Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên Hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019 - 2024, Trung ương Hội LHTN Việt Nam công bố 10 chương trình, sự kiện tiêu biểu trong nhiệm kỳ 2014-2019.
Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” khơi dậy lòng yêu nước vốn có của thanh niên
1. Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi”
Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” là hoạt động cụ thể hóa phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” nhằm khơi dậy lòng yêu nước vốn có của thanh niên, thôi thúc Hội viên, thanh niên xác định trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, xã hội và Tổ quốc, ra sức học tập, lao động, cống hiến, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hành trình là dịp để Hội viên, thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước viết tiếp truyền thống yêu nước, lòng tự hào về Tổ quốc Việt Nam bằng những hành động thiết thực, cụ thể, để “Tôi yêu Tổ quốc tôi” không chỉ là một cụm từ, hay một phong trào, mà luôn trở thành điều tâm niệm, là sự nhắc nhở, là niềm hãnh diện của hội viên, thanh niên Việt Nam khi nhắc đến. Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” đã được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố, với sự tham gia của 5 triệu hội viên, thanh niên, 63 công trình thanh niên được thực hiện và trao tặng cho địa phương, 63 Lễ chào cờ “Tôi yêu Tổ quốc tôi” tại những di tích lịch sử, văn hóa đặc biệt quan trọng của đất nước.
Bên cạnh việc được trải nghiệm, cảm nhận đầy đủ hơn những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc, cùng giới thiệu, lan toả đến đông đảo thanh niên và người dân Việt Nam, Hành trình còn tổ chức những hoạt động chia sẻ với đồng bào tại các địa bàn khó khăn, để hội viên, thanh niên chia sẻ, cống hiến và viết lên những câu chuyện thật đẹp của thanh niên Việt Nam vì Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, văn minh.
2. Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp”
Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” bắt đầu từ năm 2016 với nhiều hoạt động hiệu quả như: Hành trình thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ( 2018, 2019) đi qua 20 tỉnh, thành phố trên cả nước thu hút sự tham gia trực tiếp của 200 thanh niên, sinh viên có dự án, mô hình, ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và sự hưởng ứng của hàng vạn thanh niên tại các địa phương. Thành lập Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên, sinh viên. Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam do Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức với các chủ đề “Thách thức, giải pháp và lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam”, “Chương trình hành động của khu vực tư nhân từ Nghị quyết Trung ương 5”, Diễn đàn trở thành kênh đối thoại chính sách quan trọng của cộng động kinh tế tư nhân Việt Nam.
Chuỗi các hoạt động và sự kiện giao lưu, tọa đàm, hội thảo, các game thực tế như: Cuộc thi “Đồng hành với thanh niên Việt Nam khởi nghiệp”, cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” trong sinh viên, cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – StarupHunt”, “Cùng nhau khởi nghiệp”, “Trải nghiệm một ngày làm doanh nhân”, “Sàn giao dịch ý tưởng” giúp thanh niên khởi nghiệp được học hỏi, bổ sung kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp; kết nối, kêu gọi các nguồn vốn đầu tư từ các Quỹ, các Nhà đầu tư, tham gia góp phần triển khai thực hiện chương trình Quốc gia khởi nghiệp do Thủ tướng Chính phủ phát động. Các mô hình hiệu quả như câu lạc bộ “Thanh niên khởi nghiệp”, câu lạc bộ “Chủ trang trại trẻ”, câu lạc bộ “Nhà nông trẻ”. Hội các cấp đã tổ chức 74.555 hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, hỗ trợ được hơn 2,4 triệu thanh niên khởi nghiệp.
3. Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”
Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức thường niên từ năm 2015 nhằm tri ân, chia sẻ với các thầy giáo, cô giáo tiêu biểu đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn có nhiều cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ và nhiều nghị lực phấn đấu vượt khó vươn lên trong công tác giảng dạy, giúp đỡ học sinh đến trường.
