Tỉnh Kon Tum đang bước vào mùa thu hoạch mỳ (sắn), mía… Đây là thời điểm gia tăng tình trạng vận chuyển hàng quá khổ, quá tải của các phương tiện chuyên chở hàng nông sản.
Xe vào cân tại trạm cân Sao Mai (đường Hồ Chí Minh, xã Hòa Bình,
thành phố Kon Tum). Ảnh: baokontum.com.vn
Để chấn chỉnh, kiềm chế tình trạng xe quá khổ, quá tải, ngành chức năng tỉnh Kon Tum đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, qua đó, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ các tuyến đường.
Cứ đến tháng 10 hàng năm, các nhà máy mía, mỳ mở cửa thu mua nguyên liệu khiến những con đường dẫn vào nhà máy này nhộn nhịp xe chuyên chở hàng nông sản ra vào, đặc biệt, ở khu vực các huyện Đăk Tô, Sa Thầy, Đăk Glei, thành phố Kon Tum-nơi có nhà máy mía, mỳ đóng chân.
Xác định “đảm bảo an toàn giao thông gắn với ổn định nguồn nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động”, lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum đã xây dựng kế hoạch cụ thể về chấn chỉnh, xử lý phương tiện có dấu hiệu vi phạm về tải trọng. Đặc biệt, ngành chức năng tỉnh thực hiện các đội cân lưu động tuần tra, kiểm soát những tuyến đường dẫn vào các nhà máy. Bên cạnh đó, phân công lực lượng trực tiếp tới các điểm bốc xếp hàng nông sản, nhất là với nguồn nguyên liệu mía kiểm soát ngay từ gốc; thực hiện ký cam kết với các nhà máy không vận chuyển hàng nông sản vượt quá quy chuẩn cho phép.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum cho biết: Xác định mùa nông sản là thời điểm gia tăng tình trạng xe quá khổ, quá tải, đơn vị đã xây dựng các phương án cụ thể nhằm siết chặt hoạt động này. Theo đó sẽ tập trung vào hoạt động cân tải trọng, bên cạnh Trạm cân lưu động số 54 đặt tại Đèo Sao Mai, đơn vị bố trí các đội cân lưu động tiến hành cân mọi lúc, mọi nơi khi phát hiện dấu hiệu vi phạm. Lực lượng chức năng cũng kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm, hạ tải tại chỗ nếu các phương tiện cố tình không chấp hành. Ngoài ra, đơn vị sẽ tiến hành kiểm soát hàng hóa tại gốc, các ruộng mía, mỳ của người dân; thực hiện tuyên truyền, ký cam kết với các nhà máy không thực hiện vận chuyển hàng hóa quá khổ, quá tải.
Lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Kon Tum cũng đã xây dựng các chuyên đề về xử lý phương tiện vận chuyển hàng hóa quá khổ, quá tải. Đặc biệt, vào các đợt cao điểm mùa thu hoạch nông sản, lực lượng Cảnh sát giao thông cùng với Thanh tra giao thông tổ chức phối hợp kiểm soát nguồn hàng hóa từ các địa phương khác nhập về tỉnh Kon Tum...
Từ đầu năm 2018 đến nay, tỉnh Kon Tum là một trong những địa phương được Bộ Giao thông vận tải tuyên dương vì thực hiện tốt hoạt động kiểm soát tải trọng. Theo Thanh tra Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum, trong 9 tháng năm 2018, đơn vị đã xử lý 80 trường hợp vi phạm, với số tiền gần 1 tỷ đồng, tước 25 giấy phép lái xe. So với cùng kỳ năm 2017, giảm 45 % số trường hợp vi phạm.