Trong nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh phải có thái độ đối xử như với một lĩnh vực khoa học, tức là phải nghiên cứu kỹ cả về lý luận và thực tiễn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Nhà 54, năm 1957.
Hồ Chủ tịch ở và làm việc tại Nhà 54 từ tháng 12/1954 đến tháng 5/1958.
Về mục đích và những yêu cầu quan trọng đối với việc đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh, trong các văn kiện của Đảng, các chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa gần đây đều đã nêu khá rõ ràng. Để thực hiện những yêu cầu đó, cần triển khai nhiều hình thức và biện pháp sáng tạo, thiết thực, trong đó có hoạt động tích cực của những cán bộ nghiên cứu, tuyên truyền, báo cáo viên.
Điều quan trọng đối với đội ngũ này là phải thể hiện và đảm bảo tính khoa học. Bởi lẽ:
Thứ nhất, bản thân tư tưởng Hồ Chí Minh đã mang tính khoa học và cách mạng. Tính khoa học và cách mạng đó thể hiện trong suốt quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu lý luận học thuyết đúng đắn nhất, khoa học nhất và cách mạng nhất là chủ nghĩa Mác-Lênin, nắm vững bản chất của nó, không chỉ dừng ở câu chữ, đồng thời thể hiện ở sự vận dụng và phát triển sáng tạo vào thực tiễn được phân tích sâu sắc của cách mạng Việt Nam, tức là phân tích một cách khoa học đối với cơ sở thực tiễn.
Thứ hai, Đảng ta xác định cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng của Đảng và cách mạng Việt Nam. Điều này có ý nghĩa khoa học sâu sắc, ở chỗ Đảng ta khẳng định tính lý luận khoa học vững chắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Do đó, đòi hỏi tất cả chúng ta trong nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh phải có thái độ đối xử như với một lĩnh vực khoa học, tức là phải nghiên cứu kỹ cả về lý luận và thực tiễn, không thể chủ quan, càng không được tùy tiện.
Thứ ba, trong thực tế những năm qua có một số cán bộ báo cáo viên, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh chưa chú ý đảm bảo tính khoa học trong công việc của mình. Cụ thể là: Trong một số bài viết có chỗ dẫn chứng và câu trích lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chính xác, không đầy đủ, làm cho cán bộ biên tập và bạn đọc rất vất vả khi tra cứu lại. Ngoài ra, một số ít báo cáo viên trình bày về tư tưởng Hồ Chí Minh chưa chú ý trình bày đầy đủ, trình bày đúng một số nội dung trong tư tưởng và phong cách Hồ Chí Minh, làm cho người nghe tiếp thu chưa đúng, cá biệt có chỗ bị nghi ngờ báo cáo viên “sáng tác” ra!
Từ những cơ sở nêu trên,với suy nghĩ người đã từng làm công tác tuyên giáo, chúng tôi xin đề nghị một số điểm:
Trước hết, chúng ta cần xác định thái độ khách quan khoa học trong nghiên cứu, tuyên truyền, nói chuyện, báo cáo về Hồ Chí Minh, đi sâu nghiên cứu, khai thác và thể hiện những giá trị lý luận khoa học trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Tính khoa học biểu hiện trong sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, trong mỗi luận điểm tư tưởng đúng như lời nói và việc làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, khi sử dụng những tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp, về các trích dẫn phải đảm bảo tính chính xác, không được tùytiện chủ quan nói nhiều lần theo trí nhớ. Muốn vậy, phải dày công tìm tòi, sưu tầm, đọc tài liệu và ghi chép cẩn thận.
Khi trình bày, nói chuyện, báo cáo các nội dung trong tư tưởng và phong cách Hồ Chí Minh phải chuẩn bị kỹ, hiểu sâu, hiểu đúng, hiểu đầy đủ, trình bày trung thành các nội dung và bảo đảm sự thống nhất theo tài liệu chính thống của Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan có thẩm quyền phát ngôn về vấn đề này.
Có như vậy, hoạt động nghiên cứu,tuyên truyền và giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mới thể hiện tính khoa học, tính hiệu quả, tính thuyết phục và đạt hiệu quả tuyên truyền./