Trong sâu thẳm mỗi người phụ nữ, 20/10 là ngày chị em xúng xính váy áo mới, đón nhận hoa cùng những lời chúc tốt đẹp từ gia đình và cánh đàn ông
Ở nơi nào đó trên dải đất hình chữ S này, những nữ phi công trong bộ đồng phục nghiêm trang, điều khiển chú "chim sắt" bay lượn trên trời chỉ đơn giản nhận được lời chúc mừng từ một vị khách lạ mặt hoặc lặng lẽ một mình chia vui với ngày Phụ nữ Việt Nam tại một nước xa xôi.
Ấy vậy, nhiều bóng hồng vẫn dũng cảm dấn thân, gắn bó với hành trình đi mây về gió chỉ vì giấc mơ được điều khiển đôi cánh khổng lồ trên bầu trời.
Nữ cơ trưởng Huỳnh Lý Đông Phương điều khiển máy bay Airbus A321 của Vietnam Airlines. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Bỏ đại học vì giấc mơ bay
Bỏ dở 2 năm học trường Đại học Kinh tế quốc dân Thành phố Hồ Chí Minh để rồi quyết định sang Pháp tu nghiệp - Huỳnh Lý Đông Phương - cô gái 28 tuổi với vẻ ngoài cuốn hút người đối diện bởi khuôn mặt xinh đẹp, nước da bánh mật toát lên vẻ khỏe khoắn hiện là nữ cơ trưởng điều khiển máy bay Airbus A321 của Vietnam Airlines.
Tốt nghiệp trung học phổ thông, Đông Phương vào đại học với chuyên ngành kinh tế. Trong hai năm Đông Phương theo học ngành này, mẹ cô cảm nhận được rằng, con gái mình không hề thích ngành nghề này mà vẫn có một ước mơ được làm phi công.
Để thỏa ước mơ, gia đình đã đồng ý cho Đông Phương đi học ngành phi công từ tháng 9/2007 tại trường của Pháp.
Trước khi trở thành một phi công, cô gái mang dáng vẻ gần như một người mẫu chuẩn này đã phải trải qua quá trình sàng lọc gắt gao, không có sự ưu ái riêng nào dành cho phái nữ.
Nhắc lại những kỷ niệm về thời kỳ tham gia khóa học, Đông Phương chia sẻ, ban đầu chỉ có sự quyết tâm đi theo ước mơ chứ không có một kiến thức về hàng không trong khi các bạn trong lớp ai nấy cũng có kiến thức do trước đó đã bay hay học gì đó liên quan nên cảm giác không theo kịp họ rất buồn.
Lật từng thước phim quay ngược, Đông Phương chậm rãi kể, có hôm, cô bị ốm những vẫn cố đi bay huấn luyện. Lúc đang bay, Phương... nôn trên áo vàng thường mặc khi đi kiểm tra bay. Khi về phòng ở ký túc xá, cố lấy áo vừa giặt, vừa khóc và nghĩ có nên dừng tại đây không và chấp nhận sự thật không thể làm phi công.
Tuy nhiên, khi nhìn lại mình trong gương, Đông Phương tự nhủ sẽ làm được phi công và phải nhận bằng tốt nghiệp hạng ưu để không phụ sự kỳ vọng của gia đình.
Trong suốt 2 năm đó, cô chỉ lao vào học, luyện tập cùng người trực tiếp hướng dẫn là thầy giáo người Pháp. "Cảm giác lần đầu tiên tự mình lái máy bay cất cánh, hạ cánh, thời điểm mỗi phi công biết mình không được phép mắc bất cứ lỗi nào… là cảm giác khó quên trong đời của Đông Phương," nữ phi công xinh đẹp bồi hồi nhớ lại.
Đến năm 2011, Đông Phương chính thức đầu quân cho Vietnam Airlines và tiếp tục trải qua quá trình huấn luyện, giám sát để trở thàng nữ cơ trưởng đầu tiên của Việt Nam.
Mong được nấu bữa cơm gia đình
Với phụ nữ, việc trở thành phi công để trải nghiệm thử thách và chứng tỏ bản thân không thua gì nam giới. Nhưng để làm được điều này, họ cần có sự chia sẻ, đồng cảm với nghề từ chính những người thân trong gia đình.
