Thay mặt Ban Bí thư, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.
Kết luận nêu rõ, qua hơn 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị về vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được nâng lên. Thể chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật từng bước được hoàn thiện. Ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân có bước chuyển biến tích cực, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân, an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn hạn chế.
Ðể tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TW; lưu ý một số nội dung sau:
Nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; xác định là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặt dưới sự lãnh đạo của Ðảng; thực hiện đầy đủ các thể chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật hiện hành; đồng thời hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực này đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Ða dạng hóa nguồn lực xã hội cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đổi mới tổ chức, hoạt động của cơ quan, đơn vị tham mưu, thực hiện quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật; triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật toàn diện, rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở, gắn với việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cần bám sát thực tiễn cuộc sống và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong từng giai đoạn, địa bàn, đối tượng cụ thể; đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng.
Ðẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng xã hội trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng và nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả gắn với từng chủ đề nội dung, đối tượng…
Kết luận cũng xác định trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TW và Kết luận này.