Xứng danh anh hùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Chủ nhật, 05/05/2024 12:02
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Dòng chảy thời gian có thể cuốn đi dấu vết chiến tranh, nhưng niềm tự hào về Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mãi trường tồn. Trong chiến thắng vang dội đó, lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) có đóng góp rất lớn – là một trong những nhân tố quan trọng góp phần làm nên “trang sử vàng”, xứng danh anh hùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Thanh niên xung phong phá đá, mở rộng đường qua núi. Ảnh tư liệu

Bài I: Đảm bảo giao thông thông suốt

Xác định Chiến dịch Điện Biên Phủ là lâu dài và lực lượng thanh niên là lực lượng quan trọng trong suốt chiến dịch, ngay từ đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Trung ương Đoàn Thanh niên tổ chức, phát triển lực lượng chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ. Trong suốt “Chín năm làm một Điện Biên”, lực lượng TNXP đã trở thành nguồn bổ sung cho bộ đội chủ lực; là lực lượng phối hợp, đảm nhiệm vận chuyển, làm đường trên các hướng tiến công quan trọng dẫn vào Điện Biên Phủ.

Ngày 15/7/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc thành lập Đội TNXP công tác Trung ương, tập hợp những thanh niên tình nguyện được giáo dục và tổ chức chặt chẽ, thực sự là đội quân chủ lực mở đường, vận chuyển lương thực, đạn dược trong bất kỳ tình huống nào để bộ đội có đủ điều kiện đẩy mạnh tác chiến theo hướng các chiến dịch lớn, dài ngày.

Chỉ hơn 3 năm, đến tháng 1/1954, quân số Đoàn TNXP đã phát triển lên gần 1 vạn đội viên, biên chế thành 8 đội: 34, 36, 38, 40, 42, 44, 46, 48 được chia thành 50 đại đội. Địa bàn công tác của đoàn trải khắp từ Việt Bắc, Tây Bắc và Liên khu 4.

Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng mở màn tiến công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Lực lượng TNXP phối hợp với công binh, dân công hỏa tuyến mở nhiều tuyến đường nhằm phá thế độc đạo và chống lại việc đánh phá của địch. Các đội TNXP có nhiệm vụ giữ vững mạch máu giao thông trên các tuyến dẫn vào Điện Biên Phủ. Với công cụ thô sơ như: Cuốc, xẻng, dây thừng, quang gánh… và tận dụng tối đa cây rừng (chặt tre, gỗ lát đường, đan sọt, chế tạo xe để đựng đất đá), hàng nghìn TNXP đã kiên cường bám trụ ngày đêm làm đường, sửa đường, phá bom đảm bảo giao thông ra tiền tuyến.

Thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Ngã ba Cò Nòi, điểm gặp nhau của đường số 13 (từ Việt Bắc sang) và đường số 41 (từ Liên khu III, Liên khu IV lên) là điểm xung yếu nhất trong tuyến đường của chiến dịch nên suốt ngày đêm quân địch tập trung máy bay bắn phá dữ dội.

Dù đã trên 90 tuổi, song ông Trần Khắc Lộng, cựu TNXP, hiện đang sinh sống tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) vẫn nhớ như in những ngày tháng khốc liệt tại “chảo lửa” Cò Nòi. “Tôi là y tá phục vụ cứu chữa cho TNXP bị thương ở ngã ba Cò Nòi. Tôi được giao nhiệm vụ phụ trách tuyến từ đèo Chẹn qua ngã ba Cò Nòi đến T100. Ngoài nhiệm vụ cứu thương, tôi tham gia cùng anh em đảm bảo giao thông phục vụ chiến dịch. Sau mỗi trận oanh tạc của địch, chúng tôi tập trung gánh đá, vá đường, san lấp hố bom, đảm bảo thông đường trong thời gian sớm nhất. Cuộc chiến của của chúng tôi là tại các cung đường đèo núi, thác ghềnh, cầu phà để đảm bảo giao thông phục vụ chiến dịch. Vô vàn khó khăn, vất vả, song với lòng nhiệt huyết, quyết tâm của tuổi trẻ, lực lượng TNXP vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ!” - ông Trần Khắc Lộng kể lại.

Đèo Pha Đin cũng là một trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay địch. Đèo dài 32km, có độ cao 1.600m so với mực nước biển, rừng cây rậm rạp, nhiều đoạn cua gấp, dốc đứng, vực sâu. Đây là tuyến đường huyết mạch để lên Điện Biên Phủ. Tại đây lực lượng TNXP bố trí đến 9 đại đội.

