Cách đây 75 năm, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trên cả nước. Đây là sự kiện chính trị quan trọng trong lịch sử nước ta khi lần đầu tiên toàn thể nhân dân được hưởng quyền làm chủ trong việc sáng suốt lựa chọn, bầu ra những người đại diện xứng đáng thay mặt nhân dân gánh vác công việc chung của đất nước.
Quang cảnh phiên họp Quốc hội Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Trải qua 75 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam không ngừng đổi mới trên các lĩnh vực hoạt động, khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Bác Hồ đã chỉ đạo phải tập trung tổ chức càng sớm càng tốt cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc dân đại hội (Quốc hội).
Bác đã ký Sắc lệnh số 14 ngày 8/9/1945 và Sắc lệnh số 51 ngày 17/10/1945 về tổ chức tổng tuyển cử. Trên cơ sở sắc lệnh đó, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được tiến hành ngày 6/1/1946.
Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên được tiến hành theo nguyên tắc dân chủ, tiến bộ, đó là phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Quốc hội đã cử ra Chính phủ chính thức, ấn định cho Việt Nam một Hiến pháp dân chủ. Thắng lợi đó là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.
Thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử cũng đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội, đối ngoại. Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ - nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đổi mới công tác lập pháp
Kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 đến nay, trải qua 14 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội Việt Nam không ngừng trưởng thành, đã đạt được những thành tựu quan trọng trong hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần to lớn vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, nâng cao vai trò, vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Từ Quốc hội khóa I cho đến nay, Quốc hội đã ban hành 5 bản Hiến pháp (chưa kể các bản Hiến pháp sửa đổi, bổ sung): Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013, qua đó kế thừa và hoàn thiện Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử. Cùng với sự phát triển lớn mạnh của đất nước, trong 75 năm qua, nhiều đạo luật quan trọng đã được Quốc hội ban hành góp phần thể chế hóa quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện quản lý xã hội theo hiến pháp và pháp luật.
Đặc biệt, bước vào công cuộc đổi mới, việc chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa chỉ huy (quan liêu, bao cấp) sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước (điều tiết vĩ mô), nay là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi hệ thống luật pháp phải đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế.
Theo Tiến sỹ Bùi Ngọc Thanh, Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nếu như 7 khóa Quốc hội đầu tiên (từ năm 1946 đến đầu năm 1987), hơn 40 năm Quốc hội chỉ ban hành được 29 đạo luật, thì Quốc hội Khóa VIII (1987-1992), khóa đầu tiên bước vào công cuộc đổi mới, trong 5 năm Quốc hội đã ban hành tới 31 đạo luật; Khóa IX là 41 luật và bộ luật, Khóa X là 35 đạo luật. Khóa XI, Quốc hội đã xây dựng 84 luật; khóa XII chỉ có 4 năm, Quốc hội cũng đã xây dựng được 67 luật và đến khóa XIII là 89 luật. Khóa XIV hiện nay, từ 2016 đến cuối 2020, Quốc hội thông qua được khoảng 80 đạo luật. Các đạo luật được xây dựng trong công cuộc đổi mới, về nội dung khác đến 90 - 95% so với thời kỳ thực thi nền kinh tế kế hoạch hóa chỉ huy. Nhìn chung, tốc độ xây dựng luật của Quốc hội trong công cuộc đổi mới tăng nhanh; chất lượng, nội dung được bảo đảm, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, góp phần đắc lực vào việc thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Trong quá trình phát triển, Quốc hội đã có nhiều quyết sách quan trọng như quyết định tổ chức và nhân sự cấp cao của Nhà nước; xem xét, thông qua các nghị quyết về nhiệm vụ, các kế hoạch kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm; phê chuẩn các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Quốc hội cũng quyết định chủ trương đầu tư xây dựng các công trình quan trọng quốc gia như: đường Hồ Chí Minh, đường dây truyền tải điện 500kV Bắc - Nam, nhà máy khí điện đạm Bà Rịa - Vũng Tàu, nhà máy thủy điện Sơn La... tạo tiền đề cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tại mỗi kỳ họp, Quốc hội dành nhiều thời gian để xem xét, thảo luận về các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định; tăng cường giám sát chuyên đề, tập trung vào các vấn đề bức xúc của cuộc sống mà cử tri quan tâm; nâng cao hiệu quả chất vấn và trả lời chất vấn, tạo không khí cởi mở, dân chủ trong hoạt động của Quốc hội. Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn cũng đã tạo ra động lực để các bộ trưởng, trưởng ngành đổi mới mạnh mẽ trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Dấu ấn của Quốc hội vì dân
Thực hiện hiệu quả phương châm “Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân”, Quốc hội đã đổi mới mạnh mẽ cả về tổ chức và hoạt động. Cách thức điều hành có nhiều thay đổi, việc ứng dụng công nghệ thông tin được áp dụng mạnh mẽ, giúp khoảng cách giữa các đại biểu với cử tri ngày càng được thu hẹp, thực sự là những đại biểu của dân, do dân và vì dân.
