Đảng ủy Tổng cục ĐBVN tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với ATGT và KSTTX

Thứ hai, 04/04/2016 07:35
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đảng ủy Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) vừa ban hành Nghị quyết chuyên đề về "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác an toàn giao thông (ATGT) và kiểm soát tải trọng xe (KSTTX)".

Công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước ta hiện nay một mặt làm tăng số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, mặt khác mạng lưới đường bộ đã được đầu tư phát triển vượt bậc. Việc tăng trưởng vận tải đường bộ kéo theo tai nạn giao thông (TNGT), đồng thời xuất hiện hiện tượng xe ô tô chở quá trọng tải cho phép, đây là thực trạng gây bức xúc và tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhận thức rõ công tác đảm bảo trật tự ATGT, KSTTX là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, liên tục và xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Tổng cục).

Trong thời gian qua, Đảng uỷ Tổng cục, Tổng cục đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp hữu hiệu, tiến tới mục tiêu “Giảm tai nạn giao thông, không còn xe quá tải”. Đã kiện toàn Ban ATGT, Ban Phòng - Chống lụt bão, Ban Chỉ đạo Kiểm soát tải trọng xe các cấp trong Tổng cục; ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ về bảo đảm ATGT; tổ chức tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp các quy định pháp luật về ATGT; rà soát, điều chỉnh phù hợp trong tổ chức giao thông; xử lý kịp thời các điểm đen, các vị trí tiềm ẩn mất ATGT; tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng trong công tác bảo trì đường bộ, dịch vụ vận tải, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe... Kết quả, tình hình TNGT đường bộ đã liên tục giảm cả 03 tiêu chí theo từng năm, đặc biệt số người tử vong đã giảm xuống dưới 9000 người/năm.

Tổng cục ĐBVN xử lý xe vi phạm chở quá tải trọng

Trong công tác kiểm soát tải trọng xe: Từ ngày 01/4/2014, Tổng cục đã phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương đồng loạt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về KSTTX trên toàn quốc. Đến nay tình hình xe chở quá trọng tải cho phép đã giảm nhiều, hiện còn dưới 10% xe ô tô vẫn chở quá tải trọng cho phép, hoạt động chủ yếu trên các đoạn tuyến ngắn và đường địa phương. Nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng trong Đảng bộ, ngày 22/3/2016 Đảng uỷ Tổng cục ĐBVN đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác An toàn giao thông và kiểm soát tải trọng xe”.

Về quan điểm chỉ đạo, Đảng uỷ Tổng cục xác định công tác bảo đảm trật tự ATGT và KSTTX là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục và xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Tổng cục và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Tổng cục; tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng trong Tổng cục đối với lãnh đạo công tác bảo đảm ATGT và KSTTX. Mục tiêu hướng tới là duy trì, đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả, bền vững công tác bảo đảm ATGT và KSTTX, nhằm giảm thiểu TNGT, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn và nâng cao tuổi thọ các công trình cầu đường bộ; triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm sớm đạt được mục tiêu “Giảm tai nạn giao thông, không còn xe quá tải” để đáp ứng tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu đi lại của nhân dân.

Nghị quyết đặt ra nhiệm vụ: rà soát để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL về công tác đảm bảo trật tự ATGT phù hợp với tình hình thực tế; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức và hành động của người tham gia giao thông trong việc giữ gìn trật tự ATGT; thực hiện tốt công tác bảo dưỡng thường xuyên, tập trung sửa chữa kịp thời các hư hỏng cầu đường, đảm bảo tình trạng cầu đường luôn êm thuận, an toàn, thông suốt; chủ động rà soát, tổ chức lại giao thông hợp lý trên từng tuyến đường, khắc phục tối đa những bất cập về tổ chức giao thông, những tai nạn giao thông có nguyên nhân từ đường sá;  Quản lý chặt chẽ HLATĐB; kiểm tra ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm túc các trường hợp vi phạm HLATĐB, kịp thời ngăn chặn không để phát sinh các điểm đấu nối trái phép vào quốc lộ; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin trong công tác an toàn giao thông; phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các ngành chức năng trong công tác đảm bảo trật tự ATGT và KSTTX; siết chặt quản lý đồng bộ các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến trật tự ATGT như: hoạt động kinh doanh vận tải, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, xây dựng cơ bản... Về KSTTX: Duy trì ổn định, bền vững những kết quả đã đạt được trong công tác KSTTX thời gian qua; tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp về KSTTX trong thời gian tới, tiến tới chấm dứt hẳn tình trạng xe vi phạm chở quá tải trọng lưu thông trên các tuyến quốc lộ, góp phần đảm bảo ATGT, bảo vệ công trình cầu đường, xây dựng văn hoá giao thông.

