Hà Giang: Cắt "vòi bạch tuộc" của "xe dù, bến cóc"

Thứ ba, 11/09/2018 09:39
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tại buổi làm việc với lãnh đạo các sở, ngành và thành phố Hà Giang về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT), quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, xử lý vi phạm “xe dù, bến cóc” mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn yêu cầu: Tiếp tục tăng cường quản lý, xử lý vi phạm về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách; kiên quyết chấn chỉnh hoạt động của các xe hợp đồng trá hình vận tải khách trên tuyến cố định…

Qua tìm thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện có 53 đơn vị kinh doanh hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô. Trong đó, có 13 đơn vị nội tỉnh với 194 xe khách tuyến cố định, 36 xe vận tải khách theo hợp đồng; 7 đơn vị vận tải khách bằng taxi, với 147 xe; 34 đơn vị ngoại tỉnh kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định với 88 xe. Có 266 phương tiện xuất bến tại Bến xe khách phía Nam thành phố Hà Giang, hoạt động trên 42 tuyến liên tỉnh với 192 xe, 12 tuyến nội tỉnh với 74 xe.

Thanh tra Giao thông kiểm tra nồng độ cồn của lái xe khách trước khi xuất bến.

Theo số liệu thống kê của cơ quan chuyên môn, trên địa bàn tỉnh có một số phương tiện vận tải khách chủ yếu từ Hà Giang đi Hà Nội và ngược lại gồm xe loại 9 ghế, 15 giường được cấp phù hiệu chạy hợp đồng; xe 9 chỗ thuộc quyền sở hữu cá nhân, không đăng ký kinh doanh vận tải. Ngoài ra, có 2 xe biển kiểm soát Hà Giang, chủ xe N.M.D, trú phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang) cho doanh nghiệp ở Hà Nội thuê, được Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cấp phù hiệu chạy hợp đồng nhưng đang chở khách từ Hà Giang đi xã Du Tiến (Yên Minh). Cơ quan chức năng xác định, phần lớn các xe này chạy tuyến cố định, thực chất là xe “dù”, được trá hình bằng phù hiệu chạy hợp đồng; các doanh nghiệp vận tải có tổng đài đặt vé, đặt chỗ, được nhà xe đón, trả bất  cứ chỗ nào trong địa bàn thành phố… Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Giao thông Hà Giang phát hiện, xử phạt 28 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước trên 118 triệu đồng; Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) kiểm tra 27 lượt phương tiện vận chuyển khách bằng xe “VIP”, phát hiện và xử phạt 13 trường hợp vi phạm.

Hiện nay, công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực vận tải khách trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn như: Các phương tiện đậu, đỗ không đúng nơi quy định; nhà xe tự trưng biển quảng cáo và đón khách tại nhà; các phương tiện vận chuyển trá hình, tránh sự quản lý của cơ quan chức năng và trốn thuế… Đặc biệt, người dân chưa chấp hành các quy định về mua vé trong bến xe nên tạo điều kiện cho các nhà xe vi phạm; một số huyện chưa có bến xe khách… dẫn đến tình trạng “xe dù, bến cóc” xuất hiện nhiều.

Trao đổi với phóng viên, đại diện lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT Hà Giang cho biết: Hiện nay, các văn bản pháp luật như Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư 63/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải chưa đảm bảo chặt chẽ, vẫn còn kẽ hở để các nhà xe lách luật. Phương thức hoạt động phổ biến của các xe “VIP” là khách đặt chỗ qua điện thoại, nhà xe đón, trả tại các địa chỉ hẹn trước trong thành phố. Khi lên xe, hành khách điền họ tên, địa chỉ vào bản hợp đồng vận chuyển do nhà xe chuẩn bị sẵn để hợp thức hóa, nhưng thực chất vẫn mua vé bình thường. Khi bị kiểm tra, lái xe xuất trình hợp đồng khống, vì vậy rất khó nhận dạng phương tiện để kiểm tra, xử lý và là kẽ hở cho “xe dù, bến cóc” lộng hành. Bên cạnh đó, lực lượng Thanh tra Giao thông hiện rất mỏng, lại chia nhỏ, thực hiện nhiều phần việc như: Duy trì kiểm soát tải trọng xe 24/24 giờ, 7 ngày/tuần, 3 ca/ngày tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động số 20; phục vụ công việc thường xuyên, đột xuất của tỉnh nên quân số bố trí kiểm tra TTATGT tại bến xe và khu vực thành phố chưa liên tục, chỉ tập trung kiểm tra vào các dịp Tết, ngày lễ, kỳ thi THPT và đợt cao điểm theo chỉ đạo của cấp trên.

Nhằm ngăn chặn hiệu quả tình trạng trên, cơ quan chuyên môn của tỉnh kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo chặt chẽ, không để kẽ hở cho các nhà xe lách luật; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm thông qua thiết bị giám sát hành trình... Trước mắt, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, trong tháng này, lực lượng chức năng gồm Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát khu vực, Thanh tra Giao thông, Chi cục Thuế thành phố sẽ phối hợp ra quân kiểm tra điều kiện kinh doanh đối với các đơn vị vận tải; tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đặc biệt hoạt động trái phép của các “xe dù, bến cóc”.

Báo Hà Giang

Nguồn: Báo Hà Giang

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)