Ngày 25/10/2021, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, trong đó có nhiều điểm mới so với Quy định 47-QĐ/TW ngày 1/11/2011.
Hồ Chủ tịch nói chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần II, tháng 2/1951 (Ảnh tư liệu).
Một trong điểm mới là Đảng làm rõ và bổ sung thêm biểu hiện căn bệnh quan liêu ở Điều 3: “Thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”. Có thể nói, đó là sự bổ sung xác đáng từ nhận thức sâu sắc về thực trạng và tác hại của căn bệnh quan liêu, xa dân, vô cảm với dân đã tồn tại dai dẳng, thậm chí có mặt diễn biến phức tạp hơn trong đội ngũ cán bộ, đảng viên - căn bệnh mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: bệnh quan liêu, xa dân là nguy cơ lớn nhất của đảng cầm quyền.
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ QUAN QUAN LIÊU, VÔ CẢM VỚI NHÂN DÂN
Hồ Chí Minh khẳng định “bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”. Cán bộ, đảng viên đặc biệt là những người lãnh đạo nào mắc phải bệnh này thì “có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững”. Bệnh quan liêu không chỉ là sự sai lầm về tác phong, phương pháp công tác mà xét về bản chất là sự tha hóa quyền lực của cơ quan công quyền, là hệ quả của sự suy thoái lập trường tư tưởng, chính trị, đạo đức cách mạng.
Hồ Chí Minh chỉ ra những biểu hiện cụ thể của bệnh quan liêu: chỉ đạo xa rời thực tế, xa quần chúng; áp dụng phương pháp mệnh lệnh hành chính; chỉ biết hô hào khẩu hiệu chỉ thị, xem báo cáo, làm việc qua loa; lời nói không đi đôi với việc làm; chủ quan, tự mãn, coi thường quần chúng… Cán bộ, đảng viên mắc bệnh quan liêu “Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối "quan" chủ. Miệng thì nói "phụng sự quần chúng", nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ”.
Quan liêu, xa rời, không yêu thương nhân dân tất yếu dẫn đến và làm cho căn bệnh vô cảm trước nhân dân của cán bộ, đảng viên càng ngày càng trầm trọng. Người nhiều lần phê phán thái độ thờ ơ, tắc trách, thiếu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi quyền lợi chính đáng của nhân dân, thấy việc có lợi cho dân không dám làm, việc có hại cho dân vẫn làm ngơ, không giải quyết hoặc đùn đẩy trách nhiệm. Bên cạnh đó, là khuynh hướng lãnh đạo cứng nhắc, trì trệ, thụ động; bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, gây phiền phức, nhũng nhiễu dân chúng. Với những cán bộ, đảng viên mắc bệnh vô cảm, họ thờ ơ với việc chung, “chỉ biết lo cho mình, không quan tâm đến nhân dân, đến đồng chí”, “không phê bình, không tự phê bình”, “sao cũng mặc kệ, sao cho xong chuyện thì thôi”. Đó là sự “ươn hèn yếu ớt” trước sai lầm, khuyết điểm của Đảng và Người gọi đó là “bọn thứ ba” mà hậu quả tai hại dẫn đến “để cho bọn vu vơ có thể chui vào hoạt động trong Đảng. Nó để cho khuyết điểm ngày càng chồng chất lại và phát triển ra”. Nguy hại nhất của tệ quan liêu, bệnh vô cảm “đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí”; là “nguồn gốc của nạn tham ô, lãng phí”.
Với tác hại to lớn như vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên “Ai không mắc bệnh quan liêu thì phải giữ gìn, tránh nó. Ai đã mắc bệnh ấy, thì phải cố gắng mà chữa cho khỏi đi, cho xứng đáng là người cán bộ cách mạng, chớ để bị đào thải”. Để chữa bệnh, Người đã kê ra một “đơn thuốc” với “cách chữa bệnh ấy gồm có một nguyên tắc là: Theo đúng đường lối nhân dân và 6 điều là: Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết; Liên hệ chặt chẽ với nhân dân; Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ; Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, và hoan nghênh nhân dân phê bình mình; Sẵn sàng học hỏi nhân dân; Tự mình phải làm gương mẫu cần kiệm liêm chính, để nhân dân noi theo”. Bản thân Hồ Chí Minh là mẫu mực của lãnh tụ thương dân, gần dân, hiểu dân, kính dân, trọng dân, một người trọn đời thực hiện nhất quán nguyên tắc “theo đúng đường lối nhân dân”.
