Ninh Bình: Tăng cường quản lý hạ tầng giao thông đường bộ trong dịp cuối năm

Thứ hai, 14/01/2019 09:53
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đi đôi với việc xây dựng mới các tuyến đường thì công tác quản lý, duy tu, bảo trì hạ tầng giao thông trên địa bàn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giao thông vận tải Ninh Bình trong thời gian qua, đặc biệt là vào những tháng cao điểm cuối năm, công tác này càng được tăng cường, nhằm kéo dài thời gian sử dụng của công trình, đồng thời góp phần làm cho các tuyến đường đẹp hơn, giúp các phương tiện giao thông đi lại được an toàn, thông suốt.

Lực lượng thanh tra giao thông tỉnh Ninh Bình kiểm tra tải trọng xe.

Hiện nay, trên địa bàn Ninh Bình có gần 3.000 km đường được phân cấp, phân loại, bao gồm 8 tuyến Quốc lộ dài 221km, 19 tuyến đường tỉnh dài 261,4km, đường huyện 349,5km, đường đô thị 374km, đường xã 1.378km, đường chuyên dùng 118km, đường đê kết hợp giao thông 219km. 

Ngoài ra còn có nhiều cây cầu lớn như cầu Nam Bình (1.637m), cầu Gián Khẩu (210m), cầu Hoàng Long (850m)... được đầu tư xây dựng. Trên địa bàn tỉnh còn có hơn 300km đường cấp III, gần 60km đạt tiêu chuẩn đường cấp II, đô thị; 100% đường Quốc lộ, đường tỉnh đã được cứng hóa bằng bê tông xi măng, bê tông nhựa, đá dăm láng nhựa trong đó hơn 50% đã được thảm bê tông nhựa. 

Tuy nhiên, công tác quản lý giao thông trên địa bàn vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, cơ sở hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, tình trạng xâm phạm công trình đường bộ, chiếm dụng lòng lề đường để đổ vật liệu xây dựng, thi công công trình, họp chợ, mua bán hàng hóa, làm sân phơi, tuốt lúa, đốt rơm rạ... còn diễn ra, tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự ATGT cao. 

Bên cạnh đó, tình trạng xe ô tô chở quá tải trọng tuy có giảm nhưng chưa được ngăn chặn triệt để, gây hư hại đến công trình đường bộ, gây mất an toàn giao thông. Trong khi đó, nguồn vốn cho công tác sửa chữa hạn hẹp; khối lượng, chi phí cho sửa chữa, bảo dưỡng tăng.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Ninh Bình Lê Trọng Thành cho biết: Với chức năng, nhiệm vụ của mình, thời gian qua Sở Giao thông Vận tải đã tích cực thực hiện công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; sử dụng hiệu quả nguồn vốn Quỹ bảo trì đường bộ. Trong đó đặc biệt quan tâm đến việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung hợp lý hệ thống báo hiệu đường bộ, thiết bị an toàn giao thông; phát hiện và xử lý kịp thời các hư hỏng về cầu đường, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. 

Trong năm 2018 đã tổ chức hàng chục đợt đi kiểm tra, khảo sát các tuyến giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh, tiêu biểu là chỉ đạo Đoạn quản lý giao thông số 1 phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc đặt dải phân cách mềm, đặt biển báo và kẻ vạch phân làn giao thông theo quy định tại khu vực nút giao tuyến Quốc lộ 1 với đường Quốc lộ 12B kéo dài (qua đường sắt Bắc - Nam, địa bàn huyện Yên Mô); phối hợp với UBND huyện Nho Quan và Tổng cục đường bộ Việt Nam chuẩn bị đầu tư xây dựng công trình xử lý điểm đen tại km5+727/QL45; điều chỉnh bổ sung các biển báo giao thông trên tuyến Quốc lộ 1 và Quốc lộ 1 tránh thành phố Ninh Bình; tiếp tục triển khai thực hiện dự án xây dựng Quốc lộ 38B và Quốc lộ 37C, Quốc lộ 12B, bến phà Quang Thiện; hoàn chỉnh đề xuất chủ trương đầu tư sửa chữa cầu Ba Vuông, dự án đường Xăm, Sạng, Võng đi Thường Xung - Nho Quan, dự án cải tạo đường ĐT 476C Khánh Công - Yên Khánh; khảo sát đề xuất bố trí lắp đặt hệ thống đèn báo tại một số nút giao trên Quốc lộ 10 địa bàn huyện Yên Khánh và lắp đặt các biển báo giao thông trên tuyến Quốc lộ 21B; kiểm tra khắc phục tình trạng mặt đường cao hơn vỉa hè trên Quốc lộ 1 thành phố Tam Điệp..., góp phần quan trọng vào công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn.

