Kiểm tra đột xuất trên đường Hồ Chí Minh, phát hiện xe vượt tải trọng cho phép 120%

Thứ hai, 06/05/2019 08:28
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng 4/5 Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) Nguyễn Mạnh Thắng cùng lực lượng thanh tra thuộc Tổng cục ĐBVN đã kiểm tra, phát hiện xe quá tải trọng vượt mức cho phép đến 120%.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Mạnh Thắng yêu cầu đo kích thước thành thùng khi xe có dấu hiệu cơi nới

Điểm đến cụ thể của chuyến đi được giữ bí mật tuyệt đối, từ trung tâm Hà Nội, đoàn kiểm tra nhanh chóng di chuyển qua Đại lộ Thăng Long rồi rẽ vào đường Hồ Chí Minh hướng Xuân Mai - Hòa Bình. Đến Km417 thuộc địa bàn thôn Cố Thổ (huyện Lương Sơn, Hòa Bình), nhận thấy chiếc xe Howo BKS 29LD-056.77 lưu thông chiều ngược lại có dấu hiệu chở quá tải trọng và cơi nới thành thùng, lực lượng thanh tra đã nhanh chóng ra hiệu, yêu cầu tài xế dừng xe để kiểm tra.

Tuy vậy, khi thấy lực lượng chức năng đặt bàn cân tự động kiểm tra tại chỗ, thay vì chấp hành theo mệnh lệnh, lái xe lại liên tục tỏ thái độ thiếu hợp tác, không xuất trình giấy tờ xe, không di chuyển xe vào bàn cân và liên tục cầm điện thoại để liên hệ “cầu cứu” trong suốt hơn 1 tiếng đồng hồ (từ 10h00 - 11h10), bất chấp sự thuyết phục, vận động của các thanh tra viên. Chỉ đến khi chủ DN vận tải này đến “gật đầu”, lái xe mới bắt đầu nộp giấy tờ kiểm tra và điều khiển xe vào vị trí bàn cân.

Khi đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản xử phạt, theo quan sát của phóng viên có rất nhiều xe “cò mồi” đỗ lại nghe ngóng tình hình, gọi điện báo tin cho doanh nghiệp. Khi xe của đoàn di chuyển những chiếc xe này bám đuôi chạy theo, có lẽ do có báo trước những chiếc xe quá tải chạy vào đường tỉnh nên không thấy chiếc xe cơi nới thành thùng, chở quá tải lưu thông trên tuyến đường này.

Lái xe chống đối, liên tục gọi điện thoại.

Tiếp tục di chuyển về hướng Chương Mỹ, đến Km924+200, đoàn kiểm tra phát hiện chiếc xe Howo BKS 29H-101.47 có dấu hiệu vi phạm tải trọng và lập tức yêu cầu chiếc xe dừng lại. Khác với trường hợp đầu tiên, tài xế Thắng sau khi xuống xe đã nghiêm chỉnh chấp hành xuất trình giầy tờ và cho xe vào bàn cân. Tuy nhiên, sau khi kết quả cân hiện ra, lái xe này lại liên tục tiếp cận các thanh tra viên để ngỏ lời xin thanh tra giảm bớt các con số về tải trọng. Tuy vậy, bằng sự quyết liệt, lực lượng thanh tra đã buộc lái xe này phải xác nhận vi phạm và chấp hành nộp phạt theo đúng quy định của pháp luật.

Trao đổi với phóng viên,  ông Lê Đăng Duy, Đội phó Đội thanh tra giao thông Cục QLĐB I, cho biết, kết quả kiểm tra cho thấy, chiếc xe đầu tiên BKS: 29H-101.47 do tài xế Cấn Văn Tiến (SN 1989, trú tại Thạch Thất, Hà Nội) điều khiển thuộc Công ty TNHH Chailease (Chi nhánh Hà Nội, trụ sở tại T20 - HH2-1, đường Phạm Hùng, Nam Từ Liêm) vi phạm các lỗi: tự ý thay đổi kích thước thành thùng 1700mm/670mm, quá tải trọng cầu đường (TTCĐ) 30%, quá tải trọng thiết kế (TTTK) 54%. Căn cứ Nghị định 46/2016 của Chính phủ, tổng mức phạt trường hợp này là 68 triệu đồng. Trong đó, chủ xe bị phạt 51 triệu đồng, lái xe 17 triệu đồng.

