Là cô gái Việt Nam đầu tiên quyết định chọn tàu viễn dương là nơi để gắn bó ngay khi vừa rời ghế nhà trường, Hứa Nguyễn Hoài Thương (23 tuổi, cựu sinh viên Viện Hàng hải Trường Đại học GTVT TP.HCM) hiện đang là "idol" của nhiều sinh viên nói riêng, cộng đồng thuỷ thủ viễn dương nói chung.
Thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, tính đến cuối năm 2019 số lượng tàu biển treo cờ Việt Nam khoảng 1.500 chiếc, với hơn 41.000 thuyền viên đang có Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn. Song, có một thực tế, các chủ tàu ngày càng khó khăn trong tuyển dụng thuyền viên đi biển, bởi đây là ngành nghề khắc nghiệt, thường xuyên xa nhà và tại nạn luôn rình rập.
Khác với những con tàu du hành thường chạy với điểm xuất phát và điểm khứ hồi chung một cảng, tàu viễn dương thường không chạy tuyến khứ hồi mà ghé những bến mới liên tục. Nhiều tàu viễn dương lênh đênh nhiều tháng trên biển trước khi trở lại bến xuất phát.
Tàu viễn dương luôn được đóng với tiêu chuẩn cao hơn tàu du lịch để có thể đáp ứng những hành trình dài như vượt Đại Tây Dương. Đội ngũ kỹ sư, thợ máy của những con tàu khổng lồ này cũng vì thế phải vượt qua vòng kiểm tra gắt gao về "độ bền" trước khi lên tàu.
Là cô gái Việt Nam đầu tiên quyết định chọn tàu viễn dương là nơi để gắn bó ngay khi vừa rời ghế nhà trường, Hứa Nguyễn Hoài Thương (23 tuổi, cựu sinh viên Viện Hàng hải Trường Đại học GTVT TP.HCM) hiện đang là "idol" của nhiều sinh viên nói riêng, cộng đồng thuỷ thủ viễn dương nói chung.
Đây là điều chưa từng có trong tiền lệ của ngành Hàng hải Việt Nam, nhất là khi một cô gái nhỏ nhắn như Hoài Thương lại lựa chọn buồng máy - nơi được đánh giá ngột ngạt, khắc nghiệt nhất trên con tàu.
Theo đại diện Công ty CP Vận tải biển Trường Phát Lộc (chủ con tàu Hoài Thương đang làm việc), trường hợp sinh viên nữ chọn khoa Máy tàu thuỷ để theo học trước đến nay không hiếm. Tuy nhiên, khi ra trường các bạn đều chọn làm việc trong văn phòng trên đất liền. Hoài Thương là cô gái đầu tiên phá vỡ lịch sử, "xông pha" vào buồng máy để lênh đênh cùng tàu vượt Đại Tây Dương.
Trong thời gian đầu, Hoài Thương được các "tiền bối"
tận tình hướng dẫn làm quen với công việc trong buồng máy.
Theo Hoài Thương, vì muốn được "xê dịch" hơn là ngồi cố định ở môi trường văn phòng nên cô chọn làm việc trên tàu viễn dương. Đây cũng là cơ hội để Hoài Thương đáp ứng sở thích tìm tòi, khám phá bên trong các thiết bị máy móc của bản thân.
"May mắn là em sinh ra trong một gia đình bố mẹ đều là giáo viên, nên bố mẹ em rất tâm lý và hiểu được tính cách của con gái. Bố mẹ em chỉ đưa ra những lời khuyên, phân tích những mặt tốt và xấu để em có thể cân nhắc chọn lựa chứ chưa bao giờ phản đối hay ngăn cấm bất kì niềm đam mê nào của em", Hoài Thương chia sẻ.
Những bulong nặng cả kí-lô không làm khó được cô gái nhỏ
Xác định rõ, nếu quyết định lên tàu viễn dương thời điểm này (dịch COVID-19) thì những lịch trình có thể không xảy ra đúng như dự tính; thời gian lênh đên trên biển ở Đại Tây Dương có thể bị kéo dài đến vài năm, không còn là nửa năm như trong hợp đồng do các nước siết chặt việc thông quan để chống dịch. Tuy nhiên, Hoài Thương vẫn quyết giữ vững lựa chọn ban đầu của mình.
"Nếu ai cũng sợ dịch, cũng sợ bị lưu trên biển lâu hơn mà quyết định ở nhà thì ai sẽ cùng con tàu ra khơi? Em nghĩ chúng ta có thể ở nhà, nhưng hàng hoá cung ứng cho khắp nơi trên thế giới thì không thể chậm trễ dù chỉ một ngày. Vì vậy, cứ tự xem mình là người tiên phong để tạo niềm vui cho chính mình thôi ạ", Hoài Thương cười.
Thời điểm bắt đầu kỳ thực tập trước đây, khi lần đầu tiên được xuống tàu và tận mắt thấy không gian làm việc trong buồng máy, Hoài Thương đã phải dụi mắt khi thấy máy móc thực tế quá lớn, môi trường làm việc nhiệt độ cao, tiếng động cơ rất ồn và quần áo mọi người trong buồng máy đều dính đầy dầu mỡ.
Thế nhưng, trong suốt quá trình thực tập, không những không cảm thấy chán nản mà ngược lại cô gái 23 tuổi còn thích thú, chờ đợi để được tìm hiểu sâu hơn.
Theo VTC News