Bác Hồ với Ngành GTVT Việt Nam

Thứ sáu, 15/05/2020 13:34
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”. Câu nói giản dị của Bác không chỉ nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của ngành Giao thông vận tải (GTVT) trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn là lời nhắc nhở nhiệm vụ đối với những người làm công tác giao thông vận tải trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Ngay từ những ngày chưa giành được chính quyền, Nguyễn Ái Quốc đã có bài thơ “Phu làm đường: Dãi gió, dầm mưa chẳng nghỉ ngơi/Phu đường vất vả lắm ai ơi/Ngựa xe, hành khách thường qua lại/Biết cảm ơn anh được mấy người?” (Bản dịch của Nam Trân)[1]. Bài thơ là sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc tình cảm của Người với những người làm giao thông trong những năm tháng đất nước còn nô lệ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm công trình xây dựng cầu Việt Trì, Tháng 2/1956

Năm 1946 ngay sau khi mới thành lập nước, ngay trong bài “Công việc khẩn cấp bây giờ”, viết ngày 5/11/1946, Bác Hồ đã xác định: ““Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”[2]. Năm 1947, trong “Thư gửi các đồng chí Trung Bộ”, tư tưởng này được Người khẳng định lại.

Người căn dặn “Cầu đường là mạch máu của một nước... Cầu đường tốt thì nhiều việc dễ dàng và thuận lợi hơn. Vì vậy, làm cầu đường cũng như một chiến dịch. Người làm cầu đường cũng như là chiến sỹ”[3] và “Trong thiết kế phải đồng bộ đường sá, hệ thống thoát nước, lưới điện... tránh cản trở sự đi lại của nhân dân. Phải có quy hoạch trước, tránh làm rồi lại phá đi".

Sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự nghiệp phát triển giao thông vận tải nói chung và cầu đường nói riêng. Ngày 16/9/1953 Bác Hồ gửi Thư cho Hội nghị cán bộ Giao thông công chính; trong Thư, Bác động viên: “Năm nay công tác giao thông vận tải, nhất là công tác sửa chữa cầu đường rất là quan trọng. Đường sá thông thì mọi việc đều dễ dàng” [4]. Đây là thời điểm toàn quân, toàn dân ta bước vào cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 – 1954: Chiến dịch Thượng Lào, Chiến dịch Biên Giới và chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên phủ.

Bác Hồ không quên gửi thư động viên và dành những tình cảm đặc biệt đối với những cán bộ, công nhân viên ngành Cầu đường tiêu biểu như anh Nguyễn Văn Thường ở Xí nghiệp Cầu 2 (nay là Công ty cổ phần Cầu 12), thậm chí các tấm gương quần chúng như bà cụ Năm (Cao Bằng) dù 83 tuổi vẫn xung phong sửa đường. Trong Thư gửi cán bộ và dân công cầu đường, tháng 4/1954, Bác viết: “Năm nay ta phải làm nhiều cầu đường hơn nữa. Anh chị em dân công và cán bộ phải ra sức học tập kinh nghiệm; hăng hái thi đua, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, tăng năng suất để hoàn thành công tác. Đó là thiết thực góp phần vào hai nhiệm vụ trung tâm đánh giặc và cải cách ruộng đất. Đặc biệt các cô, các chú phải kiên quyết chống lãng phí”[5].

Ngày 24/3/1968 trong bài nói chuyện tại Đại hội thi đua bảo đảm GTVT quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Bác Hồ nói: “Giao thông vận tải có nhiều ngành. Có ngành thủy, bộ, có xe, có cầu, có phà...Các cô các chú phải thi đua với nhau. Thi đua làm cho giao thông: một là, thông suốt, hai là an toàn, ba là liên tục. Phải nhằm vào ba cái đó mà thi đua”[6].

Ngày 27/01/1969 trong “Thư khen Đội thanh niên xung phong số 333” – Thanh niên xung phong Nghệ An, Bác viết “Suốt 4 năm nay Đội Thanh niên xung phong số 333 nhận nhiệm vụ làm đường, sửa cầu ở một số nơi địch thường đánh phá ác liệt, có nhiều khó khăn gian khổ. Đội gồm phần lớn các cháu gái đã dũng cảm chiến đấu, tích cực lao động, có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, bảo đảm cầu đường được thông suốt hơn”. Sau khi khen ngợi, Bác Hồ dặn dò: “Bác nhắc nhở các cháu:

- Phải nêu cao ý chí chiến đấu, tinh thần cảnh giác cách mạng, cùng quân, dân ta quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược.

- Luôn luôn đoàn kết, ra sức học tập chính trị, kỹ thuật, văn hóa để ngày càng tiến bộ.

