẽ tiếp tục tập trung triển khai Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 14/4/2016 của UBND TPHCM về tăng cường thực hiện công tác kiểm soát tải trọng phương tiện lưu thông trên địa bàn thành phố.

Hiện nay, lực lượng TTGTVT đang vận hành 5 trạm cân, gồm 1 trạm cân lưu động và 5 trạm cân thứ cấp để kiểm soát tải trọng xe tại các tuyến đường có lưu lượng lớn phương tiện chở hàng hóa lưu thông.
Cụ thể, đó là trạm cân lưu động và Trạm cân số 1 trên tuyến quốc lộ 1, đặt trong khuôn viên Trạm Cảnh sát giao thông Tân Túc, thuộc địa bàn huyện Bình Chánh; Trạm cân số 2 trên đường Nguyễn Văn Linh thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh; Trạm cân số 3 trên đường Nguyễn Văn Linh, đối diện Đại học RMIT thuộc quận 7; Trạm cân số 4 trên đường Vành đai Đông, khu vực Trạm thu phí cầu Phú Mỹ, quận 2 và Trạm cân số 5 trên đường Đồng Văn Cống, hướng vào cảng Cát Lái, quận 2.

Từ khi đưa vào hoạt động đến nay, riêng lực lượng TTGTVT đã phát hiện, xử lý nhiều dạng thức vi phạm. Đó là vi phạm về xe quá tải cầu, đường; vi phạm xe quá tải, quá khổ thiết kế xe; vi phạm về thay đổi kích thước thùng xe; các hành vi vi phạm do cá nhân, tổ chức xếp hàng hóa vượt quá tải trọng; vỏ xe không đảm bảo an toàn giao thông; xe không mang theo hợp đồng vận chuyển; không niêm yết tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải ở mặt ngoài 2 bên cửa buồng lái ô tô tải theo quy định…

Báo SGGP

Nguồn: Báo SGGP

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)