Từ đầu năm đến nay, tuy tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh Phú Yên giảm cả ba tiêu chí nhưng chưa bền vững. Nhằm đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), kiềm chế TNGT trong những tháng cuối năm, Ban ATGT tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể.
Cảnh sát giao thông tuyên truyền ATGT cho học sinh tại huyện Sơn Hòa
Ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT, Phó thường trực Ban ATGT tỉnh Phú Yên cho biết: Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, trong 6 tháng đầu năm 2018, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp cùng các đơn vị, địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền ATGT. Qua đó, nhiều mô hình tuyên truyền đã phát huy hiệu quả như “Văn hóa giao thông trong trường học”, “Tăng cường tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT nơi công cộng”… Cùng với đó, các lực lượng chức năng của tỉnh đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Lực lượng cảnh sát giao thông đã lập biên bản 14.544 trường hợp vi phạm, tước 799 giấy phép lái xe, tạm giữ 2.844 phương tiện, xử phạt với số tiền trên 8,3 tỉ đồng. Lực lượng Thanh tra GTVT thường xuyên kiểm tra bảo vệ công trình giao thông đường bộ, qua đó xử lý 360 trường hợp vi phạm.
Trong 6 tháng đầu năm, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm ngoái. Toàn tỉnh xảy ra 103 vụ TNGT, làm chết 61 người, bị thương 91 người. Cụ thể, TNGT giảm 21 vụ, giảm 9 người chết và giảm 4 người bị thương. Hai huyện giảm sâu cả ba tiêu chí từ 25-75% là Đồng Xuân và Đông Hòa. Qua phân tích, TNGT chủ yếu xảy ra trên các tuyến quốc lộ và khu vực nội thị, nội thành.
Tuy nhiên, công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế như công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT chưa thật sự tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Một số người chưa thực sự xem vấn đề chấp hành các quy tắc giao thông là bắt buộc để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như người khác.
Nguyên nhân dẫn đến TNGT chủ yếu xuất phát từ sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông như lỗi vi phạm phía đi (chiếm 28,4%), không quan sát (chiếm 24,2%), vi phạm tốc độ (chiếm 23,2%). Tình trạng chiếm, tái lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ vẫn còn xảy ra.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến người đi đường luôn cảm thấy bất an, đó là mật độ xe tăng nhanh làm rối loạn, giảm độ an toàn và tính ổn định của hệ thống giao thông. Toàn tỉnh hiện có 606.930 phương tiện giao thông đường bộ; trong đó có 16.406 ô tô. Trong khi số lượng phương tiện đường bộ tăng nhanh thì một số trục đường chưa được nâng cấp, sửa chữa kịp thời đã trở thành “điểm đen”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT. Mạng lưới đường nông thôn đã được đầu tư, nâng cấp bê tông hóa nhưng mặt đường còn hẹp, quanh co, nhiều đoạn tầm nhìn bị che khuất; chưa được trang bị đầy đủ hệ thống báo hiệu đường bộ.
Bên cạnh đó, hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về trật tự ATGT của lực lượng cảnh sát giao thông mới chỉ quán xuyến ở một số tuyến giao thông trọng điểm, chưa khép kín. TNGT đường sắt tăng cao đột biến nhưng chưa có giải pháp kiềm chế hiệu quả. Trong 6 tháng, TNGT đường sắt xảy ra 7 vụ (tăng 700%), làm chết 7 người (tăng 100%), bị thương 2 người (tăng 100%).
Theo ông Nguyễn Thành Trí, thông thường vào những tháng cuối năm, tình hình trật tự ATGT sẽ diễn biến khó lường, TNGT có nguy cơ tăng cao. Đây là dịp cao điểm của vận chuyển hàng hóa nên các vi phạm về chở quá tải trọng, chạy quá tốc độ xảy ra phổ biến. Những tháng cuối năm cũng là vào mùa mưa nên sẽ có nhiều nguy cơ mất ATGT trên các tuyến đường. Chưa kể nhiều vị trí điểm đen giao thông thường xuyên bị ngập lụt, sạt lở trong mùa mưa, gây tắc nghẽn giao thông. Đường sá cũng dễ bị hư hỏng, không đảm bảo an toàn cho phương tiện qua lại. Các phương tiện đường thủy nội địa cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong mưa lũ. Mùa mưa bão không còn xa, các địa phương phải khẩn trương khảo sát, xác định điểm mất an toàn cầu, đường để có kế hoạch duy tu, sửa chữa kịp thời.
Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự ATGT cơ sở. Ngoài tuyên truyền và triển khai Luật Đường sắt, các địa phương cần cương quyết không để phát sinh thêm đường ngang trái phép qua đường sắt.
Với chủ đề “An toàn giao thông cho trẻ em”, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền ATGT chủ yếu tập trung cho lứa tuổi thanh, thiếu niên. Đặc biệt, với chủ đề “Giữ trọn ước mơ”, Ban ATGT tỉnh tổ chức tặng mũ bảo hiểm cho tất cả học sinh lớp 1 trong năm học 2018-2019 trên phạm vi toàn tỉnh.
Ban ATGT tỉnh cũng đã đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ chú trọng tuần tra lưu động; ứng dụng các công nghệ cao vào việc phát hiện hành vi vi phạm. Đồng thời, ngành cần tiếp tục tăng cường năng lực cho cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT.
Các lực lượng chức năng cần kịp thời phát hiện và xử lý các lỗi vi phạm có nguy cơ cao gây TNGT như chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, quá nồng cộ cồn…; tăng cường kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá tải trên đường. Mục tiêu phấn đấu là tiếp tục giảm từ 5-10% ở cả ba tiêu chí.