Kinh nghiệm thực tiễn tại các địa phương có tập trung các cảng, bến thủy nội địa cũng như từ phạm vi chức năng quản lý nhà nước lĩnh vực thủy nội địa cho thấy cần phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng chức năng để triển khai các nhóm giải pháp về tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm sẽ tăng cường được hiệu lực, hiệu quả thanh tra chuyên ngành lĩnh vực thủy nội địa.
Để thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Cục ĐTNĐ) đã thành lập các bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành như: Phòng Pháp chế - Thanh tra thuộc Cục ĐTNĐ; các phòng Thanh tra – An toàn thuộc các Cảng vụ ĐTNĐ khu vực; các đội Thanh tra – An toàn thuộc Chi cục ĐTNĐ.
Thời gian qua, các đơn vị đã thực hiện công tác tuyên truyền liên quan đến các chủ cảng, bến, người khai thác cảng, bến…về xếp hàng hóa lên xe ô tô khi tham gia giao thông đường bộ cũng như vấn đề về tăng cường tải trọng từ các đầu mối xếp hàng hóa tại cảng, bến thủy nội địa.
Đi kèm với công tác tuyên truyền là giám sát, kiểm tra, đôn đốc các chủ cảng, bến thủy nội địa thực hiện đúng các nội dung cam kết đã ký và quy trình chống quá tải đường bộ trong khu vực quản lý.
Các đơn vị đã tiến hành rà soát các bến đã được cấp phép và các bến chưa được cấp phép có hoạt động bốc xếp hàng hóa, cát, sỏi, khoáng sản với lưu lượng lớn để tập trung lực lượng kiểm soát có hiệu quả. Kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông ĐTNĐ đối với phương tiện thủy nội địa và ô tô có hành vi xếp hàng hóa vượt quá tải trọng cho phép.
Để chủ động nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra chuyên ngành, hàng năm, Cục ĐTNĐ đã chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra chi tiết để triển khai thực hiện và tổ chức phát động phong trào thi đua đến từng đơn vị, cá nhân. Nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra đã được thực hiện. Qua đó, phát hiện hành vi vi phạm trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng mà không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc hành vi sử dụng giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện đã hết hiệu lực. Ngoài biện pháp xử phạt tiền, lực lượng chức năng làm công tác thanh tra, kiểm tra còn tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Theo thống kê, hàng năm, các Chi cục, Cảng vụ ĐTNĐ đã tiến hành hàng trăm cuộc thanh tra, kiểm tra và phối hợp với liên ngành cơ sở, lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết xử phạt vi phạm đối với hàng nghìn trường hợp với số tiền nhiều tỷ đồng; đồng thời đình chỉ hoạt động hàng trăm bến và phương tiện. Đối với công tác kiểm soát tải trọng xe ô tô tại cảng, bến thủy nội địa, hàng chục trường hợp cũng bị xử phạt về vi phạm hàng hóa tải trọng lên xe ô tô, buộc hạ tải theo quy định.
Theo bài học kinh nghiệm rút ra từ địa phương, cần phát huy việc lập, lưu trữ và sử dụng hồ sơ quản lý bến thủy nội địa vận chuyển khách. Tăng cường sử dụng các thiết bị ghi hình để xử phạt nguội các hành vi vi phạm. Đồng thời, tăng cường tổ chức thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải khách bằng phương tiện thủy nội địa đối với các tổ chức kinh doanh vận tải nhằm chấn chỉnh sai phạm. Tiếp đó, cần kịp thời tham mưu cho cơ quan thẩm quyền điều chỉnh chính sách, pháp luật nếu có vướng mắc, chồng chéo hoặc bất hợp lý trong công tác quản lý nhà nước.
Cùng với đó, để đảm bảo công tác trật tự an toàn giao thông đường thủy đạt hiệu quả, ngoài việc thực hiện chức năng của mỗi lực lượng theo thẩm quyền cần phát huy thường xuyên công tác kiểm tra liên ngành với sự tham gia của các lực lượng thuộc Công an tỉnh, đơn vị quản lý ĐTNĐ, Trung tâm đăng kiểm và chính quyền địa phương nơi có các tuyến sông, bến, cảng.
Theo Cục ĐTNĐ thì để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của thanh tra chuyên ngành lĩnh vực ĐTNĐ thì cần triển khai các giải pháp về tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông thủy nội địa và kiểm soát tải trọng phương tiện. Đi kèm với kiểm tra, giám sát và duy trì lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Cảnh sát giao thông để kiểm tra, xử lý vi phạm…
Nghị định 139/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông thủy nội địa thì:
Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa;
Các hành vi vi phạm về hoạt động của phương tiện thủy nội địa ngoài phạm vi luồng và vùng nước chưa được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải, bao gồm: Vi phạm của phương tiện thủy nội địa; thuyền viên, người lái phương tiện; quy tắc giao thông và tín hiệu của phương tiện; vận tải đường thủy nội địa; tai nạn giao thông đường thủy nội địa và tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa.
Các hành vi vi phạm hành chính khác liên quan đến giao thông đường thủy nội địa không được quy định tại Nghị định này thì áp dụng các quy định tại các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực khác có liên quan.