Lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng cao do nhu cầu giao thương trước Tết Tân Sửu 2021 tăng mạnh, đồng thời các hoạt động văn hóa, giải trí luôn thu hút nhiều người tham gia nên tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng dự báo diễn biến phức tạp. Các ngành chức năng của thành phố đang triển khai hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp giữ gìn TTATGT để bảo đảm an toàn cho người dân vui Xuân, đón Tết.
Lực lượng Thanh tra giao thông tuần tra kiểm soát trên đường
Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, của ngành, lực lượng CSGT đã triển khai kế hoạch mở đợt cao điểm bảo đảm TTATGT, trật tự đô thị. Theo đó, đợt cao điểm được Công an thành phố triển khai từ ngày 1/12/2020 đến 28/2/2021 với trọng tâm là kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, ma túy và tấn công các loại tội phạm trên các tuyến giao thông. Đồng thời, thông báo công khai về công tác phân luồng, hướng dẫn giao thông phục vụ Đại hội lần thứ XIII của Đảng và kết quả xử lý vi phạm TTATGT của lực lượng CSGT trong đợt cao điểm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên cả 3 lĩnh vực đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa…
Trong khi đó, theo Chánh Thanh tra giao thông Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố Nguyễn Trung Nghĩa, từ nay đến cuối năm, đơn vị sẽ tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, tập trung chú trọng phát hiện ngăn chặn tình trạng xe chở quá khổ, quá tải. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị quản lý đường bộ kiên quyết xử lý vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hành lang an toàn giao thông, đặc biệt là các vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường; đấu nối trái phép, xây dựng lều quán, ki ốt bán hàng, dựng rạp để vật tư, hàng hóa trong phạm vi lòng, lề đường, taluy; xử lý dừng, đỗ xe trái quy định; mở đấu nối trái quy định.
Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm thi công công trình trên đường bộ đang khai thác; chấn chỉnh việc các chủ đầu tư, nhà thầu thi công không thực hiện đầy đủ các biển báo hiệu, cọc tiêu, rào chắn, đèn tín hiệu ban đêm, chỉ dẫn giao thông nhằm bảo đảm an toàn trong quá trình thi công và hạn chế xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải; đẩy mạnh khai thác và phát huy hiệu quả thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của phương tiện để kiểm soát hoạt động thực tế của các phương tiện khi tham gia giao thông, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm.
Đối với các doanh nghiệp có nhiều vi phạm trong quản lý vận tải, quản lý xe gây ảnh hưởng xấu đến tình hình TTATGT, tùy mức độ vi phạm mà phải chịu các hình thức xử lý như: đình chỉ khai thác tuyến, đình chỉ hoạt động có thời hạn, thu hồi phù hiệu, biển hiệu hoặc giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật, đồng thời thông báo danh sách cụ thể cho lực lượng CSGT để phục vụ công tác kiểm soát và xử lý vi phạm.
Không chỉ cắm chốt tại các “điểm nóng” về ùn tắc giao thông, “điểm đen” về khu vực hay xảy ra tai nạn giao thông, các chiến sĩ CSGT còn quay camera, dán giấy phạt vi phạm giao thông trên các tuyến đường để tiến hành phạt nguội. Tài xế Lê Tấn Trung (nhà xe Phương Trang) cho biết: “Không chỉ khi các lực lượng chức năng ra quân xử phạt, chúng tôi mới tuân thủ các quy định, mà là lái xe chuyên nghiệp, việc thường xuyên bảo đảm an toàn giao thông luôn được đặt lên hàng đầu”.
Theo ông Nguyễn Trần Hoàng, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Đà Nẵng, thời gian qua, lực lượng Thanh tra giao thông đã phát hiện, xử phạt nhiều trường hợp xe vi phạm, trong đó có nhiều xe buýt liền kề Quảng Nam - Đà Nẵng hoạt động vùng nội đô Đà Nẵng, thậm chí có trường hợp xử phạt nặng lên đến mức 10 triệu đồng. Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Thanh tra Sở GTVT đã chỉ đạo các đơn vị, lực lượng tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý các vi phạm.