Phương tiện vi phạm chở hàng quá tải giảm còn khoảng 10%

Thứ năm, 29/11/2018 13:34
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) vừa có văn bản báo cáo Bộ GTVT một số nội dung về công tác kiểm soát tải trọng xe

Theo Tổng cục ĐBVN, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN, sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành đường bộ, sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức của chính quyền các địa phương, các đơn vị chủ hàng, các chủ phương tiện và lái xe, số lượng phương tiện vi phạm chở hàng quá tải cơ bản đã giảm còn khoảng 10%. Thời gian qua, các Trạm KTTTX lưu động, cố định và Thanh tra các Sở GTVT sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra 146.188 xe, trong đó có 15.653 xe vi phạm, tước 5.285 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 160 tỷ đồng. Lực lượng Công chức Thanh tra các Cục QLĐB đã tiến hành kiểm tra 534 xe, trong đó có 516 xe vi phạm, tước 257 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 11,85 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Tổng cục ĐBVN, kết quả nêu trên chỉ phản ánh được một phần số xe quá tải lưu thông qua đoạn đường có đặt Trạm KTTTX lưu động, cố định và những vị trí mà lực lượng chức năng kiểm soát bằng cân xách tay.

Thanh tra giao thông sử dụng cân xách tay để kiểm tra tải trọng phương tiện

Tổng cục ĐBVN cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo, sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương công tác kiểm soát tải trọng phương tiện cơ bản vẫn được triển khai rộng khắp trên toàn quốc, các lực lượng Thanh tra giao thông, Công chức thanh tra các Cục QLĐB đã khắc phục khó khăn về điều kiện làm việc, biên chế, kinh phí, tăng cường kiểm tra, kiểm soát liên tục 24/24 giờ và 7 ngày trong tuần, tình trạng vi phạm về chở hàng hóa quá tải trọng đã giảm sâu; thị phần vận tải đang được cơ cấu lại hợp lý, có sự kết hợp hài hòa giữa các phương thức vận tải đường sắt, đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa; góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, là sự vào cuộc quyết liệt các cơ quan truyền thông, phương tiện thông tin đại chúng trong công tác tuyên truyền, vận động mang lại hiệu quả tích cực, tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của các Hiệp hội nghề nghiệp và toàn xã hội; đồng thời phản ánh đa chiều về các bất cập trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện. Qua theo dõi kết quả, báo cáo của các Cục QLĐB và phản ánh của các cơ quan thông tấn báo chí, phản ánh của người dân về đường dây nóng của Tổng cục ĐBVN, một số địa phương duy trì tốt công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, kiềm chế tái diễn tình trạng xe quá tải và xe vi phạm kích thước thùng hàng như: Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai...
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, Tổng cục ĐBVN cũng đã điểm ra một số điểm tồn tại như: có biểu hiện tái diễn tình trạng xe quá tải, lưu thông đường dài trên các quốc lộ: QL.1, QL.2, QL.3, QL.6, QL.14, QL.18, QL.19, QL.20, QL.32, QL.51, đường Hồ Chí Minh... và một số đường địa phương nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa...; Việc kiểm tra và xử lý vi phạm về bốc xếp hàng hóa lên phương tiện tại các cơ sở đầu nguồn hàng, kho bãi, bến cảng còn chưa được duy trì thường xuyên, liên tục, do cần phải có sự phối hợp với các Sở, ngành của địa phương, dẫn đến kết quả còn hạn chế; Một số địa phương có cảng, mỏ vào cuộc chưa quyết liệt trong việc kiểm soát xếp hàng hóa lên xe và chưa kiên quyết xử lý chủ mỏ, chủ cảng vi phạm; Vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ và các quy định về vận tải đường bộ chưa nghiêm. Một số doanh nghiệp có xe vi phạm khi bị kiểm tra thường tìm mọi cách né tránh, giấu xe, cho người theo dõi Tổ KTTTX hoặc khi bị kiểm tra thì không chấp hành như đóng cửa xe bỏ đi, lôi kéo nhiều người chống đối, gây rồi, cản trở các lực lượng làm công tác kiểm soát tải trọng phương tiện; Một số Ban QLDA, Nhà thầu thi công, Nhà đầu tư BOT, Doanh nghiệp cảng, mỏ, nhà máy sản xuất thép, xi măng, clinker, doanh nghiệp vận tải, mặc dù đã ký cam kết với Bộ GTVT và UBND các tỉnh về không bốc xếp, tiếp nhận phương tiện vận tải hàng hóa quá tải trọng quy định, nhưng thực tế vẫn vi phạm; nguyên nhân do thiếu chế tài pháp lý để xử lý các trường hợp đã ký cam kết nhưng vẫn vi phạm. 

Để tiếp tục thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nói chung, kiểm soát tải trọng phương tiện nói riêng, tiến tới chấm dứt tình trạng xe quá tải lưu thông trên đường bộ, Tổng cục ĐBVN đề nghị Thanh tra Bộ chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng như các cảng, nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp, các mỏ vật liệu xây dựng...và kiêm tra, xử lý xe quá tải tại vị trí đặt các Trạm KTTTX lưu động, cố định và trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý. 

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cần khẩn trương hoàn thiện các Thông tư  quy định về tổ chức và hoạt động của Trạm KTTTX trên đường bộ;quy định về kích thước giới hạn thùng chở hàng cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

DT

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)