Sau giãn cách xã hội, hoạt động ô tô không được phép kinh doanh, không có phù hiệu chở khách (còn gọi là xe dù) tuyến Huế - Đà Nẵng bùng phát trở lại. Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông cũng như hoạt động vận tải hành khách, lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng đang quyết liệt xử lý.
Ảnh minh họa
Cuối tháng 5/2020, tổ liên ngành gồm Thanh Tra giao thông - Cảnh sát giao thông thành phố Đà Nẵng tổ chức đón lỏng tại phía nam Hầm đường bộ Hải Vân và phát hiện 2 phương tiện ô tô mang BKS tỉnh Thừa Thiên Huế chở khách vào Đà Nẵng. Ghi nhận tại hiện trường, các phương tiện xe này lắp phù hiệu taxi nhưng bên trong xe không có đồng hồ báo giờ. Trong khi đó, theo hành khách, họ đi xe với giá 120.000 đồng/vòng từ Huế vào Đà Nẵng. Tổ liên ngành tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm hành chính theo quy định.
Trước đó, trong tuần đầu ra quân tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Trạm Cảnh sát giao thông cửa ô Hòa Hiệp (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Đà Nẵng) xử lý nhiều trường hợp ô tô con chở khách không đúng quy định. Đơn cử, vào lúc 13 giờ 30 ngày 16-5, tại đường Tạ Quang Bửu, tổ công tác của trạm Cảnh sát giao thông cửa ô Hòa Hiệp dừng kiểm tra ô tô mang BKS 75A- 150... do Lê Ngọc Nam (SN 1997, trú phường Thuận Lộc, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) điều khiển chở 4 người trên xe.
Ban đầu lái xe khai nhận là người nhà nhưng qua đấu tranh tài xế thừa nhận là khách chở từ Huế vào Đà Nẵng với giá 120.000 đồng/khách. Đến 14 giờ cùng ngày, tại đường Tạ Quang Bửu, tổ công tác tiếp tục dừng kiểm tra ô tô mang BKS 75A-152... do Nguyễn Tâm Minh Trí (SN 1994, trú xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) điều khiển chở 4 người trên xe. Qua đấu tranh, tài xế Trí đã thừa nhận đón khách từ Huế vào Đà Nẵng có thu tiền mỗi khách 100.000 đồng. Các phương tiện trên đều không đăng ký giấy phép kinh doanh, không có phù hiệu.
Đại úy Đặng Ngọc Tài, Phó trạm trưởng Trạm Cảnh sát giao thông cửa ô Hòa Hiệp cho biết, gần nửa tháng ra quân tổng kiểm tra phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, lực lượng đã phát hiện gần 10 trường hợp ô tô con chở khách không đúng quy định. Để qua mắt lực lượng chức năng, các phương tiện này đã lập các hợp đồng chở khách khống hoặc khai với lực lượng chức năng là chở người nhà đi du lịch. Tuy nhiên, bằng các nghiệp vụ, lực lượng Cảnh sát giao thông buộc các tài xế thừa nhận hành vi chở khách không đúng quy định và lập biên bản xử lý vi phạm hành chính.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng cho biết, công tác xử lý các các hoạt động “xe dù, bến cóc”, xe chở khách “trá hình” - tức xe không đăng ký kinh doanh nhưng có phù hiệu luôn được UBND thành phố, Sở Giao thông vận tải cũng như các ban, ngành quan tâm. Trong năm 2019, UBND thành phố quyết định thành lập tổ liên ngành để tập trung xử lý và mang lại kết quả tốt, với 641 trường hợp bị lập biên bản, xử phạt số tiền trên 1,5 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Trung Nghĩa, đầu năm 2020, do tình hình dịch bệnh bùng phát nên các phương tiện dịch vụ vận tải ngưng hoạt động, “xe dù, bến cóc”, xe “trá hình” cũng tạm ngưng. Tuy nhiên, sau khi hết giãn cách xã hội, “xe dù - bến cóc”, xe “trá hình” đã bùng phát trở lại. Trước tình hình đó, Thanh tra Sở Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công an thành phố ra quân xử lý, qua đó phát hiện 60 trường hợp, lập biên bản xử phạt hành chính số tiền trên 200 triệu đồng.
“Để giải quyết dứt điểm tình trạng “xe dù - bến cóc”, xe chở khách “trá hình”, ngoài việc xử phạt hành chính, cần phải thay đổi cơ chế chính sách, trong đó đặc biệt là công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện vận tải hành khách, để làm sao phân biệt được phương tiện cá nhân và phương tiện vận tải. Đồng thời, cần tăng mạnh chế tài xử phạt, ngoài xử phạt bằng tiền, tước giấy phép lái xe, cần phải có giải pháp nữa là tạm giữ phương tiện”, ông Nguyễn Trung Nghĩa nhấn mạnh.