Chuyển đổi nhiên liệu : Khó vẫn nên làm
Thứ năm, 21/04/2011 09:20
Giải pháp chuyển đổi nhiên liệu từ xăng sang dùng nhiên liệu khác để giảm chi phí cũng như góp phàn bảo vệ môi trường đã được nhiều DN tính đến. Tuy nhiên, thực tế quá trình chuyển đổi này đang gặp quá nhiều vướng mắc.
Giải pháp chuyển đổi nhiên liệu từ xăng sang dùng nhiên liệu khác để giảm chi phí cũng như góp phàn bảo vệ môi trường đã được nhiều DN tính đến. Tuy nhiên, thực tế quá trình chuyển đổi này đang gặp quá nhiều vướng mắc.
Mặc dù được cam kết giá LPG sẽ luôn thấp hơn 25% giá xăng A92 trên thị trường nhưng các DN vận tải cũng không dễ gì chuyển đổi nhiên liệu
Hiện TP HCM có khoảng 34 DN kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, với gần 12.000 đầu xe (đây là con số được kiểm soát). Với số lượng taxi như trên bình quân mỗi ngày lượng nhiên liệu tiêu thụ dao động từ 288.000 – 300.000 lít.
Lao đao vì xăng
Sau hai lần liên tiếp tăng giá xăng, DN ngành vận tải nói chung cũng như trên địa bàn Tp Hồ Chí Minh nói riêng đang đối mặt nguy cơ đình trệ do hoạt động thua lỗ.
Theo tính toán của Hiệp hội vận tải hàng hóa Tp Hồ Chí Minh, mức tăng 10 - 20% giá cước vận tải các loại hiện vẫn chưa đủ bù cho mức tăng đầu vào, bao gồm giá xăng dầu, và các yếu tố thường tỉ lệ thuận theo giá xăng dầu là chi phí phụ tùng, lương người lao động, lãi suất vay (trong đó, đã loại trừ chi phí quản lý). Chủ tịch Hiệp hội taxi TP Hồ Chí Minh, ông Tạ Long Hỷ cho biết, tuy nhiều hãng taxi trên địa bàn đã tăng giá cước, nhưng làm thế nào cân đối được mức lãi 20% và có thể trả nợ cho ngân hàng, đó vẫn là bài toán khiến họ đau đầu. “Hiện nay, hiệp hội đã kiến nghị cơ quan chức năng giảm thuế GTGT nhưng kiến nghị này chưa được chấp nhận. Nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa cũng kiến nghị giảm lệ phí cầu đường, mật độ trạm thu phí. Và trong khi các kiến nghị đang chờ... xem xét, thì doanh nghiệp vẫn phải giảm doanh thu”.
Đối với những doanh nghiệp xe bus ở 111 tuyến trợ giá trên địa bàn, tình cảnh có vẻ “dễ thở” hơn. Ngoài 835 tỉ đồng ngân sách trợ giá, tới đây, họ sẽ được rót thêm 348 tỉ đồng. Ông Lê Minh Phong - Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP HCM cho biết có thể có thêm 94 tỉ đồng nữa, do trung tâm hiện đang đề xuất xin thêm. “Thêm hỗ trợ từ ngân sách, nhưng doanh nghiệp các tuyến này trung bình vẫn phải bù khoảng 200.000 nghìn đồng tiền chênh lệch nhiên liệu mỗi ngày” - ông Phong nói.
Bi đát nhất là doanh nghiệp chạy ở các tuyến xe bus không trợ giá. Sau khi tăng giá cước lên 15%, doanh thu ở hầu hết các tuyến này đều giảm do khách hàng cũng thực hiện triệt để phương án tiết kiệm, chọn xe bus có trợ giá để đi. Một chủ xe tư nhân chạy tuyến Bến xe Chợ Lớn – Long An rầu rầu tính: Nếu vẫn lỗ trong một thời gian nữa, phương án ngừng hoạt động sẽ là bất khả kháng với các chủ xe !
Theo đại diện của Hiệp hội vận tải thành phố, giá nhiên liệu hiện chiếm 40 - 50% giá thành vận tải. do đó, khi giá nhiên liệu tăng, sẽ đẩy giá mọi chi phí vận tải khác như giá vỏ xe, ruột xe, chưa kể vòng quay giá – lương – tiền đối với người lao động lên khoảng 15-20%. “Doanh nghiệp nào cũng phập phồng trước các diễn biến giá dầu thế giới và thông tin doanh nghiệp xăng dầu trong nước đang bù lỗ. Chỉ cần một đợt điều chỉnh tăng nhẹ nữa, sẽ có hàng loạt công ty vận tải phá sản”.
