Xe quá tải, quá khổ là một trong những nguyên nhân chính gây hư hỏng cầu, đường bộ và tai nạn giao thông. Sau 5 năm triển khai chủ trương của Chính phủ về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, tình hình vi phạm quy định của pháp luật về tải trọng được kiềm chế.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên thời gian gần đây, vi phạm về tải trọng xe có biểu hiện tái diễn, nhất là khi kết thúc chương trình phối hợp giữa ngành giao thông vận tải và công an, tình trạng lái xe, chủ xe cố tình trốn tránh, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng; hiện tượng xe quá tải, quá khổ tham gia giao thông tiếp tục xuất hiện trên một số tuyến quốc lộ, nhất là các tuyến đường tỉnh, tuyến đường gần khu vực tập kết hàng hóa, kho, cảng, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu… gây bức xúc trong người dân, doanh nghiệp…
Tại Bình Thuận, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, Trạm kiểm tra trọng tải xe lưu động đã đưa vào kiểm tra 349 xe, lập biên bản xử lý 20 xe quá tải, xử phạt lái xe và chủ xe trên 191 triệu đồng; Thanh tra giao thông đã kiểm tra 899 xe, lập biên bản xử lý 248 xe quá tải, xử phạt hơn 1,2 tỷ đồng; lực lượng CSGT phát hiện và xừ phạt 199 xe quá tải. Qua những con số trên cho thấy xe quá tải hoạt động trên địa bàn tỉnh tuy có giảm so với trước đây nhưng vẫn còn khá nhiều, đòi hỏi cần phải tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn.
Từ nay đến cuối năm là thời điểm diễn ra các hoạt động kinh tế nhộn nhịp, nhu cầu vận chuyển hàng hóa, vật liệu, hành khách tăng cao, tạo nhu cầu cho các xe hoạt động quá tải, quá khổ. Do vậy cần phải tăng cường thực hiện các giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện, nhằm hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng phương tiện quá tải tham gia giao thông trên phạm vi toàn tỉnh. Để quản lý hiệu quả, các lực lượng chức năng phải tiếp tục đổi mới, tổ chức hoạt động theo hướng kiểm soát tải trọng xe tại nơi cung cấp hàng; lấy quản lý tại địa phương làm cơ bản; bố trí và kết hợp các lực lượng hợp lý kết hợp quản lý chặt chẽ; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm và yêu cầu xe vi phạm phải quay lại chỗ bốc xếp để dỡ hàng, tạo tính giáo dục răn đe đối với các chủ hàng và lái xe; thực hiện xử phạt hành chính hoặc rút giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở bốc xếp, mỏ, bến bãi vi phạm.
Cùng với việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra kiểm soát, cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân, các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa ký cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định về tải trọng nhằm tạo phong trào toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông rộng khắp. Các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn khi tham gia bốc xếp, vận chuyển hàng hóa bằng ô tô trên đường bộ.
Các cơ quan báo chí của tỉnh tăng thời lượng tuyên truyền, vận động người dân, các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa thực hiện nghiêm túc các quy định về tải trọng cho phép chở của xe, xếp hàng hóa trên xe, nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông. Các hoạt động tuyên truyền về an toàn giao thông và tải trọng xe phải được tổ chức một cách chủ động, tích cực và thường xuyên, đặc biệt là trước, trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và lễ hội Xuân 2019.
Đồng thời, cần phản ánh tình trạng vi phạm an toàn giao thông và thông tin những hình thức, biện pháp xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật giao thông, đặc biệt là các hành vi như chở quá tải trọng trên đường bộ, chạy quá tốc độ, vượt sai quy định, lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép, chở quá số người quy định... Kịp thời phát hiện, nêu gương các cá nhân, tập thể trong việc chấp hành, điều hành tốt pháp luật giao thông và phê phán mạnh mẽ các hành vi vi phạm pháp luật giao thông, trong đó có hành vi xe chở quá tải trọng nhằm góp phần hạn chế tai nạn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông cầu đường bộ trên địa bàn toàn tỉnh.