Để chống bệnh quan liêu, xa dân, Người còn căn dặn: phải đồng tâm hiệp lực phải kiên trì, quyết tâm chống đến cùng, phải làm có tổ chức, làm từ trên xuống dưới. Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương và chỉ đạo thực hiện xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ, hoạt động theo tinh thần “chú trọng thực tế, nỗ lực làm việc, phụng sự nhân dân”. Bên cạnh giáo dục tư tưởng, rèn luyện đạo đức, khuyến khích cán bộ, đảng viên tận tụy phục vụ nhân dân, phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, thực hành kỷ luật nghiêm minh, xử lý bằng pháp luật đối với những người vi phạm; phải phát động tư tưởng của quần chúng, làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu… làm cho nó hết chỗ ẩn nấp. Đồng thời phải “khéo kiểm soát”, bởi “Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi. Song, muốn kiểm soát có kết quả tốt, phải có hai điều: một là việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường làm. Hai là người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín”.
VẬN DỤNG TRONG CÔNG TÁC ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG CĂN BỆNH QUAN LIÊU, VÔ CẢM
Thấm nhuần tư tưởng của Hồ Chí Minh về đấu tranh phòng, chống bệnh quan liêu, trước yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước, Đảng ta xác định đây là một trong những vấn đề mang tính cấp bách, nội dung quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; năng lực quản lý, điều hành của Nhà nước. Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác phòng, chống quan liêu nói riêng, phòng chống suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức nói riêng như: Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2 - khóa VIII); Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Gần đây, ngày 28-10-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Từ chủ trương, Nghị quyết của Đảng được triển khai quyết liệt vào thực tế thời gian vừa qua, chúng ta có nhiều tấm gương về cán bộ, đảng viên tận tụy với nhân dân, nhiều cách làm hay để gần dân, hiểu dân, phát huy sức mạnh từ nhân dân như mô hình “Gần dân, sát dân”, Ngày thứ Bảy với dân”, “Chính quyền thân thiện của dân, do dân và vì dân”; “Gần công nhân, sát công nhân, lắng nghe ý kiến công nhân”…, các diễn đàn “Nhân dân nói về chúng tôi”, “Cà phê doanh nhân”… Qua đó, góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của cán bộ, đảng viên, từ tư duy “ban phát”, “ra lệnh” sang tư duy phục vụ là “đầy tớ của nhân dân”.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà chủ yếu từ sự yếu kém, suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, căn bệnh quan liêu, vô cảm đến nay vẫn là căn bệnh mãn tính trong Đảng và bộ máy công quyền. Với tinh thần tự phê thẳng thắn, nghiêm túc, Văn kiện Đại hội XIII chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”.
Trên thực tế, có thể thấy hiện nay căn bệnh này diễn ra xảy ra ở hầu hết các cấp, các ngành, các địa phương, với những mức độ khác nhau. Những vụ việc kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân như việc tố cáo, khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm; hàng loạt dự án hiện đang “đắp chiếu” có thâm niên chục năm với hàng nghìn tỷ đồng; việc xây dựng trụ sở hành chính quá lãng phí trong khi địa phương còn nghèo hay dùng ngân sách ưu tiên phục vụ cho nhà riêng của cán bộ lãnh đạo; những câu chuyện "hành dân" của một số bộ phận trong cơ quan công quyền hoặc ứng xử không đúng với chuẩn mực của người cán bộ ở các địa phương; những đại biểu nhân dân chỉ biết “ngủ gật” trước bức xúc của dân, vấn đề cuộc sống “rất nóng” nhưng hội trường HĐND cấp tỉnh, huyện, xã thì “rất lạnh” cũng không phải hiếm gặp. Nhiều chính sách ban hành viển vông, xa rời thực tế, một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức trì trệ, vô trách nhiệm “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" …
Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, vẫn còn một số cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu chính quyền cấp một số địa phương quan liêu, thiếu sâu sát, vô cảm trước khó khăn, nỗi đau của nhân dân nên đã không có chính sách chống dịch, hỗ trợ nhân dân kịp thời, thậm chí cắt xén, tham ô quỹ phòng chống dịch, tiền cứu trợ làm cho tình hình dịch ở địa phương diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo cớ cho thế lực thù địch xuyên tạc, phá hoại.
Để đấu tranh chống căn bệnh này, trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh, cần tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:
Tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức để mỗi cán bộ, đảng viên thật sự thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về thương dân, hiểu dân, gần dân, trọng dân, phụng sự dân; thực sự để "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Mỗi cán bộ, đảng viên tự giác, tự nhận thức về trách nhiệm đạo đức trong việc phục vụ dân, đồng cảm, trăn trở với cuộc sống của dân cũng như biết trọng “liêm sỉ, danh dự” để giữ mình trước cám dỗ của lợi ích không chính đáng, không phản bội lại lợi ích của dân, của Đảng.
