"Vì mỗi chuyến tàu qua, vì hạnh phúc muôn nhà" - Đó là lời cuối trong bài hát Tình em gác chắn đường tàu của nhạc sĩ Hoàng Bình phổ thơ Trịnh Văn Khanh. Vâng, bảo đảm an toàn cho những đoàn tàu đi đúng lộ trình và những người tham gia giao thông đường bộ không phải là một công việc dễ dàng, mà đòi hỏi sự chịu đựng, hy sinh rất lớn của những công nhân gác chắn đường ngang, đặc biệt là những nữ công nhân.
Vui, buồn chuyện nghề:
Để hiểu hơn về công việc của những nữ gác chắn đường tàu, chúng tôi đã đến thăm một số trạm gác chắn thuộc Công ty quản lý đường sắt Quảng Bình. Hiện nay, ngành đường sắt Quảng Bình có 104 công nhân gác chắn đường ngang, trong đó đa phần là nữ. Không giống những lao động ngành nghề khác, công nhân gác chắn đường ngang phải làm việc theo ban, mỗi ban kéo dài 12 tiếng đồng hồ, làm việc 12 giờ thì nghỉ 24 giờ. Khi đã lên ban, người công nhân không được rời nhiệm sở. Công việc của những “bóng hồng” canh giữ bình yên cho mỗi chuyến tàu đi qua là: nghe điện thoại trực ban, ghi chép cẩn thận giờ tàu đến và căn giờ kéo giàn chắn để bảo đảm đoàn tàu vượt qua không có chướng ngại nào. Nghe đơn giản là vậy, nhưng ẩn đằng sau là những gian nan đòi hỏi nỗ lực làm việc không biết mệt mỏi và trách nhiệm đè nặng lên đôi vai nữ gác chắn. Bởi hằng ngày, họ phải bảo đảm an toàn cho hàng nghìn người.
Tại trạm gác chắn Km 520+325, cung đường Đồng Hới (phường Bắc Lý), người đi đường thường bắt gặp hình ảnh chị Cao Thị Điểm - nữ tổ trưởng tổ gác chắn vẫn luôn miệt mài, gắn bó với nghề. Chị Điểm vào ngành đường sắt đã 29 năm nhưng “bén duyên” với công việc gác chắn ngót 15 năm. “Công việc gác chắn đường ngang tưởng chừng nhàn rỗi vì mỗi chuyến tàu chạy qua nơi đường sắt giao cắt với đường bộ chỉ chừng vài phút, nhưng chỉ cần một giây phút lơ đãng là để lại hậu quả khôn lường. Nên khi vào làm việc, chúng tôi phải hết sức tập trung, trách nhiệm cao với nghề” - chị Điểm trải lòng.
Công việc đẩy giàn chắn tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi sự cẩn trọng từng giây phút
Trong mạch câu chuyện, chị nhớ đến vụ tai nạn cách đây 5 tháng. Vào lúc 6 giờ 59 phút, ôtô mang biển số 73L-5345 do anh Tài điều khiển đã đâm vào giàn chắn, kéo theo cả giàn chắn và nằm lại trên đường sắt. Đúng lúc ấy, đoàn tàu VĐ32 xuất phát từ ga Đồng Hới ra Vinh lao đến, chỉ cách vị trí tai nạn 100m. Ngay lập tức, chị Điểm vừa chạy, vừa thổi còi, cầm cờ đỏ ra hiệu cho đoàn tàu dừng khẩn cấp. Trong lúc đó, chị Hiền (người làm cùng ban với chị) phối hợp với người dân đẩy xe ra khỏi đường ray. Nếu không có sự nhanh trí, xử lý kịp thời của chị Điểm, chị Hiền thì không biết hậu quả sẽ như thế nào.
“Niềm vui lớn nhất của những người làm nghề gác chắn barie là bảo đảm an toàn cho đoàn tàu và người đi đường. Đó cũng chính là động lực giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn của nghề” - chị Hiền cũng chia sẻ.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết toàn tuyến đường sắt Quảng Bình chỉ có hai trạm gác chắn đường ngang (Km 520+325 và Km 525+150 thuộc đường ngang cấp 3) mỗi lần lên ban có 2 công nhân làm việc, còn những trạm gác chắn khác chỉ có 1 người. Dù nắng gắt, mưa giông hay gió rét, những nữ gác chắn đường tàu vẫn âm thầm, lặng lẽ hoàn thành công việc của mình. Nỗi vất vả ấy lại nhân lên vào những dịp lễ, tết, tàu tăng chuyến để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách.
“Trung bình mỗi ngày có khoảng 35 chuyến tàu. Nhưng những dịp tết, lễ có khoảng 40-43 chuyến tàu. Làm nghề này phải chấp nhận không có tết vì phải trực liên tục. Đã mấy năm rồi em không đón tết “trọn vẹn” cùng gia đình; 4 năm vào nghề nhưng đã 3 lần đón giao thừa trên trạm chắn. Giao thừa năm nay, em lại phải trực. Nhưng khi nghĩ về công việc của mình là góp phần để nhà nhà đoàn viên, sum họp sau thời gian xa cách, cũng cảm thấy được an ủi” - Huyền tâm sự với chúng tôi, giọng vương chút buồn, nghe thương đến lạ.