Nguyễn Ly Hương bắt đầu bay máy bay thương mại từ tháng 12/2008 và huấn luyện lái chính từ tháng 9/2014. Đến tháng 1/2015, cô đã là cơ trưởng chính thức ATR72-500.
Sau khi đi làm một thời gian, Ly Hương mới thấm thía được đặc thù nghề nghiệp đối với tất cả phi công đó là thời gian làm việc không cố định, luôn bị động do các chuyến bay không phải lúc nào cũng trong giờ hành chính, những chuyến bay dài..., việc thay đổi múi giờ cũng ảnh hưởng đến sức khỏe phi công.
Theo Ly Hương, thời gian dành cho gia đình sẽ bị ảnh hưởng, nhất là những nữ phi công đã có gia đình con cái. Vì vậy, tất cả nữ phi công đã cố gắng thích nghi và điều tiết thời gian dành cho công việc, cho gia đình phù hợp nhất.
“Nhiều người bảo cảm giác được lái tàu bay lượn trên trời chắc là sướng lắm. Nhưng thật ra rất căng thẳng. Niềm vui lớn nhất là chuyến bay kết thúc an toàn. Mỗi lần tàu hạ cánh xuống đường băng mới thở phào nhẹ nhõm. Lúc đó chỉ mong chạy thật nhanh về nhà để làm những việc đơn giản, bình thường của một người phụ nữ như nấu bữa cơm cho gia đình,” Ly Hương tâm sự.
Sinh năm 1985, Hà Thị Diệu Huyền - hiện là cơ phó, đội bay A321, đoàn bay 919 của Vietnam Airlines - đã không nghĩ sau này máy bay sẽ trở thành ngôi nhà thứ hai của mình.
Nữ cơ phó của Vietnam Airlines Hà Thị Diệu Huyền trong khoang lái. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Xuất thân từ kiểm soát viên không lưu, hàng ngày, cô có nhiệm vụ hướng dẫn, điều khiển máy bay lăn đỗ vào đường băng và cất hạ cánh. Tuy nhiên, sau chuyến bay, kiểm soát viên không lưu bay cùng phi công để hiểu hơn công việc của người lái, Diệu Huyền đã quyết định chuyển sang học bay dù đã có thâm niên gần 5 năm gắn bó với nghề không lưu.
“Hiện thực hóa giấc mơ lái máy bay là để có một góc nhìn mới, được hiểu hơn chú ‘chim sắt’ và bầu trời,” Diệu Huyền tâm sự.
Ba năm trước, vào đúng ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/2012), Diệu Huyền về nước sau khi hoàn thành khóa huấn luyện bay cơ bản ở Mỹ. Và ngày 20/10 năm nay, cô lại bắt đầu với lịch bay đi Nhật Bản và không có thời gian đón ngày dành riêng cho phái nữ.
“Nhiệm vụ giao mình phải thực hiện, hoàn thành thật tốt. Nhưng biết đâu đó, có thể sẽ nhận lời chúc mừng ngày 20/10 từ một vị khách không quen. Cuộc sống nhiều những bất ngờ ý nghĩa từ những điều giản đơn,” Diệu Hương mỉm cười nói.
Bên cạnh đó, cô cũng không quên gửi những lời chúc đến chị em phụ nữ với niềm tin, đam mê để thực hiện những ước mơ của mình.
“Ngày 20/10 cũng là Ngày quốc tế Không lưu, chúc các đồng nghiệp Không lưu luôn đầy tâm huyết, dẫn dắt những chuyến bay an toàn và hiệu quả,” nữ cơ phó Vietnam Airlines cho hay.
Khi hỏi các phi công nữ, liệu những thử thách khắc nghiệt có khiến họ nghĩ tới việc chia tay nghề không, tất cả đều lắc đầu nói rằng, mỗi người đều có sự lựa chọn về nghề nghiệp riêng. Ở họ, tôi bắt gặp những ánh mắt dù mạnh mẽ, quyết đoán đến mấy thì nỗi buồn, khoảng trống trong sâu thẳm người phụ nữ vẫn không thể khỏa lấp./.
Tuy vậy, vốn đã thành bản năng, cứ bước vào khoang lái, những cô gái này không bao giờ để tình cảm chi phối./.