Ngày 16/7/2020, Bộ GTVT đã có Văn bản số 6913/BGTVT-VT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Cụ thể, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Nam do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 5301/VPCP-QHĐP ngày 08/7/2020, nội dung kiến nghị như sau:
“Hiện nay, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có điều chỉnh vấn đề sử dụng lao động nhưng giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Bộ Giao thông vận tải quy định. Đề nghị Chính phủ chỉ quy định Thanh tra ngành lao động chịu trách nhiệm kiểm tra xử lý vấn đề vi phạm pháp luật về lao động của các đơn vị kinh doanh vận tải nhằm tránh chồng chéo chức năng nhiệm vụ, mặt khác thẩm quyền và chế tài về xử lý vi phạm pháp luật về lao động không có quy định cho Thanh tra giao thông”.
Ảnh minh họa
Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã quan tâm, góp ý về lĩnh vực vận tải đường bộ, nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và nhân dân. Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau:
Tại điểm b khoản 2 Điều 86 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về nhiệm vụ của Thanh tra đường bộ: ”Thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc chấp hành các quy định về hoạt động vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải...”;
Tại điểm a khoản 6 Điều 23 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ đã giao Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan chức năng: “Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật liên quan”;
Tại khoản 1 Điều 29 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: “Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện pháp luật lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi của người lao động trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô”;
Tại điểm h khoản 4 Điều 28 của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định chế tài xử phạt đối với đơn vị kinh doanh vận tải về hành vi: “Sử dụng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe để tham gia kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có hợp đồng lao động theo quy định”. Tại Điều 74 của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra GTVT, trong đó có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi nêu trên.
Theo các quy định nêu trên thì việc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại đơn vị kinh doanh vận tải do cơ quan có thẩm quyền và lực lượng chức năng ngành GTVT chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan để thực hiện theo quy định. Qua thanh tra, kiểm tra, các hành vi vi phạm (bao gồm cả hành vi: Sử dụng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe để tham gia kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có hợp đồng lao động theo quy định) được Thanh tra GTVT xử lý theo đúng quy định.
Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Nam, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành GTVT./.