Trước thực trạng xuất hiện hàng trăm nhà xe bỏ bến, bỏ nốt giờ, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đang vào cuộc quyết liệt trong việc dẹp bỏ tình trạng xe “dù”, bến “cóc”, xe hợp đồng hoạt động trá hình... Song, để xử lý dứt điểm tình trạng này, bên cạnh những giải pháp của cơ quan chức năng, các bến xe, đơn vị kinh doanh vận tải cũng cần cải thiện chất lượng dịch vụ để thu hút hành khách.
Thanh tra giao thông xử phạt xe khách vi phạm trên trục đường Vành đai 3. Ảnh: Tuấn Khải
Hàng loạt nhà xe bỏ bến
Từ khi có dịch Covid-19, tình trạng xe khách liên tỉnh bỏ nốt giờ, bỏ bến xuất hiện khá nhiều tại Hà Nội. Qua rà soát của Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2022, có 734 phương tiện không hoạt động. Trong tháng 7 và tháng 8/2022, tại Bến xe Nước Ngầm, cơ quan chức năng đã xử lý 86 nốt giờ của 27 đơn vị vận tải; tại Bến xe Yên Nghĩa và Sơn Tây xử lý 109 nốt giờ của 49 đơn vị vận tải, do đã đăng ký tuyến nhưng không đưa xe vào khai thác.
Điển hình phải kể tới Công ty TNHH Vận tải Vân Anh có tới 40 nốt giờ đã đăng ký tuyến Bến xe Nước Ngầm - Bến xe phía Bắc Thanh Hóa nhưng không hoạt động; Công ty TNHH Long Thu có 4 nốt giờ tuyến Bến xe Nước Ngầm - Bến xe Quỳnh Côi (Thái Bình). Ngoài ra, đơn vị này còn có 2 nốt xe đăng ký tuyến Bến xe Nước Ngầm - Bến xe Bồng Tiến (Thái Bình) và Bến xe Nước Ngầm - Bến xe Hưng Hà (Thái Bình) cũng không đưa xe vào hoạt động…
Một số doanh nghiệp vận tải cho rằng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu đi lại giảm, hành khách đến các bến xe ít, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm số chuyến hoặc ngừng hoạt động. Tần suất hoạt động của các đơn vị hiện chỉ đạt 20-40%, trong khi đó lại không thể cạnh tranh với xe "dù", bến "cóc", xe hợp đồng trá hình di chuyển đón khách khắp thành phố.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Đỗ Văn Bằng chia sẻ, phương tiện vận chuyển khách liên tỉnh quá nhiều, cạnh tranh khốc liệt. Nhiều tuyến xe khách liên tỉnh tại các bến xe lớn chưa đáp ứng được những tiêu chí thuận tiện, chất lượng dịch vụ tốt. Trong khi xe hợp đồng trá hình đi vào sâu trong nội thành, đón đưa khách tận cửa, giá vé lại không đắt hơn. Xe khách liên tỉnh vào bến phải đóng thuế phí, trong khi xe hợp đồng trá hình lại tiết kiệm được phần lớn những khoản này nên không ít nhà xe chọn cách bỏ bến ra ngoài chạy “dù”.
Bến xe Nước Ngầm hiện nay rất vắng xe vào bến.
Cần nâng cao chất lượng dịch vụ
Việc nhà xe bỏ bến ra ngoài chạy “dù” không chỉ gây ùn tắc giao thông, mất trật tự đô thị mà còn khiến các bến xe thiệt hại nặng nề. Theo Phó Giám đốc Bến xe Gia Lâm Nguyễn Mạnh Tuấn, hiện lượng xe, lượng khách vào bến rất ít. Trước đây, trung bình bến phục vụ 600-800 lượt xe/ngày thì hiện chỉ còn khoảng 350 lượt xe/ngày. Đại diện Bến xe Giáp Bát thông tin, thời điểm này bến xe chỉ hoạt động 50% công suất. Còn lại 50% nhà xe thông báo nghỉ, một số chuyển sang chạy bên ngoài.
Trước tình trạng hàng loạt nhà xe bỏ bến, vừa qua, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố có liên quan phối hợp cập nhật đơn vị vận tải không đưa xe vào hoạt động, thu hồi phù hiệu đã cấp và xử lý nghiêm vi phạm. “Chúng tôi đã chỉ đạo các bộ phận trực thuộc, các bến xe trên địa bàn thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị vận tải hành khách theo tuyến cố định, như: Bổ sung các điểm dừng, đón trả khách; đơn giản thủ tục hành chính, điều chỉnh hành trình hoạt động để bảo đảm hiệu quả… Tuy nhiên, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách cũng cần nâng cao chất lượng dịch vụ, áp dụng công nghệ vào quản lý, điều hành, hợp tác tổ chức trung chuyển hành khách đến bến... Các bến xe cũng cần cải thiện hình ảnh từ quầy bán vé, phòng chờ, nhà vệ sinh, dẹp bỏ hiện tượng chèo kéo, bán hàng rong, tạo cho hành khách tâm lý đến bến được an toàn, thoải mái, tiện nghi”, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) Nguyễn Tuyển nêu.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, nhằm chấn chỉnh hoạt động vận tải hành khách, thời gian tới, lực lượng liên ngành sẽ tiếp tục tập trung xử lý vi phạm xung quanh các bến xe, tuyến quốc lộ, giao thông trọng điểm tập trung nhiều xe khách vi phạm, như: Đại lộ Thăng Long, Vành đai 3 trên cao, Hồ Tùng Mậu, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Tố Hữu, Kim Đồng, Giải Phóng, Pháp Vân, Trần Thủ Độ, Nguyễn Khoái…; kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước của các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô…
Riêng vấn đề xe “dù”, bến “cóc”, Sở Giao thông vận tải đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội phân cấp quản lý bãi đỗ xe từ thành phố về các quận, huyện (từ ngày 1/1/2022). Khi đó, các địa phương sẽ xử lý kịp thời vi phạm tại bãi đỗ xe, không để hình thành bến “cóc”; lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải sẽ tập trung xử lý các vi phạm trên đường giao thông, khu vực các bến xe, nơi các nhà xe đặt văn phòng đại diện.