Vướng mắc nhiên liệu thay thế
“Cái khó lớn nhất của việc chuyển đổi từ xăng sang dùng LPG là thiếu các trạm nạp LPG”
Trong lúc này việc chuyển đổi sang dùng nhiên liệu rẻ hơn để tiết kiệm chi phí nhiên liệu được coi là giải pháp tối ưu. Theo các chuyên gia, vào thời điểm năm 2005, đề tài chyển đổi xe máy chạy bằng xăng sang chạy bằng LPG (Liquefied Petroleum Gas - hỗn hợp hydrocarbon nhẹ, ở thể khí) đã được nghiên cứu thành công tại VN. LPG tồn tại trong thiên nhiên hay ở các mỏ dầu hoặc mỏ khí dầu; cũng có thể sản xuất ở các nhà máy lọc dầu trong quá trình chưng cất dầu thô. LPG là chất không màu, không mùi, không vị và không có độc tố. Việc sử dụng nhiên liệu LPG thay xăng dầu đối với phương tiện vận tải hành khách không chỉ giảm ô nhiễm môi trường mà còn mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể.
Năm 2007- 2008 Cty CPVT dầu khí Cửu Long (PVTrans- PCT) và Cty CPVT dầu khí Đông Dương đã đưa xe taxi sử dụng LPG vào hoạt động. Cho tới nay cả hai Cty đã đưa được hơn 600 đầu xe taxi sử dụng LPG hoạt động ở TP HCM, Vũng Tàu và Hà Nội.
Theo nhận định của hiệp hội taxi, hàng năm taxi TP HCM vận chuyển trên 120 triệu lượt khách, chiếm tỉ trọng hơn 30 % lượng khách sử dụng các phương tiện công cộng của thành phố, chi phí nhiên liệu trong giá thành vận tải chiếm khoảng 30 - 40 % tổng chi phí, vì vậy vấn đề sử dụng tiết kiệm nhiên liệu được các DN taxi rất quan tâm. Mặt khác, PVTrans- PCT sẽ đầu tư 100% giá trị bộ chuyển đổi cho các DN mượn sử dụng, thực hiện công tác lắp đặt, kiểm định cho xe và mua bảo hiểm cho bộ chuyển đổi. Ngoài ra PVTrans - PCT cam kết giá LPG sẽ luôn thấp hơn 25% giá xăng A92 trên thị trường trong suốt thời gian thỏa thuận. Với những cam kết hấp dẫn như vậy, nhưng thực tế tại TP HCM hiện nay mới có hai Cty dầu khí Cửu Long và dầu khí Đông Dương áp dụng hình thức chuyển đổi này vì áp dụng chuyển đổi sang dùng LPG cũng gặp nhiều khó khăn vướng mắc.
Đại diện Hiệp hội vận tải TP HCM cho rằng: Hiệp hội vận tải thành phố đã phối hợp với Sở giao thông vận tải tổ chức hội thảo, kêu gọi các DN ủng hộ và tích cực tham gia chủ trương này, nhưng cái khó lớn nhất vẫn là thiếu các trạm nạp LPG. vì để xây dựng được một trạm nạp LPG khá tốn kém. Thứ hai, hầu hết các DN taxi đều “tá túc” nhờ bãi đậu của cây xăng, giờ chuyển sang dùng LPG ngay sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa DN và đại lý xăng dầu, nên vấn đề chuyển đổi cần phải có thời gian và cần phải thực hiện đồng bộ. Đồng quan điểm này, ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội taxi, kiêm tổng giám đốc Vinasun cho biết thêm: Vinasun có 80 đội xe như vậy phải cần ít nhất 80 trạm LPG mà hiện tại điều này chưa thể làm được. nếu chẳng hạn đi tỉnh, hết xăng không có trạm nạp LPG mà đổ thì cũng không ổn”.
Rõ ràng, việc chuyển đổi nhiên liệu từ xăng sang LPG đang là một hướng đi cần thiết nhằm tiết kiệm chi phí lớn cho các DN vận tải hàng hóa nói chung và DN taxi nói riêng, nhưng để áp dụng phổ biến cần được sự đầu tư, hỗ trợ thiết thực của Nhà nước, sự tự thân các DN cũng cần phải biết đầu tư vì lợi ích lâu dài. Đặc biệt, rất cần sự hợp tác, hỗ trợ, liên kết giữa các DN, hiệp hội để sớm đưa phương án thành hiện thực, góp phần giảm nhiệt trước cơn sốt giá xăng dầu và vì sự phát triển bền vững.
Anh Trung (theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Anh Trung