Để thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, Nghị quyết đề ra các giải pháp cụ thể để chỉ đạo, triển khai, về giải pháp chung, tiếp tục quán triệt thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”, Chương trình hành động của Đảng uỷ Tổng cục thực hiện Chỉ thị; tăng cường vai trò, gắn trách nhiệm của các cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác bảo đảm ATGT và KSTTX; xây dựng và triển khai thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của các cấp uỷ, tổ chức đảng thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của đảng các cấp về công tác đảm bảo trật tự ATGT và KSTTX; lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan đơn vị trong Tổng cục tăng cường phối hợp với các tổ chức đoàn thể xã hội, các Sở GTVT, Công an các tỉnh, chính quyền địa phương, các cơ quan truyền thông và các cơ quan chức năng có liên quan triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác đảm bảo ATGT và siết chặt KSTTX; chú trọng tăng cường phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến cán bộ, CNVCLĐ trong toàn Ngành và các tầng lớp nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội về lĩnh vực ATGT và KSTTX; chỉ đạo kiện toàn và tăng cường hoạt động các Ban An toàn giao thông; Ban Phòng, chống lụt bão; Ban Chỉ đạo kiểm soát tải trọng xe của Tổng cục và các đơn vị; tăng cường vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị và trách nhiệm từng cán bộ, công chức, viên chức trong Tổng cục với công tác đảm bảo trật tự ATGT, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị với việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT và KSTTX.

Các giải pháp cụ thể, đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT, tập trung ưu tiên nguồn lực cho việc xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn mất ATGT và thẩm tra ATGT trên đường đang khai thác; lắp đặt dải phân cách giữa đối với tuyến, đoạn tuyến từ 4 làn xe trở lên; bổ sung hệ thống ATGT tại các đường giao cắt trực tiếp với tuyến quốc lộ; thường xuyên rà soát, điều chỉnh hệ thống biển báo hiệu, vạch kẻ đường, đèn tín hiệu phù hợp với tình hình thực tế; Phối hợp với chính quyền địa phương, Ban ATGT cấp tỉnh, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam rà soát, đánh giá về mức độ bảo đảm ATGT đối với từng nút giao giữa đường bộ với đường sắt, đồng thời xử lý dứt điểm những bất cập tại các vị trí giao cắt với đường sắt; Thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực tiếp quản lý các tuyến quốc lộ tổ chức tuần đường, tuần kiểm đường bộ đúng quy định; chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí nhân lực, phương tiện thường trực 24/24 giờ trong các đợt cao điểm, đồng thời xử lý, ứng cứu kịp thời khi có sự cố giao thông trên tuyến; Đẩy mạnh triển khai các đề án, dự án về ATGT: Xây dựng, triển khai Đề án “Xây dựng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo mô hình xã hội hóa trên các tuyến quốc lộ”; triển khai thực hiện Đề án tăng cường thẩm tra ATGT trên hệ thống quốc lộ và đường bộ cao tốc đã được phê duyệt tại Quyết định số 4218/QĐ-BGTVT, ngày 27/11/2015 của Bộ GTVT; quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả Trung tâm ITS phía Nam, từng bước triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm ITS phía Bắc, các dự án hỗ trợ kỹ thuật và hợp tác quốc tế về đường cao tốc...;

