Huyện Tân Thạnh (tỉnh Long An) đã và đang tập trung nhiều nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, góp phần kết nối giao thương, phục vụ việc đi lại và sản xuất của người dân.
Khi người dân đồng thuận
Sinh thời, Bác Hồ từng dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.Thực hiện lời Bác dạy, huyện Tân Thạnh huy động sức mạnh tổng hợp từ nhân dân xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn. Theo đó, Ban Dân vận tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy chọn xã Nhơn Hòa tổ chức hoạt động Về nguồn với chủ đề “Về với cội nguồn, nghĩ đến trách nhiệm, về với nhân dân làm công tác xã hội, gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới”.
Phong trào “Dân vận khéo” đi vào cuộc sống góp phần xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn
Phó Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Hòa Nguyễn Văn Chính cho biết: “Nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành, nhất là tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, xã tổ chức hoạt động Về nguồn đạt và vượt kế hoạch, trong đó, trên lĩnh vực xây dựng cơ bản, xã xây dựng 9 công trình với tổng kinh phí trên 17,3 tỉ đồng (huyện 9,2 tỉ đồng, xã 615 triệu đồng, người dân đóng góp gần 7 tỉ đồng, vận động mạnh thường quân 550 triệu đồng). Qua đó, bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống người dân được nâng lên”.
Ông Trương Văn Bắc, ngụ ấp Hải Hưng, cho biết: “Khi biết được thông tin những tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn sẽ được bêtông hóa, người dân chúng tôi mừng lắm, vì điều kiện đi lại thuận tiện, nông sản làm ra bán được giá. Do đó, gia đình tôi không chỉ hiến đất, ngày công mà còn vận động người dân xung quanh chung tay xây dựng kết cấu
hạ tầng giao thông nông thôn”.
Trong xây dựng xã nông thôn mới, giao thông là một trong những tiêu chí khó bởi cần nguồn vốn lớn. Vì vậy, để hoàn thành tiêu chí này, xã Hậu Thạnh Tây phát huy sức mạnh tập thể. Bí thư Đảng ủy xã Hậu Thạnh Tây - Nguyễn Văn Thương cho biết: “Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, năm 2018, xã vận động người dân ấp Phước Cường hiến đất làm nền hạ đường kênh lô 300, 600 và đường bờ Tây Biện Minh cũ, bờ Đông Biện Minh cũ, trị giá 3,4 tỉ đồng; vận động người dân ấp Ngọc Ân, Thanh An, Phước Cường hiến đất làm nền hạ đường bờ Tây Biện Minh mới, trị giá 2,3 tỉ đồng,... Qua đó, góp phần giúp xã cơ bản hoàn thành tiêu chí về giao thông”.
Nông thôn khởi sắc
Trước đây, việc đi lại của người dân xã Tân Bình gặp nhiều khó khăn do địa phương có hệ thống sông ngòi chằng chịt, đường, cầu giao thông nông thôn chưa được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, đường, cầu giao thông nông thôn trên địa bàn xã được đầu tư xây dựng rộng rãi, kiên cố. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình Nguyễn Văn Tươi chia sẻ: “Ngoài vận động người dân đóng góp làm đường giao thông nông thôn, xã còn vận động mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí xây dựng cầu. Kết quả, từ năm 2016 đến 2018, xã xây dựng được 5 cây cầu bêtông với tổng trị giá gần 1,3 tỉ đồng, trong đó mạnh thường quân hỗ trợ 900 triệu đồng; xây dựng 6 cây cầu bán kiên cố, với kinh phí trên 170 triệu đồng,...”.
Ông Hồ Ngọc Đại, ngụ ấp Cà Nhíp, xã Tân Bình, cảm thấy phấn khởi khi quê hương khởi sắc. Ông Đại chia sẻ: “Trước đây, người dân đi lại khó khăn vì trên địa bàn có nhiều tuyến đường “nắng bụi, mưa lầy”. Lúc đó, chúng tôi mong ước đường, cầu được đầu tư xây dựng khang trang để đi lại thuận tiện. Giờ đây, mơ ước của người dân cơ bản được hoàn thành nên chúng tôi rất mừng”.
Hiện nay, huyện Tân Thạnh có bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Đạt kết quả trên là nhờ phong trào “Dân vận khéo” đi vào cuộc sống. Trưởng ban Dân vận Huyện ủy - Lê Thanh Đông cho biết: “Xác định kết cấu hệ thống giao thông nông thôn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương, Ban Dân vận Huyện ủy luôn đẩy mạnh phong trào “Dân vận khéo” trong xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới. Kết quả phát triển giao thông nông thôn thời gian qua đã làm thay đổi rõ nét về diện mạo bộ mặt nông thôn, rút ngắn được khoảng cách giàu nghèo, chất lượng sống giữa nông thôn và thành thị”./.