Một số bất cập chính khi thực thi Luật PCTN trong 10 năm qua

Thứ tư, 13/04/2016 08:47
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sau 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng (2005) (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2007 và 2012), công tác phòng, chống tham nhũng đã thu được nhiều kết quả tích cực, qua đó giúp cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, duy trì ổn định xã hội và phát triển đất nước.
Nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong khuôn khổ thực thi Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên cũng như các diễn đàn quốc tế song phương và đa phương khác. Các quy định của Luật PCTN đã giúp tạo ra môi trường thể chế ngày càng công khai, minh bạch; từng bước tăng cường sự tham gia của người dân trong việc tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng; cơ chế kiểm soát đối với cán bộ, công chức, viên chức và chế độ công vụ cũng ngày càng được cải thiện; việc xử lý người có hành vi tham nhũng và tài sản tham nhũng cũng bước đầu được củng cố, kiện toàn nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.
 
Toàn cảnh cuộc họp liên ngành giữa TTCP và các bộ, cơ quan có liên quan
ngày 25/2/2016 nhằm xây dựng định hướng sửa đổi Luật PCTN
 
Tuy nhiên, theo đánh giá chung của các chuyên gia về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. Qua đánh giá, rà soát cho thấy, những bất cập trong các quy định của Luật PCTN là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Cụ thể, một số bất cập chính khi thực thi Luật PCTN trong 10 năm qua:
 
Thứ nhất, các quy định về công khai, minh bạch còn chưa mang tính bao quát và chưa thực chất, đặc biệt là chưa làm rõ về nguyên tắc, hình thức, nội dung, thời gian thực hiện công khai, minh bạch trên cơ sở trả lời các câu hỏi: Ai công khai, minh bạch với ai? Công khai, minh bạch cái gì? Công khai, minh bạch như thế nào? Khi nào công khai, minh bạch? Xử lý vi phạm quy định về công khai, minh bạch như thế nào?
 
Thứ hai, chế định trách nhiệm giải trình còn hẹp, chưa gắn liền với trách nhiệm chính trị của người đứng đầu về các vấn đề phát sinh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước (theo các cấp độ ngang, dọc, nội bộ; hoặc cấp trên đối với cấp dưới, bên trong cơ quan nhà nước với bên ngoài; hoặc giữa cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp trước cơ quan lập pháp…); thiếu cơ chế và các hình thức xử lý hành vi vi phạm pháp luật về giải trình; trình tự, thủ tục và nội dung thực hiện trách nhiệm giải trình còn chưa rõ ràng, chưa mang tính khả thi, chưa gắn với việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng khác.
 
Thứ ba, xung đột lợi ích là những tình huống cụ thể phát sinh khi cán bộ, công chức có thể đưa ra quyết định hoặc thực hiện hành vi có lợi cho mình trong hoạt động công vụ, qua đó làm phát sinh tham nhũng. Vì vậy, kiểm soát và hạn chế các tình huống phát sinh xung đột lợi ích sẽ giúp ngăn ngừa tham nhũng một cách có hiệu quả. Tuy nhiên, Luật PCTN và các văn bản pháp luật hiện hành chưa đưa ra một khái niệm chính thức về xung đột lợi ích, kiểm soát xung đột lợi ích mà bước đầu chỉ ghi nhận và đưa ra các biện pháp giải quyết các tình huống xung đột lợi ích cụ thể, liên quan đến việc tặng quà và nhận quà tặng (lợi ích vật chất); có hành vi hoặc ra quyết định (hoặc gây ảnh hưởng) có lợi cho cá nhân hoặc người thân của người thực hiện hành vi, ra quyết định; đầu tư và chia sẻ lợi ích với doanh nghiệp và sử dụng lợi thế thông tin có được từ vị trí công tác.
 
Việc thiếu một khái niệm tổng thể làm cho các quy định cụ thể thiếu tính hệ thống, dễ bị sót. Hơn thế, quy định của Luật PCTN và trong các văn bản pháp luật chưa có đồng bộ, thiếu cụ thể, thiếu biện pháp đảm bảo để thực thi có hiệu quả. Trên thực tế và theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, kiểm soát xung đột lợi ích không chỉ liên quan đến mỗi cá nhân cán bộ, công chức mà cần phải đặt họ trong các mối quan hệ khác nhau, đặc biệt là trong quan hệ công vụ, quan hệ gia đình, quan hệ thân thích và các quan hện xã hội nói chung. Lợi ích cá nhân mà cán bộ, công chức hướng tới có thể là hữu hình (tài sản và các lợi ích vật chất khác) hoặc vô hình (giá trị tinh thần hoặc các lợi ích phi vật chất khác); lợi ích cá nhân đó có thể trực tiếp mang lại cho cán bộ, công chức, vợ/ chồng, con, gia đình của cán bộ, công chức hoặc những người thân khác; lợi ích cá nhân có thể xuất hiện trước, trong hoặc sau khi có quyết định hoặc hành vi quản lý.
 
Thứ tư, các quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức đơn vị mình còn thiếu rõ ràng, chưa thực chất và không khuyến khích được tính chủ động của người đứng đầu trong phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng.
 
Thứ năm, các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa giúp kiểm soát biến động về thu nhập; còn phức tạp về trình tự, thủ tục công khai bản kê khai, giải trình, xác minh tài sản, thu nhập khi có yêu cầu; thiếu quy định về việc xử lý các tài sản, thu nhập không được giải trình một cách hợp lý và thời hạn người kê khai tài sản, thu nhập có nghĩa vụ giải trình về tài sản, thu nhập.
 
Thứ sáu, quy định về trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giải quyết tố cáo nhằm nâng cao hiệu quả phát hiện tham nhũng chưa có sự phân định rõ ràng nhằm tăng cường tính chủ động và điều phối trong hoạt động phối hợp giữa các cơ quan.
 
Thứ bảy, quy định của Luật PCTN còn những “khoảng trống”/ sự “ngắt quãng” quá trình phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng bởi các cơ quan có thẩm quyền. Qua đánh giá về cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng thì việc tồn tại các “khoảng trống”, thiếu tính kế thừa giữa các cơ quan có thẩm quyền chính là nguyên nhân dẫn đến hiệu quả phối hợp còn nhiều hạn chế.
 
Thứ tám, Luật PCTN chưa quy định rõ về các hình thức xử lý và thẩm quyền xử lý các hành vi tham nhũng nhưng chưa đủ các yếu tố cấu thành tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng như không thực hiện việc công khai, minh bạch; không trả lại quà tặng; hoặc các hành vi có dấu hiệu tham nhũng được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn…
 
Thứ chín, việc quy định hành vi tham nhũng trong Luật PCTN và tội phạm về tham nhũng trong Bộ luật hình sự chưa hợp lý cũng dẫn đến hiệu quả xử lý hành vi tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp.
 
Tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN, các chuyên gia của Thanh tra Chính phủ và các cơ quan có liên quan đang trăn trở và cùng bàn thảo để tìm ra các giải pháp mang tính định hướng nhằm sửa đổi Luật này để khắc phục, giảm thiểu những bất cập nói trên; đồng thời thể hiện trách nhiệm, quyết tâm của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam với nỗ lực phòng, chống tham nhũng./.
 

toanld

Nguồn: Thanhtravietnam

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)