“Đối với xe thứ 2 mang BKS 29H-101.47 do Nguyễn Văn Thắng (SN 1992, trú tại xã Tân Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội) vừa là chủ xe, vừa là người điều khiển vi phạm các lỗi: tự điều chỉnh kích thước thành thùng 1400mm/540mm, quá TTCĐ 65%, vượt TTTK 120%. Tổng mức phạt đối với trường hợp này là 39 triệu đồng”, ông Duy cho biết.

Theo ông Bùi Thanh Thái, Đội trưởng Đội thanh tra giao thông (Cục QLĐB I), thời điểm hiện tại, không ít phương tiện bị lực lượng thanh tra phát hiện có dấu hiệu vi phạm tải trọng đều tỏ thái độ bất hợp tác, lấy đủ mọi lý do để không đưa xe lên bàn cân. “Đối với những trường hợp đó, công tác tuyên truyền, vận động sẽ được áp dụng song với những tài xế cố tình “thi gan”, lực lượng chức năng sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan kéo xe vi phạm về bãi, sau đó mời chủ xe và lái xe đến giải quyết”, ông Thái nói.   

Ông Thái cũng cho rằng, sở dĩ, việc xử lý xe quá tải trên một số tuyến đường có nhiều mỏ vật liệu, mỏ đá như đường Hồ Chí Minh còn gặp khó khăn là do sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan địa phương còn thiếu sự đồng bộ, nhịp nhàng. “Đặc biệt, nhiều DN khi biết thông tin có lực lượng chức năng làm nhiệm vụ là chạy xe bám đuổi để “báo phím” cho lái xe trốn lủi, trường hợp xe bị yêu cầu dừng lại đề nghị lái xe chây ì, không lên bàn cân. Đó là trở ngại lớn nhất khiến quá trình thực thi nhiệm vụ của lực lượng chức năng chưa đạt được mục tiêu và hiệu quả như mong muốn”, ông Thái chia sẻ. 

Lực lượng chức năng tiến hành cân kiểm tra xe vi phạm.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng, cho rằng, buổi kiểm tra xe quá tải trên đường Hồ Chí Minh cho thấy, thời gian qua, dù hiện tượng xe quá tải đường dài đã cơ bản được ngăn chặn song tại một số nơi, hoạt động của xe quá tải cự lý ngắn lại đang có dấu hiệu bùng phát trở lại do không được lực lượng chức năng tại địa phương kiểm soát kịp thời. Thực tế đó không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến kết cấu hạ tầng giao thông mà còn mang đến nguy cơ TNGT, mất trật tự ATGT rất cao trên đường.

“Theo nghiên cứu, một xe chở quá tải 2 lần sẽ phá hoại kết cấu đường bộ 16 lần so với xe chở đúng tải, nếu chở quá tải 3 lần thì sức phá hoại tăng đến 81 lần. Ở khía cạnh ATGT, xe chở quá tải luôn thường trực nguy cơ nổ lốp, mất an toàn khi vào khúc cua, chỉ cần lái xe sơ xẩy thì việc lật xe là điều khó tránh khỏi”, ông Thắng nói và cho rằng, việc chở quá tải trọng trót lọt sẽ mang lại cho DN lợi nhuận nhất định song họ không biết rằng, khoản lợi nhuận đó chỉ bằng 5 - 10% chi phí nhà nước phải bỏ ra để duy tu, sửa chữa các cung đường.

“Vì vậy, việc cố tình cho xe chở quá tải trọng cho phép của các DN không chỉ thể hiện sự coi thường pháp luật mà nó còn khiến nhà nước “thất thoát” khoản chi phí duy tu, bảo trì đường bộ lớn”, Phó tổng cục trưởng cho biết.    

Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Mạnh Thắng, thời gian qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để kiểm soát tình trạng xe quá tải, điển hình là việc đưa trạm cân tự động trên QL5 vào hoạt động từ đầu năm 2019.  “Bằng việc đầu tư, áp dụng hệ thống kiểm soát hiện đại trong hoạt động vận tải, tới đây, cơ quan chức năng sẽ tăng cường xử lý các xe vi phạm tải trọng bằng hình thức phạt nguội dựa trên cơ sở dữ liệu hệ thống cân tự động trên đường cung cấp để kịp thời xử lý, ngăn chặn những trường hợp cố tình chở hàng hóa sai quy định cả về tải trọng và kích thước thành thùng”, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Mạnh Thắng nhấn mạnh.

Duongbo.vn

Nguồn: Duongbo.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)