Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp ngày 19/3 với lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan về tình hình trật tự an toàn giao thông đường sắt (ATGTĐS) nhằm đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ATGTĐS.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan
tập trung hơn nữa, thực hiện ngay các giải pháp đảm bảo ATGTĐS
Theo thống kê của Vụ An toàn giao thông, năm 2017 (tính từ ngày 16/12/2016 đến 15/12/2017), toàn quốc xảy ra 331 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 153 người, làm bị thương 219 người. So với cùng kỳ năm 2016 giảm 50 vụ (-13,12%), giảm 13 người chết (-7,83 %), giảm 53 người bị thương (-19,49%). 3 tháng đầu năm 2018 (tính từ ngày 16/12/2017 đến 15/03/2018), tai nạn giao thông đường sắt xảy ra 83 vụ, làm chết 40 người, làm bị thương 50 người. So với cùng kỳ năm 2017 giảm 16 vụ (-16,2%), giảm 05 người chết (-11%), giảm 25 người bị thương (-33%).
Trong thời gian qua với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT và Quy chế phối hợp về công tác đảm bảo TT ATGT tại vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt trong thời gian qua, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, tình hình tai nạn giao thông đường sắt trong năm 2017 giảm cả 03 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương).
Tuy nhiên theo đánh giá của Vụ An toàn giao thông, trong năm 2017 và 03 tháng đầu năm 2018 trên đường sắt vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn, sự cố chạy tàu nghiêm trọng; ý thức chấp hành pháp luật của một số bộ phận người tham gia giao thông còn kém, nhiều vi phạm còn diễn ra khá phổ biến. Trong khi đó, các giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ còn quá nhiều, tồn tại nhiều lối đi tự mở bất hợp pháp, các công trình vi phạm hành lang ATGT đường sắt chưa được giải tỏa dứt điểm, hệ thống đường gom, hàng rào hộ lan giữa đường sắt và đường bộ chạy dọc liền kề, hàng rào bảo vệ hành lang ATGT ĐS chưa được đầu tư, xây dựng kịp thời... Đây thực sự là thách thức và là nguy cơ, hiểm họa tiềm ẩn đối với an sinh, trật tự, an toàn xã hội.
Phân tích nguyên nhân những vụ tai nạn, sự cố giao thông đường sắt, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Vũ Tá Tùng cho rằng, do tình trạng vi phạm lấn chiếm hành lang ATGTĐS diễn ra phức tạp, có đến 4.232 lối đi tự mở qua đường sắt. Theo tổng hợp, có 69% vụ tai nạn xảy ra tại các vị trí giao cắt, trong đó có tới 70% số vụ xảy ra tại lối đi tự mở. Đối với các vụ sự cố do chủ quan, ông Tùng cho biết, qua phân tích nguyên nhân, chủ yếu do lỗi từ yếu tố con người. Mặc dù, theo quy trình quy phạm, các chức danh liên quan trực tiếp đến chạy tàu như: điều độ viên chạy tàu, lái tàu, trực ban chạy tàu, trưởng tàu an ninh, nhân viên tuần đường, nhân viên gác chắn đều có sự liên hệ chặt chẽ, giám sát lẫn nhau trong quá trình lên ban làm nhiệm vụ để nếu khâu nào lỡ để ra sai sót, khâu khác phải phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Nhiều đại biểu tham dự cuộc họp cho rằng, một nguyên nhân quan trọng cần được chú trọng để có giải pháp quyết liệt là xác định rõ ràng trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác này. Vì thực tế hiện nay nhiều địa phương chưa coi trọng và thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về đảm bảo hành lang ATGT đường sắt, chưa nỗ lực thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn, chưa bố trí kinh phí cho công tác này… Bên cạnh đó, Nhà nước cần bố trí ngân sách kịp thời cho việc cải tạo hạ tầng đường sắt liên quan đến an toàn chạy tàu, đặc biệt đối với các công trình hàng rào, đường gom, tách cầu chung đường bộ - đường sắt, cải tạo nâng cấp đường ngang, xử lý khắc phục những công trình xuống cấp trên tuyến ĐS.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận định, Bộ GTVT xác định công tác đảm bảo ATGT đường sắt là trách nhiệm của Bộ. Do đó, các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ, trong đó có Cục ĐSVN, Tổng công ty ĐSVN phải tập trung hơn nữa, thực hiện ngay các giải pháp ngăn chặn sự cố, tai nạn giao thông ĐS xảy ra.
Nhấn mạnh Tổng công ty ĐSVN là đơn vị trực tiếp có trách nhiệm chính trong công tác trong công tác vận hành giao thông ĐS. Bộ trưởng yêu cầu Tổng công ty rà soát kĩ nguyên nhân dẫn đến tai nạn, nguy cơ xảy ra tai nạn, sự cố để có biện pháp phòng ngừa. Cùng với đó tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào công tác đảm bảo an toàn chạy tàu, giảm thiểu yếu tố chủ quan do con người. Tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể, tham mưu cho Bộ ban hành các văn bản, thông tư, quy trình liên quan toàn bộ các hoạt động về an toàn giao thông ĐS .
Bên cạnh đó, Cục ĐSVN cần nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm quản lý nhà nước chuyên ngành; tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các lực lượng Thanh tra Cục ĐSVN nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý đối với các hành vi vi phạm trật tự ATGTĐS, các hành vi lấn chiếm hành lang an toàn, đặc biệt tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt thường xuyên xảy ra tai nạn và gây ùn tắc giao thông.
Bộ trưởng đề nghị Ủy ban ATGT Quốc gia, Vụ ATGT, Cục ĐSVN tham mưu văn bản để Bộ trình Chính phủ chỉ đạo cụ thể. Nội dung báo cáo nêu rõ về thực trạng ATGT hiện nay; tình hình mở đường dân sinh trái phép; địa phương nào thực tốt hoặc chưa tốt việc đảm bảo TTATGT để từ đó chỉ đạo các địa phương tích cực vào cuộc cũng như xử lý trách nhiệm đối với lãnh đạo địa phương để xảy ra vi phạm; các giải pháp cấp bách cần thực hiện trong thời gian tới…
V.H