Công ty cổ phần Đường sắt Vĩnh Phú có chức năng quản lý tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai (từ Km 29+00 huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội đến Km 144+750 xã Hậu Bổng, huyện Hạ Hòa) với tổng chiều dài gần 116 km, đi qua 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Riêng đoạn đi qua 44 xã, phường, thị trấn thuộc 6 huyện, thành, thị của tỉnh Phú Thọ có chiều dài hơn 75 km, trong đó có 23 điểm đường ngang có người gác, 3 điểm đường ngang phòng vệ bằng cảnh báo tự động, 13 điểm đường ngang phòng vệ bằng cảnh báo biển báo, 92 lối đi dân sinh cắt ngang đường sắt…
Đón tàu, đảm bảo ATGT đường sắt tại Trạm đường ngang km 76+500
phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì.
Do chạy qua địa bàn nhiều tỉnh, thành lại có các lối đi dân sinh tự phát cắt ngang nên đây cũng là tuyến đường sắt tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Trong 6 tháng đầu năm nay, trên tuyến đường sắt thuộc phạm vi quản lý của công ty đã xảy ra một số vụ mất ATGT đường sắt như ô tô tải đâm vào tàu hàng số hiệu 2206 và tàu hàng số hiệu 2203, một số địa bàn xảy ra tình trạng xây tường rào, đổ đất lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt, kẻ gian lấy trộm các bộ phụ kiện K3A...Nguyên nhân của những tình trạng trên chủ yếu do người điều khiển phương tiện giao thông không tuân thủ các quy định về ATGT, trong đó có ATGT đường sắt.
Theo chị Lê Thị Dung - nhân viên Trạm đường ngang Km76+500 phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì, tuy là địa bàn đô thị nhưng ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của một bộ phận người dân chưa cao, có tư tưởng chủ quan, thậm chí có những hành vi bất cẩn. Điển hình như trước khi có tàu hỏa đi qua, mặc dù đã có chuông, hệ thống đèn tín hiệu, khẩu hiệu cảnh báo và nhân viên trạm đường ngang kéo rào chắn nhưng không ít người và phương tiện vẫn cố tình vượt qua barie để đi cho nhanh. Việc làm này dễ dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông và những hệ lụy khó lường nên nhân viên đường sắt lại phải làm thêm nhiệm vụ tuyên truyền, giải thích, nhắc nhở và ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Thời gian qua, nhằm đảm bảo ATGT đường sắt, giữ bình yên cho mỗi cung đường, mỗi chuyến tàu xuôi ngược, Công ty cổ phần Đường sắt Vĩnh Phú đã có nhiều động thái tích cực và cụ thể, trong đó đưa công tác tuyên truyền, vận động luôn đi trước một bước. Bên cạnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng, Công ty thường xuyên liên hệ với chính quyền cơ sở, các xã, phường, thị trấn có tuyến đường sắt chạy qua để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giữ gìn môi trường, ANTT, ATGT đường sắt tại địa bàn, không để xảy ra các vụ ném đất đá lên tàu, trộm cắp vật tư thiết bị, lấn chiếm hành lang đường sắt.
Công ty đã duy trì kết nghĩa với 12 trường phổ thông có đường sắt chạy qua trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền Luật Đường sắt, giao lưu gặp gỡ, phát động phong trào “Thiếu nhi Đất Tổ bảo vệ ATGT đường sắt”, “Em yêu đường sắt quê em”, lập những “đoạn đường em chăm”, đồng thời treo băng rôn, biểu ngữ tuyên truyền ATGT đường sắt, cấp hơn 200 cuốn Luật Đường sắt, Thông tư 62/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định về đường ngang cho các xã, phường có đường sắt chạy qua, xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn chạy tàu, nhất là trong các dịp lễ, tết, các phương án đảm bảo ANTT, PCLB…
Đi đôi với tuyên truyền, vận động, Công ty đã phối hợp cùng các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra đảm bảo trật tự ATGT đường sắt tại các đường ngang có gác và không có gác trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch của Cục CSGT (Bộ Công an), Công an tỉnh và Thanh tra Cục Đường sắt Việt Nam; phối hợp với Ban ATGT, Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thành, thị, các xã, phường, thị trấn để kiểm tra, rà soát các vị trí đường dân sinh cắt qua đường sắt, ngăn chặn kịp thời các vi phạm phát sinh về hành lang ATGT đường sắt; có văn bản chỉ đạo công tác gác chắn đường ngang, nghiêm cấm sử dụng rượu bia cùng các chất kích thích khác trước và trong khi lên ban làm nhiệm vụ.
Ông Trần Như Thắng - Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Vĩnh Phú khẳng định: Để đảm bảo ATGT đường sắt, Công ty đặc biệt coi trọng việc triển khai thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Phú Thọ. Theo đó, công ty phối hợp kiểm tra, rà soát, làm rào chắn, thu hẹp những lối đi dân sinh lớn hơn 3m, ký biên bản phân khai trách nhiệm giữa ngành Đường sắt với địa phương trong việc đảm bảo ATGT đường sắt.
Mặt khác, Công ty tổ chức cắm đầy đủ các biển báo hiệu theo quy định, bổ sung 176 biển “chú ý tàu hỏa” tại 88 vị trí lối đi dân sinh trái phép cắt qua đường sắt; giải tỏa tầm nhìn, sửa chữa, tạo bề mặt êm thuận cho các phương tiện cơ giới qua lại đường ngang; tổ chức cảnh giới tại các đường ngang dân sinh tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông (hiện nay trên địa bàn tỉnh đã tổ chức chốt gác 17/92 lối đi dân sinh); phối hợp làm các đường gom, hàng rào hộ lan để xóa bỏ bớt các lối đi dân sinh trong toàn tuyến…