“Từ ngày mới ra đời, Đảng ta liền giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân ta tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc, xé tan cái màn đen tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi trong cuộc cách mạng phản đế, phản phong”
Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu)
Đây là lời phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2/1930 - 3/2/1960. Kết thúc bài phát biểu, Người xúc cảm viết:
“Ðảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao, Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình. Ðảng ta là đạo đức, là văn minh, Là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no. Công ơn Ðảng thật là to, Ba mươi năm lịch sử Ðảng là cả một pho lịch sử bằng vàng” (2).
Ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân, phong trào yêu nước Việt Nam; khẳng định những đóng góp to lớn, vĩnh cửu đối với cách mạng dân tộc; khẳng định vai trò vĩ đại của Người thanh niên yêu nước chân chính, tài ba, lỗi lạc - Nguyễn Tất Thành.
Thời kỳ đó, dân tộc Việt Nam đang trong cảnh lầm than, đen tối; xã hội Việt Nam là xã hội phong kiến lạc hậu với hai giai cấp cơ bản (giai cấp địa chủ phong kiến và giai cấp nông dân); với nền kinh tế sản xuất tiểu nông, cơ sở kinh tế, dịch vụ chưa phát triển. Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược, đặt ách thống trị trên đất nước ta. Việt Nam trở thành một xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc nô, Tổ quốc bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác. Mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược và chế độ thuộc địa ngày một gay gắt, trở thành mâu thuẫn vừa cơ bản, vừa chủ yếu.
Phong trào yêu nước của nhân dân ta chống thực dân Pháp diễn ra liên tục và sôi nổi trên khắp cả nước, nhưng do thiếu đường lối chính trị đúng đắn, tổ chức phong trào chưa chặt chẽ, không có cơ sở rộng rãi và vững chắc trong quần chúng. Nên, các phong trào yêu nước bị thực dân Pháp đàn áp dã man. Dù không thành công nhưng các phong trào đã làm thức tỉnh, cổ vũ truyền thống yêu nước, chí căm thù giặc Pháp của nhân dân ta, đã gây tiếng vang trên thế giới và thúc đẩy phong trào cách mạng Việt Nam tiếp tục đi lên. Những thất bại đó dẫn đến sự khủng hoảng và bế tắc đường lối cứu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, cách mạng Việt Nam đòi hỏi phải có một lực lượng lãnh đạo tiên tiến, cùng với lý luận đúng đắn mới đi tới thành công.
Cùng lúc này, xã hội Việt Nam bắt đầu xuất hiện giai cấp công nhân từ hai cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp; đa số họ xuất thân từ giai cấp nông dân, có quan hệ trực tiếp và chặt chẽ với giai cấp nông dân; bị đế quốc, phong kiến áp bức bóc lột đến cùng cực; họ có lòng yêu nước, căm thù đế quốc, thực dân; có khả năng tiếp thu những tư tưởng tiến bộ từ bên ngoài… Việc ra đời, phát triển, trưởng thành của giai cấp công nhân Việt Nam giai đoạn này đã khẳng định ý nghĩa và tầm vóc của lực lượng chính trị độc lập, có đủ khả năng, năng lực lãnh đạo toàn dân hoàn thành sứ mệnh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và xây dựng xã hội mới xã hội chủ nghĩa. Vì, giai cấp công nhân Việt Nam có đầy đủ đặc điểm của giai cấp công nhân hiện đại, mang trên mình sứ mệnh lịch sử của thời đại. Nhưng để hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, giai cấp công nhân Việt Nam cần phải được tổ chức, được vũ trang về tư tưởng lý luận và phải có đội tiên phong lãnh đạo.
Nguyễn Tất Thành - Người thanh niên Việt Nam yêu nước chân chính, mãnh liệt bằng dự cảm chính trị thiên tài, suy nghĩa táo bạo, trí tuệ minh mẫn đã nhận thấy những hạn chế, bế tắc về mục tiêu, phương pháp cách mạng của các nhà yêu nước đương thời; bằng những bài học lịch sử và khảo nghiệm trong thực tiễn, Nguyễn Tất Thành quyết định phải tìm con đường khác, con đường mới; phải đi ra nước ngoài theo một hướng khác - hướng ngay trong lòng xã hội nước Pháp. Đây là quyết định quan trọng mở ra chặng đường 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước của Người.