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; hoàn thành quy hoạch cơ sở đào tạo, trung tâm SHLX toàn quốc theo các giai đoạn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở đào tạo, Trung tâm sát hạch đảm bảo đủ điều kiện hoạt động; kiên quyết đình chỉ hoặc thu hồi Giấy phép đào tạo đối với cơ sở đào tạo không thực hiện đúng các quy định; đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi, cập nhật dữ liệu GPLX ở các Sở GTVT vào cơ sở dữ liệu GPLX toàn quốc; Chỉ đạo xây dựng Kế hoạch kiểm tra, giám sát việc siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải, đặc biệt là điều kiện kinh doanh đối với xe chở khách và xe contener, nhằm hạn chế tiến tới ngăn chặn các vụ TNGT nghiêm trọng; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực tế tại các Sở GTVT việc khai thác có hiệu quả các dữ liệu từ thiết bị GSHT để xử lý xe vi phạm; tiếp tục thực hiện tốt Đề án đổi mới quản lý vận tải đường bộ theo hướng hiện đại, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và giảm thiểu tai nạn giao thông; Tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về bảo đảm ATGT khi thi công trên đường đang khai thác; đặc biệt khi tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên trên các tuyến cao tốc, phải có đầy đủ biển cảnh báo, cờ, đèn cảnh giới và đảm bảo khoảng cách ATGT theo quy định; Tiếp tục duy trì các đường dây nóng và khai thác các nguồn thông tin khác (từ báo chí, mạng xã hội...) để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về các lĩnh vực ATGT, KSTTX, vận tải, phương tiện và người lái, bảo trì đường bộ và các lĩnh vực khác. Phát huy hiệu quả chuyên mục tiếp nhận trao đổi thông tin về tình trạng cầu đường, vận tải, xe quá khổ, quá tải trên trang tin; đồng thời, tiếp nhận và sàng lọc sơ bộ thông tin chuyển các cơ quan, đơn vị có liên quan xử lý kịp thời.

Đối với công tác kiểm soát tải trọng xe, duy trì thường xuyên, liên tục các Trạm KSTTX di động trên các tuyến quốc lộ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về kích thước thùng, xếp hàng và chở hàng quá tải trọng tại các cơ sở đầu nguồn hàng, coi đây là giải pháp cơ bản, xuyên suốt; Triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 6899/KH-TCĐBVN-CĐKVN, ngày 14/12/2015 của Tổng cục và Cục Đăng kiểm Việt Nam về việc phối hợp kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về thay đổi kích thước thành thùng xe ô tô tự đổ; Xử lý trách nhiệm của nhà đầu tư, ban QLDA, TVGS, nhà thầu tiếp nhận phương tiện chở quá tải trọng trong dự án được giao quản lý, theo văn bản 1584/TCĐBVN-CQLXDĐB, ngày 02/4/2015 của Tổng cục; Đôn đốc, giám sát và phối hợp với các Nhà đầu tư BOT triển khai lắp đặt hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe; phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông chỉ đạo việc trao đổi thông tin, số liệu về công tác KSTTX giữa hai lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương kiểm tra việc thực hiện cam kết không xếp hàng và chở hàng quá tải trọng cho phép; Tích cực nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý về trật tự ATGT và KSTTX; tổ chức khai thác hiệu quả dữ liệu từ Trung tâm giám sát hành trình để xác định vị trí các phương tiện vận tải hàng hoá khi có thông tin về xe chở quá tải.

Với việc ban hành Nghị quyết này, Đảng uỷ Tổng cục ĐBVN tin tưởng rằng công tác đảm bảo trật tự ATGT và KSTTX sẽ có chuyển biến tốt hơn nữa trong thời gian tới, đạt được mục tiêu “Giảm tai nạn giao thông; không còn xe quá tải”.

Lại Vi Vinh - CVP Đảng uỷ Tổng cục ĐBVN

 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)