Đồng chí Phạm Hùng - Người chiến sĩ cộng sản “dạ sắt, gan đồng”

Thứ tư, 16/06/2021 10:16
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đồng chí Phạm Hùng (11/6/1912 - 10/3/1988) là một trong những nhà lãnh đạo quan trọng của Đảng với các trọng trách: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, Chính ủy Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rồi Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam, đại biểu Quốc hội nhiều khóa, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng của Quốc hội khóa VIII, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương.

Đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng bộ miền Nam
đón Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 13/5/1975_Ảnh: TTXVN

Phạm Hùng - người chiến sĩ cộng sản “dạ sắt, gan đồng”

Đồng chí Phạm Hùng tên thật là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11/6/1912, tại ấp Long Thiềng, làng Long Hồ, tổng Bình Long, huyện Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long, nay thuộc ấp Long Thuận A, xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, một vùng đất giàu truyền thống yêu nước, cách mạng.

Năm 1928, sau khi học xong ở trường tỉnh, đồng chí sang học Trường Trung học Mỹ Tho. Tại đây, đồng chí tham gia hoạt động trong phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên. Năm 1930, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó làm Bí thư Chi bộ Trường học. Năm 1931, đồng chí được Đảng tin cậy giao trọng trách làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho khi vừa tròn 19 tuổi. Lúc này, phong trào cách mạng của nhân dân địa phương chống chính quyền thực dân Pháp đã phát triển rộng khắp. Tháng 6/1931, đồng chí bị địch bắt giam ba năm (1931 - 1933) ở Mỹ Tho và Sài Gòn, sau đó bị kết án tử hình trong “vụ án những người cộng sản” nổi tiếng ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Do phong trào đấu tranh của nhân dân ta và các lực lượng tiến bộ Pháp đòi ân xá tù chính trị, đồng chí được giảm từ án tử hình xuống án chung thân khổ sai và bị đày ra nhà tù Côn Đảo.

Sống trong cảnh tù đày vô cùng tàn bạo ở “địa ngục trần gian” Côn Ðảo, đồng chí Phạm Hùng luôn nêu cao khí tiết của người chiến sĩ cộng sản trước kẻ thù và luôn lạc quan, giữ vững niềm tin vào thắng lợi của cách mạng. Là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của phong trào đấu tranh ở nhà tù Côn Ðảo, nhiều năm làm Bí thư Ðảo ủy, đồng chí cùng Chi bộ tù nhân cộng sản đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, tổ chức học tập lý luận về chủ nghĩa cộng sản để nâng cao nhận thức của tù nhân và tuyên truyền giác ngộ binh lính, cai tù, giám thị. Ðồng chí đã lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh quyết liệt với kẻ thù để giành sự sống cho tù nhân, đòi giảm nhẹ khổ sai, cải thiện chế độ nhà tù và nhiều lần dũng cảm xả thân chịu đòn thay cho đồng chí của mình. Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng nhận xét: “Phạm Hùng đã vượt qua mọi thách đố, hơn thế nữa, là người sẵn sàng sống chết với tinh thần nghĩa hiệp, che chở cho đồng chí, che chở cho người yếu đuối. Chính môi trường này làm bật sáng khí phách của một Phạm Hùng, dám đưa lưng đỡ đòn cho bè bạn một cách dứt khoát đến nỗi bọn cai ngục phải nể sợ” (Phạm Hùng - Nhà lãnh đạo trung kiên, mẫu mực (Hồi ký), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 91).

Trải qua gần 15 năm bị tù đày trong lao tù đế quốc, hết xà lim án chém đến “địa ngục trần gian” Côn Ðảo, biết bao hình phạt tàn khốc của kẻ thù vẫn không thể nào khuất phục được người chiến sĩ cộng sản có “dạ sắt, gan đồng”. Tấm gương đồng chí Phạm Hùng, một chiến sĩ cộng sản hiên ngang, bất khuất, nghĩa hiệp đã trở thành biểu tượng của ý chí và nghị lực phi thường của một thế hệ thanh niên Việt Nam yêu nước, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản.

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được Đảng đón từ Côn Đảo về tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Nam suốt 9 năm liền với các trọng trách: Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ, rồi Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Bí thư và Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Phân liên khu Đông Nam Bộ, Trưởng đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ban Liên hiệp đình chiến Nam Bộ.

Từ năm 1956 cho đến khi qua đời (năm 1988), đồng chí là một trong những nhà lãnh đạo quan trọng của Đảng với các trọng trách: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, Chính ủy Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rồi Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đại biểu Quốc hội nhiều khóa, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng của Quốc hội khóa VIII, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Phạm Hùng luôn nêu cao tinh thần cách mạng cao quý, gian nan không lùi bước, nguy hiểm không sờn lòng, sẵn sàng hy sinh tất cả vì nước, vì dân, giữ vững niềm tin ở thắng lợi cuối cùng. Bất chấp gông cùm và những đòn tra tấn của nhà tù đế quốc, bất chấp hoàn cảnh gian khổ và ác liệt của chiến trường miền Nam, nhất là những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí luôn bền gan chiến đấu, thể hiện lòng dũng cảm và nghị lực phi thường.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Phạm Hùng gắn liền với những chặng đường đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ nhưng rất đỗi oanh liệt, hào hùng của Đảng và của cả dân tộc ta. Đồng chí là nhà lãnh đạo, nhà tổ chức tài năng, là cán bộ sâu sát với quần chúng, lời nói luôn đi đôi với hành động, có tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc, mẫu mực, luôn đem hết trí tuệ và sức lực hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào được Đảng và nhân dân giao phó. Ðồng chí luôn đặc biệt chăm lo công tác xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, chân thành, thẳng thắn tự phê bình và phê bình, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Ðảng. Ðồng chí luôn quan tâm và dành nhiều tâm sức cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; gần gũi và ân cần chỉ bảo, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng đội; dân chủ, cởi mở, nghiêm minh và rộng lượng với mọi người.

