Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn Tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 – 06/01/2021). Trân trọng giới thiệu toàn văn bản Hướng dẫn này.
Ảnh minh họa
Thực hiện Kế hoạch số 544/KH- UBTVQH14, ngày 02/6/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (06/01/1946 – 06/01/2021), Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn và tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 – 06/01/2021) như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Tuyên truyền sâu rộng, làm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của Quốc hội Việt Nam; tôn vinh và tri ân công lao, đóng góp to lớn của Quốc hội đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
- Thông qua các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước cũng như sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức do thiên tai, bão lũ, đại dịch CoVid -19 gây ra, nắm bắt thời cơ, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Quốc hội khóa XIV.
- Các hoạt động tuyên truyền cần được tổ chức hiệu quả, thiết thực với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, có sức lan tỏa sâu rộng, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN
1. Tuyên truyền bối cảnh, diễn biến và kết quả của Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; sự phát triển và lớn mạnh của Quốc hội Việt Nam qua các thời kỳ.
2. Vị trí, vai trò và đóng góp to lớn của Quốc hội Việt Nam, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân; nhấn mạnh việc thực hiện chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao, sự gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm với Nhân dân.
3. Khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng đối với Quốc hội Việt Nam; kết quả trong đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
4. Biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động của Quốc hội; tôn vinh những công lao, đóng góp của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; tuyên truyền, phản ánh các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm ở các cấp, ngành theo quy định của Đảng, Nhà nước; đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước và chia rẻ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
III. CÁC HOẠT ĐỘNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM
1. Tổ chức gặp mặt các đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ:
- Cấp Trung ương: Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì, tổ chức gặp mặt các đại biểu Quốc hội nguyên là Lãnh đạo Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội…và Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội qua các thời kỳ.
+ Khách mời: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các ban, ngành và tổ chức chính trị - xã hội.
+ Thời gian tổ chức: từ ngày 15/12/2020 đến ngày 06/1/2021.
- Cấp địa phương: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, tổ chức gặp mặt đại biểu Quốc hội các nhiệm kỳ của tỉnh, thành phố.
+ Khách mời: đại diện lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể - chính trị của các địa phương.
+ Thời gian tổ chức: từ ngày 15/12/2020 đến ngày 06/1/2021.
2. Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng: cổ động trực quan, thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức chính trị - xã hội, các ấn phẩm tuyên truyền.
Ngoài các hoạt động nêu trên, tùy tình hình cụ thể của các địa phương, đơn vị có thể tổ chức thi tìm hiểu về 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam; tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao chào mừng.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức tốt công tác tuyên truyền kỷ niệm, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng, ấn phẩm tuyên truyền,… theo chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương.
2. Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền kỷ niệm, biên soạn, phát hành, tài liệu tuyên truyền.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông: Tăng cường quản lý chặt chẽ các hoạt động thông tin, truyền thông; xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm đăng tải, phát tán thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc về sự kiện.
4. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: chỉ đạo công tác tuyên truyền cổ động trực quan, nhất là các Panô, áp phích, bảng điện tử, triển lãm; các hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể thao chào mừng.
5. Các cơ quan báo chí: có kế hoạch tổ chức tốt công tác tuyên truyền; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp đưa tin trước, trong và sau ngày kỷ niệm.
6. Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương
- Chủ động tham mưu, đề xuất giúp cấp ủy đảng chỉ đạo tổ chức các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm theo mục III của Hướng dẫn này; coi trọng công tác tuyên truyền trên báo chí, trang điện tử, thông qua đội ngũ báo cáo viên và mạng xã hội.
- Vận động cán bộ tuyên giáo, báo cáo viên các cấp, phóng viên, biên tập viên tích cực đăng tải thông tin tích cực trên mạng xã hội VCNet.vn của Ban Tuyên giáo Trung ương./.