Chia tay những nữ công nhân gác chắn đường ngang thuộc cung đường Đồng Hới, rời xa thành phố ồn ào, náo nhiệt, chúng tôi lên trạm gác chắn Km 530+700, cung đường Lệ Kỳ (xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh) khi trời vừa chập choạng tối. Xung quanh là những quả đồi bạt ngàn thông, không một bóng người, chỉ có chị Ngà - nữ công nhân gác chắn - túc trực bên chiếc điện thoại. Chị Ngà tâm sự: Làm nghề này như làm dâu trăm họ. Có người vui vẻ, nghiêm túc chấp hành để mình đóng chắn, nhưng có người lại nói những lời khiếm nhã, văng tục đôi khi còn đòi đánh, đặc biệt là lúc gặp người say rượu. Phận nữ nhi làm việc ở nơi hẻo lánh như thế này không ít lần cũng thấy sợ, thấy buồn nhưng đã gắn bó với nghề thì đành chấp nhận.
Những đêm trắng
Khi dòng người tấp nập, hối hả trở về nhà quây quần bên mâm cơm gia đình cũng là lúc những công nhân gác chắn chuẩn bị lên ban làm việc. Ca tối bắt đầu từ 18 giờ ngày hôm nay đến 6 giờ sáng ngày mai. Trung bình mỗi đêm, họ đón, tiễn khoảng 20-22 chuyến tàu. Vì vậy, nữ công nhân gác chắn đường ngang phải thức trắng đêm để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có thể nói đó là “cửa ải” buộc công nhân gác chắn nào cũng phải “chiến đấu” để vượt qua.
Lê Thị Xuân làm việc tại gác chắn Km 525+150, cung đường Thuận Lý (phường Bắc Nghĩa), không giấu được chút bẽn lẽn của một “tân binh” mới vào nghề chừng 5 tháng, thổ lộ: Khi bắt đầu làm nghề này, mình cũng khó thích nghi với công việc vì phải thức trắng đêm chờ đón các đoàn tàu. Để tránh buồn ngủ, để hoàn thành tốt công việc, mình “bầu bạn” với cafe, trà đặc. Bây giờ, mình cũng đã quen dần.
Trong đêm tối, nữ công nhân gác chắn vẫn miệt mài làm việc
Mỗi tháng, nữ gác chắn đường ngang trực đêm 10 ca. Tỉnh táo tập trung vào công việc đó không phải là điều dễ dàng. Như trường hợp của chị Nguyễn Thị H. làm việc tại gác chắn Km 531+320, cung đường Lệ Kỳ, chỉ một chút thiếu tập trung, sơ suất trong công việc mà chị đã tử nghiệp.
Chị Lê Thị Lương, có thâm niên 13 năm “gác đêm”, chia sẻ: “Có làm nghề mới hiểu được những nỗi vất vả, nguy hiểm của nghề. Rất may là tôi có chồng cùng ngành nên hiểu và cảm thông với công việc của vợ. Chồng tôi luôn động viên tôi cố gắng vượt qua những gian khổ để làm tốt nhiệm vụ mà ngành giao phó”.
Theo chị Lương, thế hệ chị đã nhiều năm gắn bó với ngành đường sắt thì có rất nhiều chị lấy chồng trong công ty. “Lấy chồng cùng ngành mới cảm thông được công việc đêm hôm của chị em chúng tôi. Đặc biệt là lúc phụ nữ có con nhỏ”, chị Lương tâm sự.
Dẫu nguy hiểm là thế, vất vả là vậy nhưng tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề của các chị như ngọn lửa âm ỉ cháy, không bao giờ tắt và ngọn lửa ấy được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Những chuyến tàu ra Bắc vào Nam cứ thế xa dần, bỏ lại phía sau người gác chắn quanh năm lặng thầm với công việc đón - tiễn. Đêm muộn, đường vắng không một bóng người. Ánh đèn leo lắt in bóng nữ công nhân trên bức tường loang lỗ. Sự cô đơn dường như là “bá chủ” nơi này, ngoài kia chỉ còn nghe tiếng kêu của ếch, nhái và gió rít từng cơn. Đó là khung cảnh mà chúng tôi được thấy, được cảm nhận khi lên trạm gác chắn Km 419+677, cung đường Khe Nét (xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa).
Phượng mới 21 tuổi nhưng “bám” trạm gác chắn này đã 3 năm, bộc bạch: Tổ gác chắn ở đây có 3 công nhân, chỉ mình em là con gái. Nơi đây hoang vu, xa nhà dân nên buồn vô cùng, đặc biệt là buổi tối vào những ngày mưa, bão. Nhiều lúc khắc khoải, trông ngóng chuyến tàu đi qua để vơi bớt cô đơn. Bỗng chuông điện thoại đổ dồn giữa cơn mưa rào bất chợt, một chuyến tàu nữa lại chuẩn bị đến. Cuộc trò chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng. Phượng khoác vội chiếc áo mưa, tay cầm ngọn đèn, nhanh chóng chạy ra trong đêm tối để làm nhiệm vụ...
Ông Trương Hữu Mạnh, Trưởng phòng Kỹ thuật - ATGTĐS Công ty Quản lý đường sắt Quảng Bình, cho biết: Hiện nay, tuyến đường sắt Quảng Bình có 28 đường ngang có người gác, 27 đường ngang có cảnh báo tự động, 20 đường ngang có biển báo. Những năm qua, không xảy ra vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng nào tại các đường ngang có trạm gác chắn. Đạt được kết quả đó là sự nỗ lực của Công ty Quản lý đường sắt Quảng Bình trong đó sự đóng góp không nhỏ của những nữ công nhân gác chắn đường ngang.