Học tập nhân cách lớn, tấm gương sáng ngời về ý chí cách mạng của đồng chí Phạm Hùng

Một là, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và vào sự thành công của cách mạng Việt Nam. Đồng chí Phạm Hùng tham gia cách mạng khi còn ở độ tuổi thanh niên, trong giai đoạn đất nước chịu ách thống trị của thực dân và phong kiến, cách mạng Việt Nam mới ở bước “khai lối mở đường”, nhưng với niềm tin và sự quyết tâm của người chiến sĩ cộng sản, đồng chí luôn tin tưởng tuyệt đối vào đường lối cách mạng, vào sự lãnh đạo của Đảng. Ngày nay, cách mạng Việt Nam đã có những bước tiến mới, phát triển vượt bậc trên các lĩnh vực, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; nhưng bên cạnh đó, cũng còn không ít những khó khăn, thách thức đang đặt ra. Các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để chống phá cách mạng Việt Nam. Vì vậy, noi theo tấm gương tin tưởng tuyệt đối vào lý tưởng cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng từ đồng chí Phạm Hùng và những thế hệ đi trước, các thế hệ người Việt Nam hôm nay, đặc biệt là thế hệ trẻ, phải nâng cao nhận thức, cảnh giác trước những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch; tuyệt đối trung thành và luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng Việt Nam sẽ tiếp tục giành những thắng lợi vẻ vang.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng tại xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long- Ảnh: TTXVN

Hai là, nêu cao tinh thần bất khuất, không ngại khó khăn, gian khổ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Tinh thần bất khuất của người chiến sĩ cộng sản Phạm Hùng là tấm gương lớn để các thế hệ ngày nay học tập. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khó khăn, gian khổ đến đâu cũng không chùn bước; từ xà lim án chém đến nhà tù Côn Đảo cũng không khuất phục được lòng dũng cảm, tinh thần bất khuất của đồng chí Phạm Hùng. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí luôn được Đảng tin cậy, giao phó nhiều công việc nơi “đầu sóng, ngọn gió”. Khi đã có nghị quyết của Đảng, dù công việc có khó khăn đến đâu, đồng chí cũng quyết tâm tìm phương án tối ưu nhất để thực hiện đạt hiệu quả cao nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, kế hoạch một, biện pháp mười, quyết tâm phải hai mươi, ba mươi. Quyết tâm chính là nhiệt tình cách mạng, nhiệt tình đó chứa đựng niềm tin vào thắng lợi. Đây cũng là bài học sâu sắc đối với mỗi chúng ta. Dẫu con đường phía trước không bằng phẳng, nhiều chông gai, thử thách, mỗi cán bộ, đảng viên cần noi gương các bậc tiền bối cách mạng, nêu cao tinh thần quyết tâm, ra sức thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị được giao.

Ba là, giữ vững các nguyên tắc xây dựng Đảng. Đồng chí Phạm Hùng luôn phát huy nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao ý thức kỷ luật, kỷ cương. Trong công việc, đồng chí luôn giữ vững nguyên tắc kỷ luật, kỷ cương nhưng cũng rất tình cảm trong đời thường. Ngoài ra, nguyên tắc tự phê bình và phê bình cũng được đồng chí đề cao. Học tập đồng chí Phạm Hùng, mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật trong sinh hoạt đảng và trong công tác hằng ngày, đúng với phương châm mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”.

Tỉnh Vĩnh Long hôm nay có những bước phát triển vượt bậc
(Trong ảnh: Cầu Cần Thơ là cầu dây văng đầu tiên xây dựng qua dòng sông Hậu,
có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á (550m), nối tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ) - Ảnh: TTXVN

Bốn là, thương yêu đồng chí, đồng đội, quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho mọi tầng lớp nhân dân. Cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Phạm Hùng rất giản dị, liêm khiết, gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân, luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên ngày nay cần tự rèn luyện bản thân mình, nêu cao đạo đức cách mạng, hết lòng phục vụ nhân dân, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân.

Năm là, nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong lần về dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cửu Long lần thứ IV (năm 1986), đồng chí Phạm Hùng chỉ rõ, nhờ sự đoàn kết mà dân tộc ta đã đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; chúng ta cần phải nêu cao tinh thần đoàn kết, chống lại tư tưởng cục bộ, cá nhân, phải gác bỏ mọi việc riêng để tập hợp sức mạnh trong toàn Đảng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngày nay, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Tuy nhiên, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những thay đổi nhanh chóng, biến động khó lường. Mỗi cán bộ, đảng viên cần giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng và góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu cách mạng trong thời kỳ mới.

Đồng chí Phạm Hùng là người chiến sĩ cộng sản kiên cường, người con ưu tú của dân tộc, của quê hương Vĩnh Long, người học trò xuất sắc của Bác Hồ kính yêu, suốt đời cống hiến vì Đảng, vì đất nước, vì nhân dân. Đồng chí là tấm gương sáng để mỗi cán bộ, đảng viên học tập, noi theo, không ngừng rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.

xuannguyen

Nguồn: Tạp chí Cộng sản

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)