Giao Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện.

Thứ hai, 29/09/2014 09:20
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI-
LIÊN HIỆP CÁC CÔNG ĐOÀN NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CTLT-BGTVT-LHCCĐ

Hà Nội, ngày 06 tháng 09 năm 2011

 

CHỈ THỊ LIÊN TỊCH

VỀ VIỆC VẬN ĐỘNG CÁN BỘ, CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC LAO ĐỘNG, ĐOÀN VIÊN CÔNG ĐOÀN NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI GƯƠNG MẪU THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 88/NQ-CP NGÀY 24 THÁNG 8 NĂM 2011 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG

Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông thì tình hình tai nạn giao thông trên cả nước đã có những chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông đã được kiềm chế và kéo giảm trong 3 năm liên tiếp từ năm 2008 đến năm 2010. Để đạt được kết quả nêu trên phải kể đến sự đóng góp tích cực của các Tổ chức Chính trị xã hội trong đó có các Công đoàn ngành Giao thông vận tải; dưới sự chỉ đạo của các tổ chức công đoàn, lực lượng cán bộ công nhân viên chức lao động cả nước đã hăng hái gương mẫu đi đầu trong việc nghiêm chỉnh thực hiện các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông mà điển hình là đoàn viên Công đoàn gương mẫu đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ lôi cuốn nhân dân cả nước tham gia thực hiện, góp phần tạo nên kết quả kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông trong những năm qua.

Tuy nhiên, nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trước mắt còn rất nặng nề, tai nạn giao thông vẫn đang ở mức cao và kèm theo đó là tình trạng ùn tắc giao thông do sự quá tải của hệ thống cầu đường xảy ra ngày càng trầm trọng ở các đô thị lớn trên địa bàn cả nước. Ngày 24 tháng 8 năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông với nhiều giải pháp cần phải thực hiện quyết liệt trong thời gian tới.

Nhằm phát huy những thành tích đã đạt được của lực lượng công đoàn ngành giao thông vận tải trong việc tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Bộ Giao thông vận tải và Liên hiệp các Công đoàn ngành Giao thông vận tải (GTVT) chỉ thị cho các cơ quan, doanh nghiệp và các cấp công đoàn trong ngành GTVT tổ chức thực hiện mạnh mẽ Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ với các nội dung trọng tâm như sau:

1. Tập trung quán triệt nội dung của Nghị quyết 88/NQ-CP của Chính phủ đến toàn thể cán bộ, công nhân viên chức lao động, đoàn viên Công đoàn để nâng cao hiểu biết và trách nhiệm của mỗi người trong công tác bảo đảm TTATGT, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của lực lượng cán bộ, CNVC, đoàn viên ngành giao thông vận tải trong việc gương mẫu, đi đầu thực hiện, vận động người thân và ngoài xã hội thực hiện các giải pháp trọng tâm mà Nghị quyết 88/NQ-CP của Chính phủ đã quy định; tập trung tham gia thực hiện các giải pháp mà công đoàn có trách nhiệm và thế mạnh như: tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT, hướng dẫn chấp hành quy tắc giao thông; phòng chống lạm dụng rượu bia; thực hiện nếp sống văn hóa giao thông, nghiêm chỉnh chấp hành đội mũ bảo hiểm, sẵn sàng cứu nạn khi thấy sự cố, tai nạn giao thông xảy ra …

2. Căn cứ các giải pháp tại Nghị quyết 88/NQ-CP của Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan, Tổ chức công đoàn các cấp khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 88/NQ-CP của Chính phủ theo các nội dung và hướng dẫn của công đoàn cấp trên và bảo đảm phù hợp với mục đích yêu cầu tại Chỉ thị này:

- Xây dựng các nội dung, chuyên đề học tập để quán triệt nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật về ATGT nói chung, trong đó cần tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT tạo Nghị quyết 88/NQ-CP của Chính phủ. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của CB CNVCLĐ, đoàn viên Công đoàn trong ngành GTVT, phải gương mẫu và đi đầu thực hiện nghiêm túc các giải pháp bảo đảm TTATGT, để đoàn viên Công đoàn hiểu được ý nghĩa cao đẹp của nhiệm vụ này và hăng hái tham gia thực hiện.

- Xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể về tuyên truyền ATGT cho các hoạt động phong trào mà nòng cốt là lực lượng đoàn viên Công đoàn để tạo sự lan tỏa ra toàn xã hội, trong đó bám sát thực hiện các giải pháp trọng tâm tại Nghị quyết 88/NQ-CP của Chính phủ như: phong trào ra quân thực hiện giải pháp phòng chống lạm dụng rượu bia khi lái xe; chấp hành quy tắc giao thông; đội mũ bảo hiểm; thực hiện nếp sống văn hóa giao thông; đạo đức trách nhiệm người lái xe …

