Đó là chủ đề Hội thảo Khoa học do Hội đồng Lý luận Trung ương và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Các đồng chí chủ trì Hội thảo.
Các đồng chí: PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản chủ trì Hội thảo.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh, dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã được lấy ý kiến tại đại hội đảng bộ cơ sở và cấp trên cơ sở và hiện nay đang lấy ý kiến tại đại hội đảng bộ cấp tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, như ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, ngày 11/9/2020, hiện nay, văn kiện “chưa phải là văn bản cuối cùng, cần tiếp tục thảo luận, đào sâu suy nghĩ...”. Đối với những vấn đề lớn, mới, khó, còn có ý kiến khác nhau càng cần phải bàn thảo cho thấu đáo.
Hội thảo nhằm thu hút trí tuệ, ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý đóng góp ý kiến chuyên sâu đối với các vấn đề mới, lớn, khó, phức tạp, là điểm nhấn, được nêu trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, từ đó bổ sung, làm sáng rõ thêm những căn cứ khoa học - thực tiễn để kiến nghị hoàn thiện dự thảo.
Qua Hội thảo lần này, nhiều ý kiến chuyên gia chuyên sâu, tâm huyết và xây dựng của các nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý sẽ được chuyển tải, đề xuất, kiến nghị với Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Tổ biên tập Văn kiện, với Trung ương để có thêm hướng lựa chọn các phương án tối ưu khi trình bày những những vấn đề mới, khó, phức tạp trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, trước khi công bố để lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, dự kiến từ ngày 20/10/2020.
Hội thảo thu nhận được hơn 24 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý. Nhiều bài viết trong số đó có chất lượng cao, đóng góp ý kiến chuyên sâu, giàu hàm lượng trí tuệ, khoa học, lý luận, tập trung vào 9 nhóm vấn đề, là các nội dung lớn, phức tạp, mới, điểm nhấn của dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Ý kiến thảo luận, tham luận đã tập trung đánh giá tổng thể sự phát triển của đất nước sau 35 năm đổi mới trên các lĩnh vực, với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và những bài học kinh nghiệm qúy báu đúc kết từ quá trình lao động, sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như hôm nay, dự báo về bối cảnh, tình hình trong nước, thế giới, những tác động thuận và nghịch của nó đến việc hoạch định tầm nhìn phát triển đến năm 2045 và mục tiêu, định hướng phát triển của đất nước đến 2030, 2025, nhất là các yếu tố mới, những thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức mà dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng sử dụng để góp ý tại đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương chưa kịp thời cập nhật.
Theo các đại biểu, mỗi đại hội của Đảng đều có một số điểm nhấn, có thể tạm gọi là “nhãn tự" của văn kiện, tạo ấn tượng sâu đậm trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân, tạo sự thống nhất, đồng thuận, tin tưởng trong Đảng, trong xã hội. Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII có một số điểm nhấn trong xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển với các dấu mốc quan trọng: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Các đại biểu cũng thảo luận những vấn đề trọng tâm về phát triển kinh tế, việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh, bền vững. Trong đó, tập trung nhận định, dự báo khoa học và phân tích những xu hướng mới của kinh tế thế giới và tác động đến kinh tế Việt Nam; việc phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam và xây dựng, phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong điều kiện hiện nay - những ngành và thành phần quan trọng của nền kinh tế, song vẫn còn những điểm yếu, hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu, thời gian tới cần tập trung đầu tư và cấu trúc lại mạnh mẽ.
Đặc biệt, trong tổng thể việc hoàn thiện toàn diện và đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như nêu trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, cần xác định hệ tiêu chí về nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập quốc tế, gắn với hệ tiêu chí phát triển bền vững quốc gia. Đây là những vấn đề mới và khó, song rất quan trọng, cần minh định và xác lập để làm căn cứ cho quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, vấn đề xây dựng thể chế thu hút, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước và vấn đề cải cách chế độ quản lý tài sản công trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cũng là những nội dung quan trọng cần được thể hiện rõ nét hơn trong dự thảo các văn kiện lần này.
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo.
Theo các đại biểu, về vai trò đột phá của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong giai đoạn mới; xây dựng và phát huy nguồn lực con người trong thời kỳ mới; kiến tạo hệ thống phúc lợi xã hội tiến bộ, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao, góp phần bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm công bằng xã hội trong điều kiện hiện nay. Đây đều là những vấn đề lớn, là những định hướng phát triển đất nước quan trọng giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo.
Khoa học - công nghệ có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước, nhưng chưa thực sự lan tỏa và thẩm thấu sâu trong mọi tế bào của nền kinh tế, để thực sự là một đột phá phát triển. Dự thảo các văn kiện trình Đại nên hội XIII của Đảng tiếp tục coi trọng vai trò đặc biệt quan trọng của khoa học - công nghệ khi xác định đây là “quốc sách hàng đầu”, là “động lực quan trọng nhất” để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đồng thời gắn chặt với “đổi mới sáng tạo” như một định hướng trung tâm của phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ đáp ứng với đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa theo hướng hiện đại trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận nội dung: Xây dựng và phát huy nguồn lực con người là động lực quan trọng, một yếu tố sống còn, có ý nghĩa quyết định đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ta trong thời kỳ tới; Môi trường và bảo vệ môi trường; Vấn đề quốc phòng, an ninh và đối ngoại; Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa…
Các tham luận, thảo luận cũng đóng góp nhiều ý kiến vào nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, trong đó nhấn mạnh xây dựng Đảng về tổ chức, cán bộ trong điều kiện hiện nay; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng; đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý - đột phá khẩu của đột phá chiến lược để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững; thể chế hóa, cụ thể hóa nguyên tắc hiến định: Đảng chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; về nhận diện bản chất, cảnh giác và đấu tranh với những cách thức, thủ đoạn chống phá mới của chiến lược “diễn biến hòa bình” và nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhất là việc thúc đẩy song hành, “nội công ngoại kích" cả hai chiến lược và nguy cơ trên, đặt ra nhiều vấn đề đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng..
Kết luận Hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá cao những ý kiến phát biểu thảo luận tại Hội thảo. Đồng thời nhấn mạnh, sẽ tiếp tục chắt lọc, tiếp thu những góp ý quan trọng để Tiểu Ban Văn kiện hoàn thiện dự thảo các báo cáo trình Đại hội XIII./.