Việc phát triển đồng bộ hệ thống giao thông kết hợp với tăng cường hiện đại hóa các phương tiện giao thông công cộng là biện pháp hữu hiệu để giảm lượng khí thải do giao thông gây ra. Tuy nhiên, để bảo đảm có một môi trường giao thông thân thiện, cần đồng bộ giữa phát triển giao thông với hệ thống thoát nước, cây xanh và giảm thiểu bê tông hóa trong quá trình phát triển.
Việc phát triển đồng bộ hệ thống giao thông kết hợp với tăng cường hiện đại hóa các phương tiện giao thông công cộng là biện pháp hữu hiệu để giảm lượng khí thải do giao thông gây ra. Tuy nhiên, để bảo đảm có một môi trường giao thông thân thiện, cần đồng bộ giữa phát triển giao thông với hệ thống thoát nước, cây xanh và giảm thiểu bê tông hóa trong quá trình phát triển.
Rất cần những vành đai xanh
Đồ án quy hoạch Hà Nội mở rộng dự kiến khoảng 70% diện tích Hà Nội dành cho vành đai xanh và khoảng 30% diện tích cho phát triển đô thị. Phát triển đô thị không có nghĩa chỉ là tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, hành lang xanh có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là mấu chốt cho sự phát triển bền vững của Hà Nội.
Theo GS.TS Đường Hồng Dật, mảng xanh Hà Nội trong định hướng xây dựng thành phố cần phải đảm bảo các chỉ tiêu cơ bản của một thành phố xanh. Theo đó, độ che phủ rừng phải tăng lên 10% diện tích vào năm 2020 (hiện là 7,5%). Dân đô thị phải có 2,5m2 cây xanh công viên /người...
Nghiên cứu của nhóm tác giả Nguyễn Vũ Trung, Đỗ Việt Nga (Cục Thẩm định & Đánh giá tác động môi trường, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT) và Trịnh Thị Thanh (Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, để giao thông đô thị thực sự được gắn kết với bảo vệ môi trường, trong quá trình quy hoạch và phát triển, Hà Nội cần phải đặt ra các giải pháp ngăn ngừa giảm nhẹ ô nhiễm môi trường nhằm đảm bảo phát triển giao thông đô thị bền vững về môi trường.
Trong quá trình phát triển giao thông đô thị, phải dành quỹ đất để phát triển hệ thống cây xanh, thảm phủ thực vật để cải thiện môi trường không khí. Giao thông đô thị rất cần các vành đai xanh, một mặt tạo cảnh quan đô thị thân thiện, mặt khác là bộ lọc không khí vô cùng hữu hiệu cho môi trường đô thị. Hà Nội có thể tạo ra những thảm phủ, các vỉa hè, hành lang bảo vệ dọc các tuyến đường giao thông để thấm nước, hạn chế những tác động tiêu cực đến các tầng chứa nước do quá trình bê tông hóa đô thị. Thiết kế hệ thống thoát nước trong phát triển giao thông đô thị phù hợp với quy mô phát triển giao thông đô thị và phát triển chung của Thủ đô.
Phố cổ "xịn" hơn phố mới
Tháng 7/2009, khu đô thị mới Linh Đàm trở thành khu đô thị đầu tiên của Hà Nội được nhận quyết định "Khu đô thị kiểu mới". Tuy nhiên, hiện toàn bộ đoạn đường vào khu đô thị này luôn mịt mù bụi, đất. