Nghề gác chắn tưởng như đơn giản, nhưng ẩn đằng sau là những gian nan và trách nhiệm nặng nề của những nhân viên gác chắn. Đối với phụ nữ, công việc này lại vất vả hơn do những đặc thù của nghề. Tuy nhiên, bằng tình yêu và sự gắn bó, các chị đã vượt qua gian nan nhằm bảo đảm bình yên cho mỗi chuyến tàu.
Chị Đàm Thị Thập làm nhiệm vụ.
Đêm trắng
Trong chiếc chòi nhỏ, rộng khoảng 8 m2 vừa là nơi ăn uống, vừa là nơi làm việc, nằm ven sườn đồi thuộc địa phận thôn Kép 11, xã Hương Sơn (Lạng Giang), chị Nguyễn Thị Lý-nhân viên gác chắn đường ngang trạm Dốc Má tâm sự: “27 năm trong nghề, "người bạn" thân thiết của tôi là chiếc điện thoại và 4 bức tường. Dưới cái nắng như thiêu như đốt hay cái lạnh cắt da cắt thịt, tôi đều phải ngồi trực đủ 8 tiếng, không được phép chợp mắt nghỉ bất cứ lúc nào. Mỗi ngày, có khoảng 12 chuyến tàu qua lại, chỉ một sơ suất nhỏ của nhân viên là có thể xảy ra tai nạn. Dù chòi gác chỉ cách nhà vài cây số, nhưng hiếm khi mâm cơm của gia đình tôi được đông đủ. Đổi lại, chồng, con và đồng nghiệp luôn động viên chia sẻ, nên tôi cũng thấy an tâm với nghề”.
Không giống những lao động ngành nghề khác, công nhân gác chắn đường ngang phải làm việc theo ban, mỗi ban thường chỉ có 1 người, nơi đông mật độ dân cư được bố trí 2 người, thời gian trực từ 8-12 tiếng. Khi đã lên ban, công nhân không được rời nhiệm sở. Công việc chính của họ là nghe điện thoại trực ban, ghi chép cẩn thận giờ tàu đến và căn giờ kéo giàn chắn để bảo đảm đoàn tàu vượt qua không có chướng ngại nào.
Ngoài ra, họ còn phải thực hiện một số công việc theo kế hoạch khi trực gác chắn như dọn rác, cỏ quanh chòi và 2 đầu đường ngang; siết ốc, chấm dầu bảo dưỡng đường ray, giàn chắn... Nghe đơn giản là vậy, nhưng áp lực lại rất lớn. Anh Giáp Mạnh Hào, Cung trưởng Cung đường Kép (Lạng Giang) cho biết: Hàng ngày, mỗi chắn có hàng chục chuyến tàu qua lại, hơn một nửa số chuyến vận tải có thời gian chạy không cố định, lại chủ yếu vào ban đêm, nên khi mọi người đang an giấc, các chị lại phải tập trung cao độ. Nếu nhân viên không nắm được thông tin từ nhà ga, không đóng chắn kịp rất dễ xảy ra tai nạn. Khi ấy, nhân viên sẽ bị kỷ luật, bồi thường tài sản, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo tính chất, mức độ mỗi vụ việc.
Vượt lên khó khăn
Tuyến đường sắt chạy qua địa bàn tỉnh Bắc Giang dài khoảng 60 km, gồm 11 trạm gác chắn, có gần 60 cán bộ nữ làm việc dưới sự quản lý trực tiếp của Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Hà Lạng.
Ở những nơi đông người, áp lực công việc của nữ gác chắn càng nặng nề hơn. Khi tàu sắp qua đường ngang, thời gian đóng chắn chỉ được phép trước 3 phút, những nơi vắng vẻ không quá 5 phút. Không ít người ý thức kém ngang nhiên xô đẩy cả rào chắn và nhân viên để vượt qua, thậm chí văng tục, chửi bới, song các chị đều nhẫn nhịn. Tình trạng thanh niên say rượu, mắc tệ nạn xã hội hay cà khịa, trêu chọc, dọa dẫm nhân viên ban đêm không phải là chuyện hiếm.
Một điểm gác chắn tại Cung đường TP Bắc Giang.
Nỗi vất vả ấy lại nhân lên vào những dịp lễ, Tết, tàu tăng chuyến để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách. Chị Đàm Thị Thập, nhân viên gác chắn đường ngang Phân đạm thuộc Cung đường TP Bắc Giang tâm sự: "Trong chòi gác, tôi luôn phải chuẩn bị sẵn thuốc uống, dầu xoa, vì đêm hôm ra ngoài rất có thể bị trúng gió, cảm lạnh. 20 năm nay, tôi chưa bao giờ được về quê chồng ăn Tết, con cái cũng hiếm khi được bố mẹ đưa về quê chơi, tất cả vì công việc."
Cũng chung nỗi niềm, chị Hà Thu Hoài, nhân viên cùng bộ phận gác với chị Thập chia sẻ: Do chồng cũng phải rời nhà từ sớm, khi các con còn nhỏ, cứ khoảng 5-6 giờ sáng, hai con trai theo mẹ đến chòi gác. Sau đó, khoảng 7 giờ, tôi nhờ người nhà đưa các cháu đi gửi trẻ.
Công việc vất vả, nhưng thu nhập chỉ dao động từ 2,5- 3,5 triệu đồng/ người/tháng. Nhiều chị em gác chắn phải tranh thủ làm các công việc khác để có thêm thu nhập như chăn nuôi, bán quần áo, giao hàng đông lạnh, cho dù họ vừa trải qua một ca trực rất căng thẳng, mệt mỏi.
“Niềm vui lớn nhất của những người làm nghề gác chắn là bảo đảm an toàn cho đoàn tàu và người đi đường. Đó cũng chính là động lực giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn của nghề” - Chị Nguyễn Thị Lý cho biết như vậy.