Năm 2019, lần đầu tiên Quốc hội áp dụng công nghệ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và trí tuệ nhân tạo trong việc điều hành kỳ họp. Theo đó, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội thí điểm thực hiện, tất cả file âm thanh được chuyển thành chữ chạy trên màn hình của chủ tọa, giúp cho việc điều hành chính xác hơn. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành chính thức việc này. Sự đổi mới này là cách để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, xây dựng Quốc hội điện tử.
Đặc biệt, năm 2020, trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, một lần nữa, những dấu ấn của Quốc hội vì dân tiếp tục được thể hiện đậm nét. Trong những phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước kỳ họp thứ 9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhiều lần lưu ý phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy Nhà nước, ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng không có nghĩa để mọi việc đình trệ. Công việc vẫn phải thực hiện trôi chảy theo kế hoạch, phải thay đổi phương thức làm việc. Nói là làm, Quốc hội đã thực hiện đổi mới bằng việc lần đầu tiên tổ chức họp trực tuyến.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV mang đấu ấn đặc biệt bởi đây là lần đầu tiên trong hơn 70 năm qua, Quốc hội Việt Nam họp trực tuyến liên tục nhiều ngày trong đợt 1 (từ ngày 20-28/5). Với hình thức họp trực tuyến, đại biểu tại điểm cầu của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện đăng ký phát biểu, tranh luận qua đường dây nóng. Đại biểu tại Hội trường Diên Hồng đăng ký phát biểu và tranh luận như các kỳ họp trước. Danh sách đăng ký phát biểu được kịp thời cập nhật vào hệ thống điều hành của Đoàn Chủ tịch theo thứ tự đăng ký của đại biểu và được thể hiện trên màn hình tại Hội trường Diên Hồng. Các đại biểu Quốc hội sử dụng phần mềm cài đặt trên máy tính bảng để biểu quyết. Kết quả biểu quyết sẽ được hiện trên màn hình ở Hội trường Diên Hồng. Việc cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội vẫn được duy trì và bảo đảm thực hiện thông qua các phần mềm ứng dụng...
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhìn nhận, hình thức Quốc hội họp trực tuyến thể hiện sự đổi mới, linh hoạt trong hoạt động của Quốc hội, song vẫn bảo đảm duy trì không khí dân chủ, công khai của kỳ họp Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật. Theo đánh giá của nhiều đại biểu, hình thức họp trực tuyến không những mang lại hiệu quả cao, mà còn có nhiều lợi thế hơn so với hình thức họp tập trung như giúp tiết kiệm về ngân sách; đại biểu ở địa phương không phải di chuyển nhiều; lãnh đạo địa phương cũng có điều kiện tham gia họp trực tuyến tại nhiều đầu cầu; nhiều cán bộ, công chức hoặc lãnh đạo các văn phòng, sở, ngành… cũng được mời tham gia họp ở các đầu cầu.
Cũng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lần đầu tiên trong lịch sử của AIPA, Đại hội đồng AIPA diễn ra từ ngày 8-10/9/2020 được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Với sự dẫn dắt, điều hòa của Quốc hội Việt Nam, Đại hội đồng AIPA 41 đã thành công tốt đẹp. Điều này thể hiện qua sự tham gia đông đủ, ủng hộ của các Nghị viện thành viên, các Nghị viện quan sát viên và nhiều tổ chức Nghị viện quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá trong chặng đường 25 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng, phát triển mạnh mẽ và góp phần vào việc củng cố, hoàn thiện bộ máy, tổ chức của AIPA. Thành công của Năm Chủ tịch AIPA 2020 và Đại hội đồng AIPA 41 là bước tiếp nối những đóng góp của Quốc hội Việt Nam trong quá trình phát triển của AIPA.
Có thể nói, 75 năm qua, Quốc hội luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không ngừng đổi mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, hoạt động ngày càng chất lượng, tạo lập được sự tin tưởng và những ấn tượng tốt đẹp trong lòng cử tri cả nước. Những thành quả này tiếp tục tạo tiền đề thuận lợi cho sự phát triển của Quốc hội trong thời gian tới, là cơ sở quan trọng để đảm bảo thành công cho sự phát triển đất nước./.