Sau 05 năm triển khai, Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã tuyên dương 277 thầy giáo, cô giáo công tác tại các trường học điểm lẻ tại 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; thầy giáo, cô giáo thuộc huyện đảo và các đơn vị hành chính cấp huyện có xã đảo; các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng làm công tác giảng dạy, giúp đỡ học sinh đến trường; các thầy giáo, cô giáo dạy học sinh khuyết tật; giáo viên dạy học sinh dân tộc thiểu số trên cả nước.
4. Hành trình “Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng”
Hành trình “Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng” được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Thầy Thuốc trẻ Việt Nam tổ chức đồng loạt trên cả nước vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác 19/5 hằng năm. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện, góp sức của đội ngũ y bác sĩ trẻ trên cả nước với việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và thanh thiếu nhi.
Các hoạt động của Hành trình như: khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí, tặng quà cho nhân dân, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trong cả nước; tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình, mổ mắt miễn phí cho người cao tuổi, phẫu thuật dị tật bẩm sinh cho trẻ em; khám sàng lọc bệnh mạn tính: ung thư, tim mạch, tiểu đường; tập huấn các phương pháp sơ, cấp cứu cơ bản cho giáo viên và tư vấn dinh dưỡng cho cha mẹ học sinh tại các trường mầm non, tiểu học; tổ chức các ngày hội rửa tay bằng xà phòng phòng chống dịch bệnh cho trẻ em và vận động người dân tăng cường vận động thể chất và giới thiệu đăng ký tham gia cuộc thi “Đi bộ vì sức khỏe”.
Qua hành trình, đã có 2.632.314 người dân được khám bệnh, phát thuốc miễn phí; mổ mắt miễn phí cho 7.350 người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn; tập huấn sơ cấp cứu cơ bản cho 76.145 giáo viên các trường mầm non, tiểu học; tổ chức ngày hội rửa tay bằng xà phòng cho hơn 1.500.000 trẻ em phòng chống bệnh tay chân miệng; thu hút sự tham gia của hơn 35.000 thầy thuốc trẻ và hàng vạn thanh niên tình nguyện.
5. Chiến dịch “Hãy làm sạch biển”
Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” được triển khai từ năm 2016, nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng và đoàn viên, thanh niên về tầm quan trọng của biển với đời sống con người; kêu gọi cộng đồng cùng chung tay hành động bảo vệ môi trường biển. Khởi điểm của những ngày đầu từ 04 tỉnh miền Trung với sự tham gia chủ yếu là đoàn viên, hội viên, thanh niên; ngay sau đó Chiến dịch đã được phát động trên toàn quốc và triển khai đồng loạt tại tại 28 tỉnh, thành phố ven biển, tạo được sự lan tỏa rộng rãi, sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các lực lượng trong xã hội như bộ đội biên phòng, công an, hải quân, cựu chính binh, phụ nữ, người dân, trong đó lực lượng chủ lực, tiên phong là đoàn viên, hội viên, thanh niên, sinh viên, học sinh.
Nhiều mô hình “Hãy làm sạch biển” hiệu quả như: sáng tác tranh poster cổ động tuyên truyền trên mạng xã hội, vẽ tranh sơn tường tuyên truyền về bảo vệ môi trường biển tại các địa bàn bị ô nhiễm rác thải; mô hình thu gom rác thải trên mặt biển bằng vợt lưới, mô hình “cá ăn rác”, mô hình ngư dân, chủ tàu thuyền ký cam kết không xả rác ra biển; mô hình đội tình nguyện viên nòng cốt thường xuyên làm sạch bãi biển tại các địa bàn ô nhiễm biển, mô hình tuyên truyền và thu gom rác thải tại các bãi biển công cộng có đông khách du lịch; mô hình cộng đồng chung tay không xả rác ra biển tại các cảng cá, làng chài; trao tặng thùng rác cho người dân, trao quà cho ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, trao học bổng cho con em ngư dân có hoàn cảnh khó khăn.