Ông Lê Hữu Thảo, hiện đang sinh sống tại tổ 1, phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ), cựu TNXP sau đó bổ sung cho bộ đội chủ lực trong Chiến dịch Điện Biên Phủ nhớ lại: “Mỗi ngày quân Pháp cho máy bay tuần tiễu khu vực đèo Pha Đin hàng chục lần, thả hàng trăm quả bom các loại hòng hủy diệt tuyến đường quan trọng này. Dù bị địch bắn phá ác liệt, đội hình phân tán song với quyết tâm “TNXP còn thì mạch máu giao thông luôn được giữ vững”, các đại đội TNXP đã vượt qua mưa bom, bão đạn, lao động hết mình, đảm bảo các lực lượng và phương tiện cơ động theo kế hoạch.”

Tái hiện hình ảnh TNXP, dân công hỏa tuyến vận chuyển lương thực
bằng xe thồ tại lễ diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ngoài nhiệm vụ đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường, lực lượng TNXP còn đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển lương thực, đạn dược và chăm sóc thương binh. Lực lượng TNXP phải tăng tốc, chạy đua với thời gian trong việc vận chuyển, tăng năng suất bốc vác, tăng cân, tăng chuyến, giải phóng nhanh phương tiện và mặt đường. Nhiều đại đội đã có những cách làm sáng tạo, tăng hiệu quả làm việc. Tiêu biểu như các đại đội 295, 297, 408, 410 làm nhiệm vụ trên tuyến đường 41 đã giảm thời gian bốc xếp hàng trên 1 xe ô tô từ 25 phút xuống còn 6 phút. Các đại đội khác trên tuyến cũng giải phóng được 40 – 50 xe, đột xuất giải phóng tới 80 xe trong một đêm. Toàn lực lượng đều thi đua làm việc với tình thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Bà Phạm Thị Bảy, cựu TNXP, hiện đang sinh sống tại tổ 3, phường Thanh Bình, TP. Điện Biên Phủ kể lại: “Tôi thuộc đội vận chuyển vũ khí phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thời điểm đấy, tôi nhận nhiệm vụ vận chuyển đạn 82. Công cụ, phương tiện hỗ trợ rất thô sơ. Chúng tôi vận chuyển đạn bằng quang gánh. Đạn 82 khá nặng, song đang tuổi thanh niên, có sức khỏe, tôi thường gánh 8 quả đạn. Có nhiều lúc gánh mỗi lần 10 quả đạn. Đường vận chuyển rất hiểm trở, thường xuyên trèo đèo, lội suối. Mặc dù vậy, anh chị em TNXP vẫn luôn động viên nhau, cùng nhau hướng về chiến thắng, tạo động lực để hoàn thành nhiệm vụ”.

Các đội viên TNXP được lựa chọn thực hiện nhiệm vụ chăm sóc thương binh, vận chuyển thương binh về tuyến sau là những thành niên trẻ khỏe, dũng cảm. Đồng thời, các đội viên được huấn luyện cách vận chuyển người bị thương bằng cáng, cách chăm sóc thương binh.

Các cựu TNXP tham gia giao lưu tại buổi gặp mặt nhân dịp

kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ông Trần Khắc Lộng chia sẻ: “Dù đêm hay ngày, khi có người bị thương tôi phải tìm đường đến để cấp cứu, nhẹ thì sơ cứu rồi theo dõi, nặng thì phải tổ chức chuyển anh em về tuyến sau để cứu chữa”.

Theo sử liệu, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng TNXP đã sửa chữa, mở rộng 3.300km đường giao thông, phá hàng nghìn quả bom nổ chậm, đảm bảo giao thông 60 bến phà… Cùng với dân công gùi thồ 100.000 tấn gạo, lương thực, thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm, đạn dược phục vụ chiến dịch.

Ngày 7/5/1954, sau 56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt”, Quân đội ta đã tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, diệt và bắt sống 16.000 quân địch. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Ngày 8/5/1954, Bác Hồ gửi thư khen bộ đội, TNXP, dân công khỏa tuyến và đồng bào Tây Bắc, trong đó có đoạn: “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ, Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, dân công, TNXP và đồng bào các địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang”. Lực lượng TNXP đã được tặng 1 Huân chương Kháng chiến hạng nhất, 60 huân chương các loại cho các tập thể và cá nhân, 120 huy hiệu Bác Hồ.

xuannguyen

Nguồn: Báo điện tử Điện Biên Phủ

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)