Ngày 5 tháng 6 năm 1911, trên con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin (Amiral Latouche Tréville) của hãng Năm sao, từ bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (bí danh Văn Ba) rời Tổ quốc bắt đầu cuộc hành trình lịch sử đi tìm đường cứu nước. Hành trang của Người chỉ có lòng yêu nước thiết tha, cùng với sự hấp dẫn của tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái và quyết tâm cháy bỏng “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đây là tất cả những điều tôi hiểu”.
Trong những năm ở Mỹ, ở Pháp, Người dành nhiều thời gian tìm hiểu về các cuộc cách mạng nổi tiếng thế giới: cách mạng Mỹ (1776) với bản “Tuyên ngôn Độc lập” và cách mạng tư sản Pháp (1789) với bản “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền”.Người rất khâm phục tinh thần cách mạng ở những nước này, nhưng không thể đi theo con đường của họ. Bởi vì, “Kách mệnh Mỹ cũng như kách mệnh Pháp là kách mệnh tư bản, kách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước đoạt công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa” (3). Bằng nhãn quan chính trị sắc sảo, tư duy tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt trên các nhà yêu nước tiền bối. Người đã không lựa chọn con đường cách mạng tư sản, bởi theo Người, đó là những cuộc cách mạng “không đến nơi”, không triệt để vì nó không hề đề cập đến vấn đề giải phóng mọi tầng lớp nhân dân lao động khỏi sự áp bức, bóc lột, bất công.
Đầu năm 1913, tại Anh, Nguyễn Tất Thành tham dự những cuộc diễn thuyết ngoài trời của nhiều nhà chính trị và triết học, tham gia Hội những người lao động hải ngoại, ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân Airơlen. Cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại Pháp lấy tên là Nguyễn Ái Quốc. Đây là dịp để Người tìm hiểu sâu về cách mạng tư sản Pháp, về công xã Pari (năm 1871) và về cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức lại Hội những người Việt Nam yêu nước trên đất Pháp; hoạt động trong phong trào công nhân Pháp và tham gia Đảng xã hội Pháp. Với tinh thần học tập không biết mệt mỏi và ý chí phấn đấu kiên cường vượt qua những thử thách của cảnh nghèo túng, thiếu thốn trên đất Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã tiến những bước dài trong quá trình tìm đường cứu nước - tìm đến đỉnh cao của trí tuệ thời đại là Chủ nghĩa Mác - Lênin.
Từ năm 1911 - 1920, Nguyễn Ái Quốc đã đi qua hàng chục quốc gia, từ các nước tư bản phát triển đến các nước thuộc địa ở châu Phi, châu Mỹ La-tinh. Người vừa phải tìm việc làm để kiếm sống, vừa tự học tập và tìm hiểu tình hình chính trị - xã hội của nước sở tại, các nước tư bản chủ nghĩa khác, tham gia hoạt động yêu nước ở nước ngoài. Người hiểu thấu bản chất của chủ nghĩa thực dân, đế quốc và rút ra những nhận xét rất sâu sắc: Ở đâu, chủ nghĩa tư bản cũng tàn ác vô nhân đạo, ở đâu, giai cấp công nhân và nhân dân lao động cũng bị bóc lột dã man. Vì thế, chủ nghĩa đế quốc ở đâu cũng là thù, giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở đâu cũng là bạn. Người viết: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản” (4). Từ kết luận này đã đặt cơ sở cho phát triển quan điểm đúng đắn của Nguyễn Ái Quốc về bạn, thù và sớm hình thành tư tưởng kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, về sự đoàn kết cách mạng ở chính quốc với cách mạng thuộc địa.