Hiện nay đã vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, nhu cầu vận tải hàng hóa lớn, vì vậy để bảo đảm ATGT trên các tuyến đường đang khai thác, ngành GTVT Ninh Bình đang tăng cường công tác kiểm tra, rà soát nhằm phát hiện kịp thời những hư hỏng của cầu đường để tiến hành tu bổ, sửa chữa, quản lý, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là các tuyến đường có nhu cầu đi lại lớn như Quốc lộ 12B kéo dài, đường nối Quốc lộ 1 với cảng Ninh Phúc, Quốc lộ 12B, ĐT.477, ĐT.480, ĐT.477B, ĐT.481B; các tuyến đường vào các khu du lịch… Đối với các tuyến giao thông có dự án đang thi công do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư như Quốc lộ 1 tránh thành phố Ninh Bình, Quốc lộ 10, Quốc lộ 12B, Quốc lộ 12B kéo dài, ĐT.477… 

Sở đã chỉ đạo các Ban quản lý dự án và nhà thầu bố trí lực lượng để khẩn trương thi công và tổ chức giao thông hợp lý, đặc biệt trong những ngày Tết, Sở Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị phải xây dựng phương án tạm ngừng thi công, hoàn trả mặt đường, bố trí đầy đủ hệ thống biển báo và đảm bảo vệ sinh môi trường theo đúng quy định; bố trí lực lượng thường trực (nhân lực, thiết bị) để kịp thời xử lý các tình huống, đảm bảo người và phương tiện lưu thông thông suốt, tuyệt đối an toàn. 

Để đảm bảo chất lượng cho các tuyến đường, phục vụ an toàn, thuận lợi nhu cầu đi lại của nhân dân, Sở Giao thông vận tải Ninh Bình đã chủ động phân công lực lượng thanh tra quyết liệt công tác kiểm soát tải trọng xe như: tăng cường hoạt động của trạm cân tải trọng xe, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các vi phạm chở quá tải trọng. 

Đồng thời tập trung kiểm soát, xử lý xe quá khổ, quá tải ngay tại nơi xuất phát, nhất là tại các điểm mỏ, vật liệu xây dựng, nơi tập kết hàng hóa, nhằm xử lý, ngăn chặn kịp thời các phương tiện chở hàng quá trọng tải trước khi lưu thông trên đường. 

Để quản lý, bảo vệ tốt hơn nữa kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, ngành Giao thông vận tải đang tích cực phối hợp với các cấp, các ngành liên quan đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Kiên quyết xử lý đối với những trường hợp cố tình vi phạm về công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nhằm răn đe, chấn chỉnh những sai phạm. 

Bên cạnh đó, phối hợp với các cấp, các ngành, đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, thường xuyên rà soát hành lang an toàn đường bộ, hệ thống biển báo, các điểm đen, vị trí tiềm ẩn mất an toàn giao thông, từ đó có biện pháp cảnh báo, khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. 

Cùng với ngành Giao thông vận tải tỉnh, các huyện, thành phố cũng phối hợp chặt chẽ để thực hiện có hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án xây dựng công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch.

Báo Ninh Bình

Nguồn: Báo Ninh Bình

TAGS : thanh tra

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)