Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong tháng 7/2020, lực lượng chức năng trên cả nước đã tiến hành kiểm tra gần 13.000 xe, trong đó có khoảng 1.500 xe vi phạm chở quá tải, tước trên 600 giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước trên 16 tỷ đồng.
Lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội
kiểm tra xe quá tải hoạt động trên địa bàn.
Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện đa số các địa phương tiếp tục duy trì hoạt động của trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động, qua đó đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần ngăn chặn xe quá tải.
Tuy nhiên, do lực lượng Thanh tra giao thông các sở giao thông vận tải chỉ kiểm soát tải trọng xe trên các quốc lộ được ủy quyền quản lý và đường địa phương, nên tình trạng xe quá tải đã bùng phát trở lại trên các quốc lộ và một số đường địa phương nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, các dự án xây dựng, san lấp mặt bằng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa…
Tại một số địa phương tái diễn tình trạng xe cơi nới kích thước thành thùng để chở hàng quá tải, lưu thông công khai trên một số quốc lộ, đường đô thị, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường.
Cũng theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tình trạng sử dụng xe đầu kéo kéo theo sơmi rơmoóc (loại chở container 40 feet) lắp ben thủy lực (kiểu xe ben tự đổ) và thùng chở hàng (kiểu giả container 40 feet) gắn vào sắt xi của sơmi rơ moóc có trục xoay phía cuối để nâng thùng (container) đổ hàng, dùng để chở quá tải lớn hơn 200% (than, cát, đá...), loại xe này đang lưu thông trên đường bộ thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai.
"Xe tải, xe ben chở đất quá tải từ các mỏ đất ưu thông trên các tuyến đường tỉnh Cao Bằng; xe tải tự đổ cơi nới kích thước thành thùng, chở than quá tải từ mỏ than tại Thái Nguyên; xe tải nặng chở đất quá tải tại các mỏ đất tại Vĩnh Phúc; xe tải trọng lớn chở đất quá tải lưu thông trên tuyến đường tỉnh Hòa Bình; xe tải tự đổ, xe ben có dấu hiệu cơi nới kích thước thành thùng, chở vật liệu xây dựng quá tải lưu thông trên trên đường Hồ Chí Minh TP. Hà Nội", Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết.
Trong tháng 8 và các tháng tiếp theo, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo công tác phối hợp giữa các lực lượng Công an, Thanh tra giao thông tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 32 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông. Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có nhiều xe quá tải lưu thông nêu trên chỉ đạo các lực lượng chức năng, các ngành, các cấp phối hợp xử lý, không để tái diễn tình trạng xe quá tải.
Đồng thời, các địa phương tiếp tục tổ chức và triển khai công tác kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn theo Chỉ thị số 03/2020 của Bộ GTVT, bố trí lực lượng, kinh phí, duy trì hoạt động của các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động và sử dụng cân xách tay để kiểm soát xe quá tải phù hợp với tình hình trên địa bàn. Ban An toàn giao thông cấp tỉnh chỉ đạo áp dụng biện pháp kiểm soát tải trọng xe ngay từ đầu nguồn hàng.
Phong Vũ