Nghiên cứu, học tập Chuyên đề năm 2021

Thứ bẩy, 12/06/2021 21:31
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chiều 12/6, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị nghiên cứu, học tập chuyên đề toàn khóa về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” - Nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng - Chuyên đề năm 2021.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Những nội dung chính của chuyên đề

Hội nghị đã nghe GS. TS Phùng Hữu Phú trình bày chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc là nội dung quan trọng trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, người thầy của cách mạng Việt Nam. Người “là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại”. Trọn cuộc đời, Người hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Di sản tư tưởng Người để lại có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới đất nước; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy tinh thần yêu nước, ý chí và khát vọng phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đại hội đã xác định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045, định hướng và lãnh đạo, chỉ đạo toàn bộ các hoạt động của Đảng, Nhà nước và xã hội. Trong quan điểm chỉ đạo thực hiện đường lối đổi mới giai đoạn tới, Nghị quyết Đại hội đã khẳng định: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Đồng thời chỉ rõ: “Động lực và nguồn động lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” .

Nội dung chuyên đề gồm 2 phần: Phần thứ nhất: Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phần thứ hai: Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong giai đoạn hiện nay.

GS. TS. Phùng Hữu Phú trình bày chuyên đề tại Hội nghị.

Ý chí tự lực, tự cường và khát vọng về quyền sống chân chính của dân tộc đã bồi đắp tư tưởng, sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và lan tỏa trong mọi giai tầng xã hội Việt Nam. Nói cách khác, chính chủ nghĩa yêu nước, khát vọng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước “đàng hoàng”, “to đẹp” đã đưa Người đến với chủ nghĩa Mảc-Lênin, đặt nền móng cho sự phát triển tư tưởng mácxít ở Việt Nam, tạo ra những điều kiện căn bản, tiên quyết đưa đến những thành công của cách mạng nước nhà.

Những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường là:

Thứ nhất, ý chí tự lực, tự cường là không phụ thuộc vào lực lượng bên ngoài, có quan điểm độc lập trong quan hệ quốc tế; Ý chí tự lực, tự cường là phải nhận thức rõ sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc với chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Thứ hai, ý chí tự lực, tự cường là sự chủ động, chuẩn bị mọi mặt các điều kiện của cách mạng. Thứ ba, ý chí tự lực, tự cường là đặc biệt chú trọng phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân. Thứ tư, ý chí tự lực, tự cường là quyết tâm bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc

Những nội dung cơ bản trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là:  Thứ nhất, xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh, cường thịnh, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài. Thực hiện khát vọng đất nước giàu mạnh, cường thịnh trong điều kiện Đảng cầm quyền, xây dựng chế độ mới, mưu cầu hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Ý chí, khát vọng độc lập của Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân, hùng cường cho dân tộc và tấm gương mẫu mực suốt đời phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là động lực, tư tưởng soi đường cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, vĩ một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Thứ hai, xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, thực hiện một cách có kế hoạch vớỉ sự đồng lòng của Chính phủ và người dân. Thứ ba, phát huy tối đa nội lực dân tộc, tranh thủ ngoại lực, có chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài. Thứ tư, luôn xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của đất nước, vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn để đưa ra những quan điểm, chủ trương phù hợp; không giáo điều, máy móc trong học tập kinh nghiệm của nước khác

Có thể khẳng định, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị chỉ đạo thực tiễn và nghiên cứu lý luận về sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước theo con đường của chủ nghĩa xã hội, trở thành cơ sở, nền tảng tư tưởng đặc biệt quan trọng để Đảng đổi mới tư duy lý luận, nắm bắt thực tiễn, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, hoạch định đường lối đổi mới tại Đại hội lần thứ VI của Đảng (12/1986) và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới trong các giai đoạn cách mạng để Việt Nam có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thời gian tới đi vào chiều sâu, chất lượng, thiết thực, cần tập trung làm tốt ba nội dung: Học tập, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên. Nghiên cứu, thực hiện hiệu quả các giải pháp sau:

Một là, cần nhận thức sâu sắc, thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Coi đây là công việc thường xuyên, không thể thiếu đối với mỗi cán bộ, đảng viên.

Hai là, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đưa nội dung làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết của đảng bộ cấp mình, gắn với nhiệm vụ chính trị.

Ba là, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, lôi cuốn sự vào cuộc của toàn xã hội.

Bốn là, nêu cao trách nhiệm nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí, tự lực, tự cường dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh trong cản bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Năm là, nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng phù hợp với điều kiện mới, làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện.

Sáu là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng.

Bảy là, nâng cao tính khoa học, tính chiến đấu trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị.

Tám là, coi trọng công tác kiểm tra, giám sát.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc là sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong công cuộc đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ sự nghiệp đổi mới đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Toàn cảnh Hội nghị.

Tạo chuyển biến ở 3 nội dung: học tập, làm theo bác và nêu gương

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, "Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, tạo chuyển biến ở 3 nội dung: đổi mới viêc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đổi mới và thể hiện đột phát trong việc làm theo, việc nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên với phương châm “chức vụ càng cao, trọng trách càng lớn thì càng phải nêu gương”.

Với tinh thần đó, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị lãnh đạo cấp ủy các cấp tiếp tục quán triệt tinh thần Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII, triển khai Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" diễn ra vào sáng ngày 12/6, nhất là quán triệt sâu sắc bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị trong thời gian tới, cấp ủy các cấp tiếp tục thực hiện tốt những nội dung sau:

Một là, phải xác định, nghiên cứu, tiếp thu sâu sắc những nội dung của chuyên đề, tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về nội dung giáo trị và ý nghĩa to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là về ý chí tự lực, tự cường khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đây cũng là nội dung cốt lõi trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đó là tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đây là động lực, là nguồn sức mạnh to lớn để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Hai là, căn cứ vào hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc nghiên cứu, học tập chuyên đề toàn khóa và nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Ban Tuyên giáo các cấp phải chủ động làm tham mưu giúp cho cấp ủy cùng cấp xây dựng kế hoạch triển khai, chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu, học tập đến tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hằng năm có công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện từ cơ sở gắn với việc thực hiện nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, từng địa phương, từng cơ quan, đơn vị. Muốn học tốt và muốn làm tốt, muốn nêu gương tốt thì không những triển khai mà phải đặc biệt quan tâm đến công tác kiểm tra thực tiễn. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có chỉ đạo xác định các nội dung yêu cầu và các đơn vị, địa phương mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ có kiểm tra thực hiện trong năm 2021 xoay quanh việc thực hiện Chỉ thị số 05.

Ba là, trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cấp ủy các cấp chủ động sáng tạo, đổi mới hình thức học tập, tuyên truyền, song phải bảo đảm chất lượng, thiết thực và hiệu quả.

Theo đó, làm tốt việc học tập từ xác định nội dung, xác định hình thức, xác định phương pháp, xác định đối tượng, xác định mục tiêu cụ thể, gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, gắn với chức trách, nhiệm vụ, đặc điểm, tình hình từng địa phương để xác định các nội dung và cụ thể hóa các nội dung chuyên đề sao cho phù hợp, hiệu quả và thiết thực.

Tập trung thực hiện hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa; đặc biệt, phải khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

xuannguyen

Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)