Cuộc sống ngày càng phát triển, người trẻ đang đối diện với rất nhiều cám dỗ. Chính vì thế, việc tăng cường hiểu biết pháp luật cho thanh niên nên được quan tâm nhiều hơn nữa.
Dưới đây là bài viết của bạn Trần Duy Quân (Ủy viên Hội Liên hiệp Thanh niên TP.HCM) về vấn đề này.
Trần Duy Quân (Ủy viên Hội LH Thanh niên TP.HCM)
Nâng cao nguồn nhân lực khởi nghiệp chất lượng cao
Với vai trò là một cán bộ Hội, tôi rất quan tâm đến các giải pháp nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng “Thanh niên VN sáng tạo, khởi nghiệp”. Bản thân tôi cho rằng sinh viên chính là lớp thanh niên có tri thức, có kỹ năng, ham học hỏi và tràn đầy nhiệt huyết, đây cũng chính là nguồn nhân lực khởi nghiệp chất lượng cao. Do đó, tổ chức Hội nên triển khai các chương trình hỗ trợ, trang bị kiến thức về khởi nghiệp cho sinh viên ngay từ quá trình học tập tại giảng đường. Cũng cần liên kết, tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia, giảng viên, đồng thời kết nối sinh viên từ các lĩnh vực khác nhau sẽ tạo được nhiều đội nhóm khởi nghiệp toàn diện. Từ đó nâng cao chất lượng của các dự án khởi nghiệp và tăng tỷ lệ khởi nghiệp thành công.
Tôi còn quan tâm đến các mô hình giúp phát huy chất lượng trong các hoạt động tình nguyện. Ngoài việc duy trì các chương trình, chiến dịch tình nguyện truyền thống, cần xác lập các đề án dài hạn nhằm chăm lo cho các đối tượng thụ hưởng có hoàn cảnh đặc biệt một cách đều đặn và thường xuyên hơn. Ví dụ như đề án Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho 10.000 lượt người dân hay đề án “Chuyến xe tri thức” tập huấn sức khỏe thường thức và chuyên sâu cho 50.000 lượt hội viên, học sinh, sinh viên mà Hội Sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM đã và đang triển khai. Bên cạnh đó, cần sáng tạo những công trình mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tình nguyện, tình nguyện gắn liền với chuyên môn, xu hướng tình nguyện trong thời đại 4.0…
Đưa pháp luật đến gần hơn với thanh niên
Thanh niên với pháp luật theo tôi là một nội dung giải pháp vô cùng quan trọng hướng tới sự thành công của phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, đặc biệt trong bối cảnh thời gian gần đây, việc xây dựng dự thảo, thảo luận và thông qua các bộ luật, bổ sung luật tại Quốc hội ngày càng được xã hội mà trong đó có thanh niên rất quan tâm. Việc có nhiều hình thức tăng cường sự hiểu biết pháp luật của thanh niên là cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, tuyên truyền cần đi đôi với xu hướng tiếp cận thông tin của thanh niên, hình thức không nhất thiết phải đa dạng nhưng phải phù hợp, có sự điều chỉnh kịp thời với thị hiếu. Như vậy pháp luật mới thực sự đi vào đời sống thanh niên, là nền tảng, là công cụ và mục tiêu cho lòng yêu nước chân chính.
Cụ thể hơn, trong những năm qua hình thức cuộc thi trực tuyến, thu hút số lượng lớn thanh niên tham gia đã được triển khai và mang đến hiệu quả. Bên cạnh đó, theo tôi, nên đưa nội dung pháp luật vào các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, lồng ghép yếu tố giải trí để tăng cường tính đại chúng, gần gũi hơn với thanh niên nói chung. Ví dụ như chúng ta có thể có một bộ phim mà nhân vật chính là cán bộ tư pháp trẻ, cao trào, thắt nút xoay quanh các vấn đề pháp luật trực tiếp ảnh hưởng đến thanh niên. Nếu những sản phẩm đó được đầu tư bài bản về kịch bản, nội dung, diễn xuất chắc chắn sẽ mang đến cái nhìn khác về pháp luật trong thanh niên. Đây là những giải pháp đã được thực hiện rất hiệu quả ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Hàn Quốc…
Làm bạn với thanh niên
Qua công tác hoạt động tại địa phương mới thấy làm cùng thanh niên, sống cùng thanh niên, cùng suy nghĩ, cùng tâm tư, cùng nguyện vọng mới biết thanh niên hoạt động phong trào Hội tại địa phương. Để công tác hội không chỉ dừng ở mức độ là định hướng bằng văn bản, hay lý luận chính trị thô cứng mà cần phải bằng hành động cụ thể, bằng những cách sẻ chia và đồng cảm. Tổ chức Hội phải là một người bạn của thanh niên dù ở bất cứ nơi nào, giúp thanh niên hiểu tổ chức hội không chỉ đơn thuần là nơi vui chơi giải trí, mà là nhóm thanh niên có tâm trong trí sáng, có hoài bão, mang sức trẻ phục vụ cho quê hương đất nước.
Tạo môi trường mạng xã hội tích cực
Hiện nay mạng xã hội như là người bạn của thanh niên sử dụng, môi trường trong mạng xã hội với những tin tức tốt, chính thống, tích cực sẽ giúp thanh niên có nhận thức đúng đắn về những chủ trương, đường lối, cũng như là cách sống, ý thức của thanh niên. Chính vì vậy, để góp phần xây dựng một nhân cách đẹp, thanh niên tích cực cần phải đánh vào các môi trường ảnh hưởng đến thanh niên đó, đặc biệt là mạng xã hội chiếm một lượng lớn thời gian sử dụng của thanh niên hiện nay. Chính vì vậy, nên tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, lan tỏa những tin tức tốt đến mọi người xung quanh và ngược lại từ đó xây dựng một cộng đồng sống luôn tích cực với những tin tức tốt để giúp thanh niên phát triển hơn trong môi trường đó. Đừng để môi trường sống ảnh hưởng xấu đến thanh niên.