- Đem hết nhiệt tình, tài năng của tuổi trẻ cống hiến thật nhiều cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Thực hiện những di huấn của Bác Hồ, trong lịch sử 70 năm (1945 – 2015) hình thành, phát triển và trưởng thành, lớp lớp thế hệ cán bộ, công nhân, lao động ngành GTVT Việt Nam, trong đó có Cầu đường Việt Nam đã luôn theo lời chỉ dạy của Bác Hồ, luôn nỗ lực phấn đấu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Chúng ta không thể nào quên được hình ảnh những công nhân mở đường phục vụ các chiến dịch tiến tới chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Tuy không được đầu tư nhiều về tài chính, các công cụ làm đường còn rất thô sơ, không thiếu thốn nhưng sức dân, sự đoàn kết và dũng cảm của toàn quân, toàn dân đã mở ra những kỳ tích của ngành Giao thông vận tải. Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, ngành Cầu đường đã hy sinh xương máu “Sống bám cầu, bám đường; chết kiên cường [7]. dũng cảm”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, ngành Cầu đường Việt Nam đã lập nên những kỳ tích huy hoàng, đã đi đầu trong cuộc kháng chiến với tất cả những con đường có thể mở được, từ đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ, đường Hồ Chí Minh trên biển, nhất là trong việc vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí cho chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào chiến thắng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ oanh liệt, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975.

Dù trong hoàn cảnh nào cán bộ công nhân viên ngành Cầu đường Việt Nam cũng luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vượt lên mọi gian khổ, hy sinh, cả đơn vị kết thành ý chí sắt đá, với tinh thần “địch phá ta sửa ta đi” và cao hơn nữa là “địch phá ta cứ đi” Dù trong hoàn cảnh nào cán bộ để đảm bảo cho mạch máu giao thông thông suốt, an toàn; bảo vệ các cuộc hành quân, trú quân của bộ đội; cứu người và tài sản của Nhà nước và nhân dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, hiệp đồng chiến đấu với các lực lượng và nhân dân trên địa bàn đảm bảo cho giao thông thông suốt.

Nhớ câu nói của Bác về ngành Cầu đường, chúng ta không thể không nhớ đến những anh hùng, liệt sỹ, những tấm gương đã dũng cảm hy sinh để bảo vệ những con đường ra tiền tuyến. “Tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc”, “Sống bám cầu, bám đường; chết kiên cường dũng cảm”, không quản hy sinh gian khổ cho những chuyến hàng chi viện miền Nam đánh thắng giặc Mỹ: các Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Kim Huế, Nguyễn Tri Ân, La Thị Tám, Nguyễn Thị Bằng; các Liệt sỹ Lê Viết Lân, Hoàng Lộc, 10 nữ liệt sỹ TNXP Đồng Lộc, 13 liệt sỹ Truông Bồn và 668 cán bộ, chiến sỹ, công nhân, đội viên thanh niên xung phong Cục Công trình đã hy sinh anh dũng trên mặt trận GTVT tuyến lửa khu 4 anh hùng...Các anh các chị đã cống hiến cả tuổi xuân với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Tên tuổi và sự nghiệp của họ tô đẹp thêm truyền thống anh hùng của ngành GTVT Việt Nam và mãi mãi đi vào lịch sử như một bản hùng ca để cho thế hệ hôm nay và mai sau tưởng nhớ về một thời oanh liệt, đầy đau thương, nhưng không bao giờ quên.

75 năm qua, lớp lớp thế hệ cán bộ, công nhân ngành Cầu đường Việt Nam đã luôn theo lời chỉ dạy của Bác Hồ, đi khắp mọi miền đất nước làm nên hệ thống cầu – đường hiện đại....góp phần quan trọng vào sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa để cho nước Việt Nam: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh ■

Theo Tạp chí Cầu Đường

[1] http://www.bqllang.gov.vn/chu- tich-ho-chi-minh/tac-pham/1194- nh-t-ky-trong-tu-h-chi-minh-vi- t-b-ng-ch-han-nam-1942-1943. html?showall=&start=3

[2] Hồ Chí Minh, toàn tập, NXB Sự Thật, Hà Nội n.1984, t4, tr.179

[3] Tư tưởng HCM về GTVT, NXB Giao thông vận tải, n.2003, tr.49

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Sự Thật, Hà Nội 1985, tr.463

[5] Tư tưởng HCM về GTVT, NXB Giao thông vận tải, Hà Nội 2003, tr.53-54.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Sự Thật, Hà Nội n.1989, t.10, tr.319.

[7] Tư tưởng HCM về GTVT, NXB Giao thông vận tải, Hà Nội 2003, tr.95-96.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)