Từ ngày 25/5/2020 đến ngày 15/6/2020, Đội Thanh tra – An toàn số 2 thuộc Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc đã chủ trì phối hợp với cảng vụ Đường thủy nội địa Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên và các cơ quan chức năng trên địa bàn kiểm tra trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ) tại các cảng, bến thủy nội địa trên các tuyến sông Hồng, Đuống…
Xử lý nhiều bến thủy nội địa hết hạn giấy phép hoạt động
Cụ thể, Đoàn đã kiểm tra tổng số 60 cảng, bến thủy nội địa trên các tuyến sông Hồng, sông Đuống, sông Công. Đội Thanh tra – An toàn số 2 chủ trì đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 02 bến thủy nội địa không phép, 09 bến thủy nội địa hết hạn với số tiền xử phạt 47,5 triệu đồng.
Đối với những bến không nằm trong quy hoạch, không có giấy phép hoạt động, chưa được giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…, đoàn kiểm tra yêu cầu chủ bến chấm dứt ngay hoạt động kinh doanh bến thủy nội địa, tự giải tỏa bãi tập kết vật liệu, các công trình, máy móc, thiết bị trên bến, trả lại nguyên trạng ban đầu.
Với những bến nằm trong quy hoạch nhưng không có giấy phép hoạt động kinh doanh bến thủy nội địa, hoặc hết hạn giấy phép…, đoàn kiểm tra yêu cầu chủ bến tạm dừng hoạt động kinh doanh bến thủy nội địa và hoàn thiện các thủ tục theo quy định để được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa…
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và nâng cao nhận thức, ý thức của các tổ chức cá nhân trong hoạt động kinh doanh bến thủy nội địa, Đoàn kiểm tra đề nghị chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm các bến thủy nội địa theo thẩm quyền, chủ động rà soát việc sử dụng đất bãi bồi ven sông trong phạm vi quản lý; kiên quyết thu hồi đất đã được giao, cho thuê đất, sử dụng đất không đúng mục đích, không đúng thẩm quyền; chỉ đạo cưỡng chế, giải tỏa các bến thủy nội địa không có trong quy hoạch; chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các chủ bến thực hiện các thủ tục về đất đai, môi trường theo đúng quy định.
Kiểm tra tại bến thủy nội địa khu vực xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội
Những bất cập, khó khăn trong hoạt động cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa.
Trong quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã tổ chức tuyên truyền các quy định của Luật Giao thông Đường thủy nội địa đến các tổ chức, cá nhân hoạt động xếp dỡ hàng hóa tại các bến thủy nội địa; tổng hợp các ý kiến của chủ cảng, bến thủy nội địa để đóng góp ý kiến gửi đến các cơ quan chức năng nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa. Cụ thể: Tại Điều 11, Thông tư số 50/2014/TT-BGTVT ngày 17/10/2014 của Bộ Giao thông vận tải tải quy định thủ tục cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa. Tuy nhiên, thực tế để cấp được giấy phép hoạt động bến thủy nội địa các cá nhân, tổ chức hiện nay gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan hồ sơ để được cấp giấy phép hoạt động. Do thủ tục hồ sơ liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý của các sở, ngành: Tài nguyên - Môi trường, Kế hoạch - Đầu tư, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... nên thời gian hoàn chỉnh hồ sơ thường bị kéo dài. Trong đó, việc thuê đất vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập như: Chuyển nhượng đất giữa các hộ, thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở ngân hàng, năng lực tư vấn lập hồ sơ thiết kế, hoàn công còn hạn chế.... Hơn nữa, việc mở bến coi như một dự án đầu tư xây dựng, nên các thủ tục hồ sơ phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, còn trình tự thủ tục thực hiện theo Quyết định của UBND tỉnh, thành phố. Cụ thể: Dự án phải có chủ trương đầu tư; thủ tục thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500; thủ tục về việc sử dụng đất liên quan đến dự án; chủ trương xây dựng hồ sơ thiết kế bến thủy nội địa, hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế, thẩm định phê duyệt hồ sơ, lập hồ sơ hoàn công, tổ chức nghiệm thu công trình đưa vào khai thác sử dụng và cuối cùng là cấp phép hoạt động bến thủy nội địa.
Giải pháp tháo gỡ khó khăn
Để tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho chủ bến kinh doanh cát, sỏi và các doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác mỏ cát, sỏi nhưng chưa có quy hoạch bến thủy nội địa, Đoàn kiểm tra tiếp thu kiến nghị và tổng hợp báo cáo cơ quan chức năng cần đơn giản hóa một số nội dung áp dụng tại Quyết định UBND tỉnh, Thành phố. Trong đó, công khai hóa danh mục trình tự thủ tục thực hiện đối với dự án bến, bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi (cụ thể hóa trình tự, nội dung từng bước thực hiện để tổ chức, cá nhân và UBND cấp huyện, xã biết, triển khai thực hiện). Do thực tế bến, bãi tập kết cát, sỏi hiện nay chỉ có mặt bằng tập kết cát, sỏi, cần cẩu (hoặc ống bơm hút) để trung chuyển cát, sỏi từ tàu, thuyền lên bãi, không được xây dựng công trình nhà cửa theo quy định của Luật Phòng chống thiên tai nên ủy quyền cho UBND cấp huyện phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500. Bên cạnh đó, việc sử dụng đất để xây dựng các bến thủy nội địa hiện nay phần lớn là đất bãi bồi, ven sông, chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai bão lụt hàng năm nên diện tích đất không ổn định. Vì thế, đề nghị thời hạn cho thuê đất tối đa là 05 năm, khi hết thời hạn thì xem xét cho gia hạn tiếp (hiện nay đối với doanh nghiệp cho thuê là 49 năm, đối với hộ gia đình cho thuê là 25 năm).
Năm 2020, Đội Thanh tra – An toàn số 2 dưới sự chỉ đạo của Chi cục đường thủy nội địa phía Bắc tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy tại cảng, bến thủy nội địa; kiến nghị chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng kiên quyết giải tỏa các bến thủy nội địa hoạt động không phép, không nằm trong quy hoạch, các bến thủy nội địa nằm trong hành lang bảo vệ các công trình giao thông Đường thủy nội địa ./.
Tin và ảnh: Khanh Trịnh