Phải thực hành dân chủ, động viên nhân dân tham gia đấu tranh chống bệnh quan liêu, vô cảm bởi “Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng”. Kết hợp giữa giáo dục đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên, với việc nâng cao trách nhiệm của đoàn thể, quần chúng trong giám sát, phản biện xã hội để "trị" căn bệnh này. Cần dựa vào nhân dân để đánh giá, để “sữa chữa cán bộ”. Từ đó, khen thưởng, biểu dương cán bộ, đảng viên tốt và kiên quyết loại những "công bộc" yếu kém, "vô cảm" ra khỏi bộ máy cơ quan công quyền.
Để trị “bệnh vô cảm”, rất cần tạo dựng môi trường xã hội nhân văn, tiến bộ, lành mạnh để tiếp tục vun đắp và không ngừng nhân lên những giá trị văn hóa, đạo đức, truyền thống nhân ái của dân tộc. Trước hết, cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên để lan tỏa các giá trị tốt đẹp trong xã hội. Hiện nay, Đảng đã có những quy định cụ thể về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên như Quy định số 101- QÐ/TW của Ban Bí thư, Quy định 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Quy định số 08-QĐi/TW của Bộ Chính trị, trong đó đặt ra yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu là phải thật sự nêu gương trước Đảng và nhân dân, phải kiên quyết chống lại các biểu hiện “Độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân”. Có thể nói, đề cao việc nêu gương, làm cho cái tốt lấn át cái xấu, cái thiện thắng cái ác, cái chân thực lấn át cái giả dối sẽ là liều thuốc đặc trị chữa “tận gốc” căn bệnh quan liêu, vô cảm đang khá phổ biến hiện nay.
Bên cạnh công tác giáo dục đạo đức, tư tưởng rất cần có quy định pháp luật cụ thể để phòng chống căn bệnh quan liêu, vô cảm - nhất là khi căn bệnh này đã ăn sâu trong một số bộ phận của bộ máy công quyền và những người có chức, có quyền. Hiện nay, Đảng ban hành quy định về những điều đảng viên không được làm, Nhà nước ban hành bộ quy tắc về đạo đức công vụ, văn hóa công sở, quy định pháp lý về trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, của cán bộ, công chức. Theo đó, đối với cán bộ đảng viên khi mắc căn bệnh quan liêu, vô cảm với nhân dân, thì đó không chỉ là sự vi phạm về đạo đức mà còn vi phạm điều lệ Đảng và pháp luật Nhà nước. Để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, trong thời gian tới, công cuộc cải cách hành chính, xây dựng nền công vụ hiện đại, xây dựng nhà nước liêm chính, tinh gọn, có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ, phụng sự nhân dân, cần tiếp tục triển khai sâu rộng hơn với những mục tiêu, biện pháp, lộ trình cụ thể, bởi một khi cả hệ thống tổ chức và vận hành một cách chặt chẽ, khoa học sẽ buộc cán bộ, công chức phải đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nếu không muốn bị đào thải.
Trong thực hiện nhiệm vụ công, cần thực hiện chế độ trách nhiệm cá nhân, xác định rõ, cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan, từng chức danh trong bộ máy nhà nước, nhất là người đứng đầu, từ đó quy trách nhiệm, khắc phục tình trạng tranh công, đổ tội, khắc phục căn bệnh chây ì, lười biếng, vô trách nhiệm trước nhân dân.
Công tác kiểm tra, kiểm soát cần tiến hành thường xuyên, trên mọi cấp độ, trên mọi lĩnh vực nhằm kịp thời phát hiện sai lầm, những hạn chế trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, của mỗi cán bộ đảng viên dù bất kỳ chức vụ công tác nào để kịp thời sửa chữa, xử lý. Vấn đề bao trùm hơn là đưa quyền lực vào “lồng kiểm soát”, xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ, quy định cụ thể, không để có khoảng trống pháp lý, kẽ hở để cán bộ, công chức vi phạm. Những bản án, những quyết định kỷ luật nghiêm khắc với cán bộ, đảng viên vi phạm trong thời gian qua đã góp phần răn đe, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật của cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước.
Bên cạnh đó, trong xã hội hiện đại và dân chủ hiện nay, việc tăng cường đối thoại với nhân dân là một trong cách hiệu quả nhất để giải quyết những điểm nóng ở cơ sở. Bộ Chính trị đã ban hành quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/2/2019 về “Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”. Điều quan trọng hơn là từ cuộc đối thoại trực tiếp đó, các cấp ủy đảng, chính quyền cần có hành động thiết thực, cụ thể giải quyết nhu cầu chính đáng của nhân dân, tránh nói suông, hứa suông làm mất niềm tin của dân.
Thực hiện được những giải pháp trên sẽ là liều thuốc “đặc trị” căn “bệnh mãn tính” quan liêu, thờ ơ, vô cảm của cán bộ, đảng viên; xây dựng mối quan hệ máu thịt giữa dân với Đảng, Đảng với dân./.
TS. Lê Thị Hằng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh