Vĩnh Phúc là tỉnh giáp ranh với thủ đô Hà Nội, có 3 tuyến quốc lộ đi qua, do đó, lưu lượng xe vận tải hành khách lưu thông trên địa bàn tỉnh rất lớn, kéo theo những phức tạp, khó khăn cho công tác quản lý. Trước thực trạng đó, Sở GTVT tăng cường công tác quản lý nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm đối với vi phạm của lái xe, các doanh nghiệp vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự.
Lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải siết chặt các hoạt động kinh doanh vận tải hành khách
thông qua việc kiểm tra phù hiệu xe. Ảnh: Chu Kiều
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, hiện có 25 doanh nghiệp tham gia kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, với 191 xe đang khai thác 67 tuyến đi 20 tỉnh, thành phố, bình quân 180 chuyến/ngày; 268 doanh nghiệp có xe hợp đồng và hộ kinh doanh có 371 xe; xe taxi có 4.259 xe...
Với số doanh nghiệp vận tải hành khách và phương tiện vận tải hành khách lớn, thời gian qua, công tác đảm bảo TTATGT luôn được Sở GTVT Vĩnh Phúc đặt lên hàng đầu. Sở GTVT Vĩnh Phúc thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn các văn bản liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải dưới nhiều hình thức như: Tổ chức hội nghị tập huấn, cấp phát tài liệu; tổ chức cán bộ hướng dẫn trực tiếp; tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng. Hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đường bộlàm các thủ tục để cấp Giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu vận tải.
Phân công cán bộ theo dõi hoạt động của các phương tiện giao thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, hàng tháng, tổ chức đối chiếu với các đơn vị vận tải để nhắc nhở, chấn chỉnh và kịp thời xử lý các vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải theo quy định.Yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải khách đường bộ thực hiện đúng các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải khách đường bộ.
Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng tăng giá vé, xe dù bến cóc, bán khách dọc đường và kịp thời giải tỏa các điểm ùn tắc giao thông để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.
Bên cạnh đó, Sở GTVT Vĩnh Phúc yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải khách đường bộ thường xuyên tổ chức bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật; bố trí đủ lái xe, phụ xe, đảm bảo thời gian làm việc trong ngày theo quy định; quán triệt lái xe, phụ xe không uống rượu, bia trong thời gian làm việc, không chạy quá tốc độ quy định, không chở quá số người, sang nhượng, ép giá khách...
Bà Trịnh Thị Lan Hương, Giám đốc điều hành taxi Vĩnh Phúc, đường Hùng Vương, phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên cho biết: 100% xe của công ty có phù hiệu xe taxi; được lắp thiết bị giám sát hành trình và trang bị các dụng cụ trên phương tiện theo quy định. Thông qua thiết bị giám sát hành trình, công ty thường xuyên cập nhật theo dõi hoạt động của các xe taxi, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các lỗi vi phạm của lái xe.
Bà Lê Thị Dịu, Giám đốc HTX Giao thông vận tải Hoàng Việt cho biết: HTX hiện có 42 xe tham gia vận tải khách đường bộ, 100% xe của HTX được cấp phù hiệu và gắn thiết bị giám sát hành trình, giúp chúng tôi giám sát được hành trình của lái xe đúng tuyến, đúng thời gian và việc xử lý lái xe vi phạm trên đường cũng dễ dàng hơn.
Để tăng cường công tác quản lý các phương tiện vận tải khách đường bộ, Sở GTVT chỉ đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái thường xuyên cập nhật, theo dõi hoạt động của phương tiện thông qua thiết bị giám sát hành trình để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các lỗi vi phạm của lái xe, các doanh nghiệp vận tải khách đường bộ.
Việc áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý đối với các doanh nghiệp vận tải khách đường bộ sẽ mang lại hiệu quả quản lý cao như: Thông qua thiết bị giám sát hành trình, giám sát bằng camera, các doanh nghiệp sẽ nắm bắt tốt việc phương tiện dừng, đỗ, đi đúng tốc độ, thời gian làm việc của lái xe… từ đó đưa ra những quyết định quản lý đúng đắn, kịp thời, giúp giảm thiểu tai nạn giao thông, quản lý chặt chẽ công việc kinh doanh.
Thời gian tới, Sở GTVT Vĩnh Phúc phối hợp với các ngành chức năng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thực hiện các quy định về kinh doanh vận tải khách đường bộ của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh, từ đó, chấn chỉnh những sai phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; thực hiện tốt công tác hậu kiểm; thường xuyên cập nhật, bổ sung biểu đồ các tuyến vận tải hành khách đường bộ; công bố số điện thoại đường dây nóng để người dân tham gia góp ý, thông báo những doanh nghiệp, xe, tài xế vi phạm Luật Giao thông đường bộ.