3. Không ngừng phát huy vai trò tích cực của lực lượng tuyên truyền viên, báo cáo viên, cán bộ Công đoàn các cấp thuộc Công đoàn ngành giao thông vận tải. Thường xuyên phổ biến sâu rộng: tài liệu, tranh cổ cộng, tờ rơi, khẩu hiệu, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo khả năng thu hút, dễ hiểu cho người nghe và đủ sức tác động đến các tầng lớp người tham gia giao thông tập trung vào 7 trọng tâm: Nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện; giới hạn tốc độ lưu thông của ôtô, mô tô, xe gắn máy; đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; hành vi ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông; an toàn giao thông cho người đi đò ngang và chấp hành quy tắc ATGT đường thủy; an toàn giao thông tại các đường ngang giữa đường bộ và đường sắt; đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp của người lái xe. Chính quyền và Công đoàn thường xuyên tổ chức các hoạt động diễu hành, tuyên truyền lưu động đưa pháp luật về ATGT đến nhà máy, công trường, cơ quan, trường học, khu dân cư, gia đình …

- Xác định thời gian triển khai phù hợp và khi phát động triển khai phải thực hiện đồng loạt trên cả nước tạo sức lan tỏa, kết hợp với các hoạt động bảo đảm TTATGT của các Bộ, ngành và chính quyền địa phương để quyết tâm thực hiện thành công các giải pháp bảo đảm TTATGT của Chính phủ.

4. Xây dựng chế độ khen thưởng, động viên kịp thời để bồi dưỡng những nhân tố điển hình, khuyến khích công đoàn viên tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn trật tự ATGT; đồng thời phê phán những hành vi không tham gia, không chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT.

5. Mỗi cán bộ, CNVCLĐ ngành GTVT: Khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ thường xuyên liên quan đến lĩnh vực an toàn giao thông, vận tải phải chấp hành nghiêm túc các quy định về thi hành công vụ, tuyệt đối không vi phạm các quy định mà cán bộ, công chức không được làm; đấu tranh, phê phán các hành vi tiêu cực, quan liêu, sách nhiễu.

Trong hoạt động hàng ngày, trước hết phải nghiêm túc và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông khi tham gia giao thông, đồng thời mỗi cán bộ, CNVCLĐ, đoàn viên Công đoàn phải là hạt nhân tuyên truyền, vận động đến người thân trong gia đình và ngoài xã hội về ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, góp phần xây dựng văn hóa giao thông như: không uống rượu bia khi lái xe, không vi phạm quy tắc giao thông, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông, độ mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, có trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ công trình giao thông, rèn luyện hành vi ứng xử khi tham gia giao thông một cách văn hóa, thân thiện với người đồng hành, tận tình, giúp đỡ mọi người bị bị nạn.

Tổ chức thực hiện:

1. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ tạo các điều kiện cần thiết để tổ chức công đoàn thực hiện nhiệm vụ; đồng thời phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn trong các hoạt động thực hiện chỉ thị này như: cung cấp thông tin, tài liệu chuyên môn, cử người tham gia, tham dự; liên hệ phối hợp giúp đỡ ...

2. Liên hiệp các Công đoàn ngành GTVT chịu trách nhiệm xây dựng và triển khai chương trình hành động, chỉ đạo các tổ chức công đoàn trong Liên hiệp triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này, đưa các giải pháp trọng tâm của Chính phủ, của Ủy ban ATGTQG, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ GTVT tới tận đoàn viên, CNVCLĐ ở cơ sở.

3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong ngành GTVT trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình phải tạo điều kiện để các cấp Công đoàn tổ chức các hoạt động quán triệt nội dung Nghị quyết 88/NQ-CP của Chính phủ đến toàn thể đoàn viên Công đoàn, người lao động. Phân bổ nguồn kinh phí an toàn giao thông một cách hợp lý để các tổ chức Công đoàn thực hiện nhiệm vụ.

4. Kinh phí để thực hiện chỉ thị được trích từ nguồn kinh phí tuyên truyền An toàn giao thông của Ủy ban ATGTQG và các nguồn hỗ trợ khác của Bộ Giao thông vận tải, Công đoàn GTVT Việt Nam theo đề nghị của Công đoàn GTVT Việt Nam và Công đoàn đồng cấp.

5. Giao Ban Tuyên giáo - Nữ công Công đoàn GTVT Việt Nam chủ trì, phối hợp với Vụ An toàn giao thông Bộ Giao thông vận tải tổng hợp tình hình, theo dõi, đánh giá, đôn đốc và định kỳ báo cáo kết quả việc thực hiện chỉ thị này.

 

TM. LIÊN HIỆP CÁC CĐ NGÀNH GTVT
CHỦ TỊCH





Tạ Đăng Mạnh

BỘ TRƯỞNG BỘ GTVT





Đinh La Thăng

 

Nơi nhận:
- Các đơn vị thuộc Bộ (để thực hiện);
- Các Công đoàn ngành trong Liên hiệp (để thực hiện);
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
- Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia;
- Lưu VT, ATGT, LHCCĐNGTVT.

 

 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)