Kiên quyết xử lý “nạn” xe quá tải

Thứ ba, 26/06/2018 08:02
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình trạng xe quá khổ, quá tải đã được kéo giảm tích cực, tuy nhiên thời gian gần đây vấn đề này đã bùng phát trở lại ở một số địa phương.

Diễn biến phức tạp

Xe quá khổ, quá tải hoạt động liên tục là nguyên nhân chính làm hỏng kết cấu hạ tầng và ảnh hưởng đến tuổi thọ của công trình giao thông. Chính vì vậy, để đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông, thời gian qua cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc quyết liệt chống “giặc” xe quá khổ, quá tải.

Cục Quản lý đường bộ 4 tăng cường công tác KSTTX

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện, chỉ tính riêng tháng 5/2018, các trạm kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) lưu động, cố định, thanh tra các Sở GTVT và Công chức thanh tra các cục quản lý đường bộ (QLĐB) sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra 19.626 xe, trong đó có 2.075 xe vi phạm (chiếm tỉ lệ 10,5%), tước 707 giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước số tiền 19,57 tỷ đồng.

“Lực lượng Thanh tra giao thông đã khắc phục khó khăn về biên chế, kinh phí hoạt động, tập trung thực hiện nhiệm vụ, tiếp tục duy trì công tác KSTTX, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, ATGT. Đồng thời, đa số các địa phương đã củng cố lại lực lượng, tiếp tục duy trì hoạt động của trạm KSTTX lưu động, cố định, kết hợp cân xách tay, tiếp tục tăng cường công tác KSTTX, qua đó đạt được những kết quả khả quan, góp phần ngăn chặn tình trạng xe quá tải tái diễn trở lại”, ông Huyện cho biết thêm.

Tuy nhiên, cũng theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. Do lực lượng TTGT còn mỏng, các chủ xe, lái xe lợi dụng lực lượng chức năng tập trung nhiệm vụ bảo đảm trật tự, ATGT nên vẫn chở hàng quá tải lưu thông trên nhiều quốc lộ mỗi khi lực lượng này vắng bóng như: QL1, QL12B, QL13, QL20, QL26, QL27C, QL28, QL70, đường Hồ Chí Minh… và một số tuyến đường địa phương nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa… Mặt khác, tình trạng xe sang tải, dồn tải xung quanh khu vực các cảng nhỏ, bến thủy nội địa, xe chở hàng siêu trường, siêu trọng không có giấy phép lưu hành...

Qua theo dõi và phản ánh của các cơ quan báo chí và người dân qua đường dây nóng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam thì vẫn còn tình trạng xe cơi nới kích thước thành thùng, chở hàng quá tải lưu thông trên các quốc lộ và đường địa phương, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất ATGT, ô nhiễm môi trường như: Xe có kích thước thùng hàng vượt quá quy định chở cát, đá, sỏi quá tải từ bến phà Ghềnh Võ lưu thông trên các tuyến đường xung quanh khu công nghiệp cảng biển Hải Hà, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh. Từng đoàn xe ben chở quặng, đất, đá quá tải từ các mỏ quặng, khoáng sản lưu thông trên tuyến đường 298, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Xe ben chở đá quá tải cung cấp cho Nhà máy Xi măng Yên Bình lưu thông trên QL70, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Các xe tải, xe ben có kích thước thùng hàng vượt quá quy định chở đất, đá, vật liệu xây dựng quá tải  từ các mỏ vật liệu hai bên QL12B lưu thông trên QL12B và QL1, địa bàn TP. Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Xe tải, xe ben có kích thước thùng hàng vượt quá quy định chở đá dăm quá tải lưu thông trên đường Hồ Chí Minh, địa phận huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội…

Siết chặt quản lý

Trước tình trạng xe quá khổ, quá tải diễn biến phức tạp, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện nay Bộ Công an, Bộ GTVT và các đơn vị liên quan đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả 01 năm thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Trong khi chờ Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo tiếp theo, trước mắt trong tháng 6/2018, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chủ động chỉ đạo công tác phối hợp giữa lực lượng Công an, TTGT, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT phục vụ nhu cầu đi lại của người dân thì cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông.

Tổng cục cũng đề nghị các địa phương tiếp tục củng cố lực lượng, duy trì hoạt động của các trạm KSTTX lưu động và sử dụng cân xách tay để thực hiện công tác KSTTX. Đối với các địa phương chưa đưa trạm KSTTX lưu động vào hoạt động trở lại, đề nghị khẩn trương sắp xếp, bố trí lại lực lượng để đưa vào hoạt động.

Đồng thời, các Sở GTVT, các Cục QLĐB chỉ đạo lực lượng TTGT, Công chức thanh tra tăng cường kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng như các cảng, nhà máy, xí nghiệp lớn trong các khu công nghiệp, các mỏ đá, vật liệu xây dựng... Thanh tra các sở tăng cường tuần tra, kiểm tra những tuyến đường địa phương, quốc lộ được Tổng cục Đường bộ Việt Nam ủy quyền, Công chức thanh tra các cục QLĐB tuần tra, kiểm soát tại các tuyến đường còn lại do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý.

Các đơn vị liên quan phối hợp với các cảng kiểm tra và xử lý nghiêm trường hợp không có giấy phép lưu hành xe, sử dụng sà lan để đưa hàng siêu trường, siêu trọng ra khỏi cảng; sang tải, dồn tải, lưu thông trên đường bộ, đặc biệt là các cảng nhỏ, bến thủy nội địa tại TP. Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh; tăng cường kiểm tra các xe chở hàng siêu trường, siêu trọng không có giấy phép lưu hành lưu thông trên các tuyến đường; tăng cường quản lý, chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả công tác và phòng ngừa sai phạm trong khi làm nhiệm vụ

PV

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)