Trên hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đọc được bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin đăng trên báo Nhân đạo ngày 16 và 17/7/1920 là dấu ấn, bước ngoặt quan trọng, quyết định trong tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc về con đường giải phóng dân tộc. Người nhận định: “Bản Luận cương có những chữ chính trị khó hiểu nhưng đọc đi đọc lại nhiều lần thì tôi hiểu được phần chính” (5), sau khi nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng, Nguyễn Ái Quốc xác định con đường giải phóng dân tộc là con đường cách mạng vô sản, con đường độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Lý tưởng cao cả của chủ nghĩa cộng sản, của chủ nghĩa Mác - Lênin đã tiếp thêm sức mạnh, trở thành nền tảng lý luận để Người vận dung, sáng tạo và phát triển trong điều kiện Việt Nam, biến giấc mơ của hàng triệu người Việt Nam mong muốn được tự do, được độc lập thành hiện thực.
Sau khi tiếp thu những tư tưởng cơ bản của V.I.Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu nghiên cứu sâu về chủ nghĩa Mác - Lênin, cách mạng tháng Mười Nga và tiến hành hàng loạt các hoạt động nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam.
Tháng 4/1921, tờ La Revue Communiste (Tạp chí Cộng sản) đăng bài “Đông Dương” đánh dấu điểm bắt đầu truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc. Từ năm 1921 đến tháng 2/1923 Nguyễn Ái Quốc viết trên 20 bài đăng trên các báo L’Humanité và La vie ouvrière, đây là hai tờ báo có ảnh hưởng lớn trong tầng lớp công nhân, người lao động Pháp và đặc biệt là có ảnh hưởng đối với các nước hải ngoại. Và với vai trò là chủ bút báo Le Paria (Người cùng khổ), Nguyễn Ái Quốc đã có gần 40 bài viết, nhằm làm chuyển biến nhận thức của quần chúng, đặc biệt là giai cấp công nhân, làm cho hệ tư tưởng Mác - Lênin từng bước chiếm ưu thế trong đời sống xã hội, làm chuyển biến mạnh mẽ phong trào yêu nước xích dần đến lập trường của giai cấp công nhân. Nguyễn Ái Quốc soạn thảo những bài viết, bài giảng để tuyên truyền với lời văn giản dị, nội dung thiết thực vạch trần bản chất xấu xa, tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân thuộc địa và nhân dân Việt Nam; nêu lên mối quan hệ giữa cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc; làm thức tỉnh nhân dân và định hướng hành động cách mạng theo chủ nghĩa Mác - Lênin.
Việc đưa báo về nước là vô cùng khó khăn, con đường công khai luôn bị thực dân Pháp kiểm duyệt gắt gao, vì vậy Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức một đường dây bí mật thông qua những thủy thủ yêu nước, làm việc trên tuyến đường vận tải biển Pháp - Đông Dương. Qua đường dây này các tờ báo và các tài liệu, truyền đơn được bí mật đưa về Sài Gòn, Hải Phòng chuyển tới các cơ sở cách mạng và các trí thức yêu nước, các sinh viên tiến bộ. Thời kỳ Nguyễn Ái Quốc hoạt động cách mạng tại Quảng Châu, để tránh sự phát hiện của thực dân, các tài liệu được chuyển theo đường vòng về nước, từ Quảng Châu đi Matxcơva rồi sang Paris và quay lại Việt Nam hoặc có thể từ Quảng Châu chuyển trực tiếp về Việt Nam. Những bài báo, tài liệu có giá trị cho cách mạng, đáp ứng được mong mỏi của các tầng lớp nhân dân ở trong nước của Nguyễn Ái Quốc được chép lại rồi truyền cho nhau xem và bình luận.
Bằng những hoạt động tích cực, Nguyễn Ái Quốc đã gây ảnh hưởng nhất định trong phong trào cộng sản ở Pháp, cũng như ở trong nước; truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam một cách thường xuyên, có hệ thống; là sự mở đầu quan trọng nhằm khơi dậy tinh thần cách mạng của nhân dân theo tư tưởng, quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin. Người chỉ rõ: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải lấy dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền; phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin” (6).