Hàng năm Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” thu hút hơn 900.000 đoàn viên, hội viên, thanh niên tham gia các hoạt động “Hãy làm sạch biển”; trong đó 25.000 thanh niên tham gia đội hình nòng cốt, thường xuyên duy trì các các hoạt động “Hãy làm sạch biển” tại các địa bàn thường xuyên bị ô nhiễm biển; hàng năm có hơn 400 điểm ô nhiễm thường xuyên được duy trì hoạt động tối thiểu mỗi tuần 01 lần. “Hãy làm sạch biển” đã trở thành Chiến dịch lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng xã hội và trở thành hoạt động không thể thiếu trong công tác bảo vệ đại dương nói chung và môi trường biển tại Việt Nam hiện nay.
6. Chương trình “Tháng Ba biên giới”
Chương trình “Tháng Ba biên giới” là hoạt động thiết thực và ý nghĩa của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam các cấp trong Tháng Thanh niên, được triển khai tại các địa bàn giáp biên giới với nhiều hoạt động vì cộng đồng. Chương trình nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong hội viên, thanh niên về truyền thống vẻ vang của Đoàn, Hội và các thế hệ thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với nhiều nội dung hoạt động hết sức đa dạng, phong phú, tham gia góp phần vào việc phát triển kinh tế những địa bàn vùng biên giới, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, củng cố và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực đã được tổ chức trong Chương trình “Tháng ba biên giới” như thăm hỏi, tri ân các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại các đồn biên phòng, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao giữa thanh thiếu nhi, tổ chức Đoàn, Hội, Đội với bộ đội biên phòng, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo; tổ chức các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, thăm hỏi, giúp đỡ và tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức và huy động thanh niên đảm nhận thực hiện các công trình, phần việc thanh niên gắn với thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị, như: mô hình phát triển kinh tế, xây dựng nhà bán trú, nhà nhân ái, trường đẹp cho em, sân chơi cho thanh thiếu nhi; tặng học bổng, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các hoạt động khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho thanh thiếu nhi và nhân dân. Chương trình “Tháng Ba biên giới” đã góp phần khơi gợi nhiệt huyết, tinh thần thanh niên xung kích vì cộng đồng, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền thiêng liêng và vai trò, trách nhiệm của thanh niên đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Thông qua chương trình “Tháng ba biên giới” thu hút hàng trăm nghìn lượt thanh niên tham gia.
7. Giải thưởng “Sao Vàng Đất Việt”
Giải thưởng “Sao Vàng Đất Việt” do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Doanh Nhân trẻ Việt Nam chủ trì tổ chức để xét trao cho các thương hiệu tiêu biểu của Việt Nam đề cao các giá trị thương hiệu Việt Nam, tôn vinh lòng tự hào dân tộc và nâng cao nhận thức cho thanh niên, giới doanh nhân trẻ nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung trong sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, cũng như trong hội nhập kinh tế quốc tế. Giai đoạn 2014 - 2019, đã tổ chức 2 lần trao giải, đã có hàng nghìn lượt thương hiệu sản phẩm đăng ký tham gia, trong đó 400 lượt thương hiệu, sản phẩm được tôn vinh trao giải.
Nhiều doanh nghiệp, thương hiệu, sản phẩm Việt Nam được vinh danh từ Giải thưởng Sao Vàng đất Việt đã có mặt trong các bảng xếp hạng của khu vực, của thế giới, trở thành những doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng, dẫn dắt đối với nền kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp được trao Giải thưởng đã tạo ra doanh thu và nộp ngân sách trên hàng nghìn tỷ đồng và tạo việc làm cho triệu lao động. Đây là những số liệu ấn tượng nói lên vị thế và sự ảnh hưởng lớn của các doanh nghiệp đoạt giải đối với nền kinh tế Việt Nam và cũng là niềm tự hào của Giải thưởng Sao Vàng đất Việt. Giải thưởng tiếp tục khẳng định uy tín đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và xã hội.
8. Chương trình “Khát vọng trẻ”
Chương trình “Khát vọng trẻ” do Báo Thanh niên - Diễn đàn của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức. Chuỗi các chương trình nghệ thuật “Khát vọng trẻ” được tổ chức là không gian âm nhạc dành cho người trẻ, những câu chuyện về tình yêu Tổ quốc và trách nhiệm của thanh niên đối với đất nước. Những câu chuyện âm nhạc được thể hiện trên sân khấu đã khắc họa những con đường các thế hệ thanh niên qua nhiều thời kỳ lịch sử của đất nước đến con đường của thanh niên hôm nay trong tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Chương trình được tổ chức miễn phí cho thanh thiếu nhi và nhân dân.
