Đó là chủ đề tọa đàm khoa học do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại Hà Nội vào sáng 12/9.
Đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì buổi tọa đàm. Tham dự buổi tọa đàm có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các học viện, nhà khoa học, lãnh đạo ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy trong cả nước.
Đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì buổi tọa đàm
Phát biểu đề dẫn buổi tọa đàm, đồng chí Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, tại Kế hoạch số 14 KH/TW, ngày 25/3/2019 của Ban Bí thư thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Ban Bí thư đã giao nhiệm vụ choBan Tuyên giáo Trung ương chủ trì tổ chức thí điểm việc phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet, phù hợp với từng đối tượng. Đây cũng là yêu cầu cấp thiết được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về đổi mới căn bản nội dung chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn.
Toạ đàm đã nhận được trên 20 bài tham luận của các địa phương, đơn vị, các chuyên gia, nhà khoa học, trong đó có cả những tham luận của những giảng viên trực tiếp giảng dạy lý luận chính trị. Các bài tham luận, ý kiến tại buổi tọa đàm đã phân tích, làm rõ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị, tập trung vào một số nội dung như sau:
Thứ nhất, những vấn đề lý luận chung về phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị.
Thứ hai, đánh giá tình hình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận cho cán bộ lãnh đạo, quản lý đối tượng 1, 2, 3, 4 theo Quy định số 164-QĐ/TW, ngày 01/2/2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Thứ ba, sự cần thiết và vai trò của việc phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet.
Thứ tư, những nội dung cần phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet.
Thứ năm, các giải pháp nâng cao chất lượng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên.
Tham luận về công tác tham mưu xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, kiểm tra và tham gia quản lý công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ đối tượng 1, 2 theo quy định 164-QĐ/TW của Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Trọng Hòa, Ban Tổ chức Trung ương cho biết, nhìn chung, công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ cấp chiến lược được triển khai khẩn trương, nghiêm túc và đúng kế hoạch. Nội dung và phương thức bồi dưỡng có nhiều đổi mới. Công tác bồi dưỡng là một chủ trương đúng đắn, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng cường nhận thức, nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường cách mạng, hệ thống hóa kiến thức và bổ sung, cập nhật kiến thức mới trên tất cả các lĩnh vực, tăng cường khả năng phân tích dự báo tìn hình. Từ đó, hoàn thiện kỹ năng lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo các cấp chiến lược nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Đồng chí Nguyễn Trọng Hòa cũng nêu ra một số hạn chế, vướng mắc trong công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức như: Số lượng cán bộ đối tượng 1, đối tượng 2 được bồi dưỡng, cập nhật chưa nhiều; cần tiếp tục chú trọng công tác giảng viên; nội dung chương trình bồi dưỡng tuy đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn còn nặng về lý luận; công tác tổ chức, quản lý lớp học còn một số khó khăn, bất cập.
Nhấn mạnh việc triển khai bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị trên Internet là rất cần thiết, đồng chí Phạm Thị Vui, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương cho biết, việc triển khai này hợp với xu thế phát triển của thời đại khi cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ với tác động chính là việc chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực hoạt động. Việc triển khai công tác này cũng chính là thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra quan điểm chiến lược chuyển đổi số quốc gia với 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 vẫn luôn đe dọa tới mọi mặt đời sống xã hội thì việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận trực tuyến là cần thiết để triển khai thiết thực, đem lại hiệu quả tích cực nhất. Đây cũng là hình thức khuyến khích cán bộ, đảng viên ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao năng lực nghiên cứu bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Việc triển khai này đem lại sự tiện lợi trong mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh môi trường công tác.
Đồng chí Phạm Thị Vui cũng đưa ra kiến nghị, phải xây dựng nền tảng công nghệ hiện đại và ổn định, đặc biệt là sự tiếp cận tiện lợi cho người học, người sử dụng. Quá trình xây dựng thiết kế khung chương trình cần lưu ý phải phù hợp với đối tượng, nhất là những đối tượng đặc thù. Cần tăng cường kiểm tra giám sát để đảm bảo chất lượng nội dung theo yêu cầu đề ra, tránh hiện tượng hợp thức hóa bằng cấp, chứng chỉ.
Đề cập tới nội dung chuyển đổi số đã và đang đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh Thái Nguyên, trong đó có công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên, đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên cho biết, thời gian vừa qua, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên bị ảnh hưởng không nhỏ, việc giảng dạy, học tập của tất cả các cơ sở giáo dục - đào tạo bị gián đoạn, do đó công tác chiêu sinh, mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh, trung tâm chính trị cấp huyện gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, Trường Chính trị tỉnh, trung tâm chính trị cấp huyện đã chủ động, sáng tạo trong việc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng bằng cách ứng dụng chuyển đổ số trong công tác giảng dạy, như: Dạy học trực tuyến; ghép nhiều lớp trực tiếp thành 1 lớp trực tuyến học tại các điểm cầu với số lượng học viên đăng ký đông hơn so với kế hoạch phê duyệt đầu năm; xây dựng thư viện số, thư viện điện tử để chia sẻ bài giảng, tài liệu học tập cho học viên…
Việc dạy và học trực tuyến có ưu điểm là tạo nên môi trường học tập rộng rãi cho người học, giúp người học tiết kiệm được chi phí đi lại, sắp xếp được thời gian học tập hợp lý, khắc phục những khó khăn trong việc tổ chức lớp học tại các địa phương ở xa cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời có thể giúp người học tiếp cận và khai thác ngày càng nhiều hơn, hiệu quả hơn kho tài liệu khổng lồ từ khắp nơi trên thế giới. Có thể nói, trong 2 năm đại dịch COVID-19, Trường Chính trị tỉnh và trung tâm chính trị cấp huyện đã thực hiện khá tốt phương thức đào tạo bằng hình thức trực tuyến.
Tuy nhiên, việc đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên bằng hình thức trực tuyến cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, như: Trang thiết bị công nghệ thông tin, đường truyền; việc mã hóa, số hóa dữ liệu còn chậm, chưa thống nhất; hệ thống các phần mềm phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý đào tạo chưa đồng bộ, chưa liên thông, còn tình trạng mỗi đơn vị sử dụng một phần mềm riêng. Trình độ sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học của không ít cán bộ, giảng viên, nhân viên và học viên còn hạn chế. Tính bảo mật trong quá trình dạy học không cao…
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ “đổi mới nội dung và chương trình giáo dục, đào tạo thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển; tận dụng công nghệ số để gia tăng khả năng tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, nhất là người dân ở vùng khó khăn. Số hóa tài liệu, giáo trình, xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Chuyển đổi số 100% cơ sở giáo dục, đào tạo trực thuộc tỉnh” như Nghị quyết về chuyển đổi số của tỉnh Thái Nguyên đã đề ra.
Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, đồng chí Lê Hải Bình nhấn mạnh vị trí và vai trò quan trọng của việc phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet trong bối cảnh hiện nay.
Đồng chí Lê Hải Bình cũng nêu rõ 4 thách thức đặt ra đối với công tác này như: Thay đổi tư duy của người quản lý, người cung cấp và người thụ hưởng trong công tác phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị; Nội dung của công tác phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị; Đối tượng của công tác phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị; Công tác bảo mật trên Internet.
Đồng chí Lê Hải Bình đề nghị Ban Tổ chức tọa đàm tiếp thu tối đa những ý kiến phát biểu tại buổi tọa đàm. Kết quả Toạ đàm hôm nay là cơ sở khoa học quan trọng để Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai “Đề án thí điểm phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet” cũng như triển khai đại trà trong thời gian tới.