Nhằm tuyên truyền và phác thảo những vấn đề cơ bản về đường lối cứu nước của cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc xuất bản hai tác phẩm mang tầm vóc tư tưởng lớn, đó là: “Trung Quốc và thanh niên Trung Quốc” (7) và cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” (8), đặc biệt, tập bài giảng của Người (sau này tập hợp trở thành tác phẩm “Đường Cách mệnh” (9)) với nội dung tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân nói chung và thực dân Pháp nói riêng đối với nhân dân các nước thuộc địa và nhân dân Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc nêu ra những vấn đề mới như: cách mạng giải phóng các dân tộc thuộc địa là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng vô sản thế giới; chỉ có giai cấp công nhân là giai cấp độc nhất, duy nhất có sứ mệnh lịch sử là lãnh đạo cách mạng đến thắng lợi cuối cùng; thông tin về tổ chức Quốc tế cộng sản - một tổ chức chính trị quốc tế bênh vực quyền lợi của các dân tộc thuộc địa. Đối với cách mạng Việt Nam, Người khẳng định: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chủ yếu là công nông, vì vậy phải tổ chức quần chúng lại; cách mạng muốn thành công phải có một Đảng Cộng sản lãnh đạo, phải có đường lối và phương pháp cách mạng đúng; cách mạng giải phóng dân tộc phải liên hệ chặt chẽ với cách mạng vô sản thế giới…
Bên cạnh đó, tại các diễn đàn quốc tế: Đại hội I Quốc tế Nông dân (10), Đại hội V Quốc tế Cộng sản (11), Đại hội III Quốc tế Công hội đỏ (12), Đại hội IV Quốc tế Thanh niên…, Nguyễn Ái Quốc đã nói lên tiếng nói của nhân dân thuộc địa, bảo vệ luận điểm đúng đắn của V.I.Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, tuyên truyền những tư tưởng cách mạng trên lập trường mácxít. Giai đoạn này, việc tiếp thu và truyền bá tư tưởng cách mạng theo chủ nghĩa Mác - Lênin của Nguyễn Ái Quốc được mở rộng cả về chiều sâu và chiều rộng. Những tài liệu gửi về nước đã có ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhiều tầng lớp nhân dân đặc biệt là tầng lớp trí thức, thúc đẩy các phong trào yêu nước lan rộng trong cả nước, dần hòa cùng phong trào cộng sản thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc báo Nhân Dân tại Chiến khu Việt Bắc. Ảnh: Tư liệu
Cùng với việc chuẩn bị về công tác tư tưởng, công tác chính trị cho thành lập chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc còn dày công chuẩn bị về mặt tổ chức. Người trực tiếp tổ chức các khóa huấn luyện, đào tạo cán bộ ở Quảng Châu (Trung Quốc) tiến tới thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vào tháng 6/1925 để đưa cán bộ về nước chuẩn bị lực lượng và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin cho đông đảo quần chúng nhân dân. Ngoài ra, Nguyễn Ái Quốc còn lựa chọn một số thanh niên gửi đi học ở trường quân sự Hoàng Phố và trường chính trị Phương Đông để xây dựng lực lượng cán bộ cốt cán cho Đảng sau này. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là tổ chức tiền thân có tính chất quá độ, vừa tầm, thích hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam bấy giờ; giúp cho những người Việt Nam yêu nước xuất thân từ các thành phần, tầng lớp khác nhau dễ tiếp thu tư tưởng cách mạng; rèn luyện, giác ngộ lớp thanh niên yêu nước về lập trường giai cấp; thúc đẩy phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát triển mạnh mẽ; giác ngộ và tổ chức họ đấu tranh cách mạng một cách tự giác...
Việc xây dựng được một hệ thống tổ chức và phong trào cách mạng trên cả nước; khơi dậy tinh thần sục sôi, hoài bão cách mạng trong những thanh niên yêu nước; và đưa phong trào “vô sản hóa” vào sâu các cuộc đấu tranh, truyền bá lý luận Mác - Lênin và đường lối cách mạng đúng đắn trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã phản ánh tư duy sáng tạo và thành công của Nguyễn Ái Quốc trong công tác chuẩn bị về mặt chính trị, tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng là điều kiện chín muồi, hợp quy luật cho sự ra đời tổ chức cộng sản đầu tiên ở Việt Nam./.