Ban Tuyên giáo Trung ương vừa ban hành Hướng dẫn số 24-HD/BTGTW đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế- xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Ảnh TTXVN
Tập trung vào 8 nội dung tuyên truyền trọng tâm
Mục đích nhằm tuyên truyền, quán triệt sâu rộng, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các giải pháp của cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước năm 2021, tạo đà thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong những năm tiếp theo.
Hướng dẫn nêu rõ 8 nội dung trọng tâm cần tập trung tuyên truyền đó là: tuyên truyền, quán triệt tư tưởng, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước: “Chống dịch như chống giặc”, “kiên định thực hiện mục tiêu kép phòng, chống dịch hiệu quả đồng thời phát triển kinh tế, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe Nhân dân”; khẳng định những thành tựu đạt được của đất nước trên các lĩnh vực thời gian qua trong bối cảnh khó khăn, cả thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19; khẳng định công tác phòng, chống dịch của Việt Nam đang đi đúng hướng và đã đạt được một số kết quả bước đầu rất quan trọng.
Tập trung phân tích, lý giải sâu sắc, cụ thể chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, của cán bộ, đảng viên và các tàng lớp Nhân dân đối với công tác phòng, chống dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội.
Tuyên truyền, phản ánh kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, của các ban, bộ, ngành và cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp; đồng thời tuyên truyền, cập nhật các chính sách mới của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân trong tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vấn đề an sinh, an toàn xã hội, bảo đảm đời sống và sức khỏe Nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội đất nước sau những tác động tiêu cực của đại dịch.
Tiếp tục tuyên truyền Chỉ thị 15, 16, 19 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch nhưng với từng vùng, từng địa bàn, đặc điểm dân cư.
Tăng cường tuyên truyền các chỉ dẫn của Bộ Y tế và kiến thức khoa học về phòng, chống dịch Covid-19, nhất là các kỹ năng cần thiết và ý thức, trách nhiệm với bản thân, cộng đồng, xã hội để người dân tự phòng tránh khi phải cách ly hoặc chữa trị tại nhà; động viên Nhân dân chủ động, tích cực, tự giác thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Tuyên truyền, giải thích “Tiêm vắc xin phòng Covid-19 là quyền lợi đối với cá nhân, là trách nhiệm đối với cộng đồng”; “vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất”; thực hiện bao phủ vắc xin Covid-19 cho toàn dân là mục tiêu, là biện pháp nhằm sớm đẩy lùi và hạn chế sự lây lan của đại dịch.
Tuyên truyền, khích lệ tinh thần chủ động, trách nhiệm, tận tụy hết mình của các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị chức năng, đặc biệt là lực lượng y tế, quân đội, công an và đội ngũ cán bộ ở cơ sở nơi tuyến đầu chống dịch; biểu dương gương “người tốt”, “việc tốt”, những hành vi và nghĩa cử nhân văn, cao đẹp trong xã hội.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam; thể hiện sâu sắc bản chất tốt đẹp, nhân văn, tất cà vì Nhân dân của Nhà nước, của chế độ; thể hiện tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; lòng nhân ái, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm đẩy lùi đại dịch, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của con người Việt Nam; đồng thời thể hiện tình cảm trân quý đổi với sự hợp tác, hỗ trợ tích cực của bạn bè quốc tế đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19 của nước ta.
Chủ động đấu tranh, phản bác kịp thời với những thông tin giả, tin xấu độc ảnh hưởng tiêu cực đến công cuộc phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Lên án mạnh mẽ những hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi cá nhân, như: đầu cơ, “thổi giá” hàng hóa; làm giả giấy đi đường, giấy chứng nhận tiêm chủng; vi phạm quy định về thực hiện giãn cách xã hội; che giấu thông tin về các trường hợp có dấu hiệu nhiễm bệnh...
Các hình thức, biện pháp tuyên truyền chủ yếu
Theo Hướng dẫn, hình thức, biện pháp tuyên tuyền chủ yếu là: tuyên truyền trên báo chí, trên nền tảng số, internet, cổng/trang thông tin điện tử các ban, bộ, ngành, địa phương và mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube...) bằng hình thức livestream, video, clip, banner ảnh, infographics, biểu ngữ cổ động, tin nhắn...
Tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh cơ sở, đội truyền thông lưu động, loa tay, thông qua hội nghị, sinh hoạt chính trị - xã hội; chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở để tuyên truyền phòng, chống dịch sâu sát, cụ thể, “đi từng ngõ, gõ từng nhà”; nhắc nhở, vận động người dân vừa tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, vừa tăng gia lao động, sản xuất, kinh doanh với tinh thần như thời chiến “vừa sản xuất, vừa chiến đấu”.
Tuyên truyền, thông tin, cổ động trên các phương tiện trực quan: băng - rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích, phim, ảnh, triển lãm... trên các trục đường chính, chợ dân sinh, siêu thị, bệnh viện, tổ dân phố, khu chung cư, khu lao động, khu công nghiệp, chế xuất... tuyên truyền thông qua các hoạt động văn hóa - văn nghệ.
Tổ chức tuyên truyền trên các ấn phẩm sách, tài liệu, tờ rơi, tờ gấp... Tuyên truyền thông qua các tọa đàm, hội thảo khoa học, các cuộc gặp gỡ, giao lưu...
Xuân Nguyên