Thông qua Chương trình góp phần giáo dục lòng yêu nước, truyền thống của dân tộc, truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trong cán bộ, hội viên, thanh niên cả nước góp phần tích cực trong việc triển khai phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi”; đồng thời nâng cao giá trị thưởng thức thẩm mỹ âm nhạc cho thanh thiếu nhi. Trong nhiệm kỳ, 05 Chương trình “Khát vọng trẻ” được tổ chức tại Hà Nội, Bình Định, Nghệ An thu hút hàng chục nghìn hội viên, thanh niên và người dân tham dự Chương trình.
9. Chương trình “Nhà bán trú cho em” và “Trường đẹp cho em”
Chương trình với mục đích xây dựng các trường học mầm non, phổ thông đạt chuẩn, những nhà bán trú/nội trú cho học sinh vùng sâu, vùng xa theo hướng hiện đại hóa, kiên cố hóa góp phần hoàn thiện chủ trương Xã hội hóa giáo dục theo Đề án Phổ cập giáo dục Mầm non, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 2020 và Chiến lược phát triển giáo dục 2011- 2020. Chương trình đã tiến hành xây mới các điểm trường, nhà bán trú, cải thiện cơ sở vật chất, điều kiện học tập cho học sinh tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên cả nước, từ đó tạo điều kiện và động lực tốt nhất để học sinh tại các địa bàn khó khăn được học tập, ăn ở tập trung, hạn chế tối đa tình trạng bỏ học vì học sinh phải đi xa, không có lớp học.
Với sự quan tâm đồng hành của nhiều doanh nghiệp, cá nhân, cùng hàng vạn ngày công của Đoàn viên, Hội viên, thanh niên các cấp. 773 “Nhà bán trú cho em”, “Trường đẹp cho em” đã được xây dựng, trị giá hơn 400 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Chương trình đã lan tỏa mạnh mẽ đến nhiều tổ chức, đơn vị, câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện, từ đó các tổ chức, doanh nghiệp, câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện phát huy tinh thần tình nguyện vì cộng đồng, chủ động huy động nguồn lực, phối hợp với địa phương triển khai hàng nghìn điểm trường tại các địa bàn khó khăn.
10. Liên hoan “Câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện” toàn quốc
Liên hoan các “Câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện toàn quốc” do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam khởi xướng và triển khai, được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam với sự tham gia của 200 câu lạc bộ, đội, nhóm tiêu biểu được lựa chọn tham gia từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm kết nối, tập hợp các Câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện tiêu biểu trên cả nước; đồng thời tạo môi trường gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm của câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện; tập hợp các dự án, mô hình, sáng kiến tình nguyện đã và đang được triển khai hiệu quả trong cộng đồng, từ đó tiếp tục khuyến khích các Câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện phát huy các sáng kiến, mô hình tình nguyện góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hỗ trợ cộng đồng.
Tham dự Liên hoan, 200 thủ lĩnh tình nguyện tiêu biểu tham gia nhiều hoạt động: Chương trình Kết nối Câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện; tham gia 04 Diễn đàn “Tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng”, “Tình nguyện an sinh xã hội”, “Tình nguyện bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu”, “Kết nối Nguồn lực tình nguyện”; tham gia vào các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng: hiến máu tình nguyện tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, chương trình Mang âm nhạc đến bệnh viện tại Bệnh viện Việt Đức, thăm và tặng quà cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, đi bộ gây quỹ ủng hộ học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, trong khuôn khổ Liên hoan, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tuyên dương và trao bằng khen cho 20 Câu lạc bộ, đội, nhóm có thành tích xuất sắc trong hoạt động tình nguyện vì cộng đồng năm 2018.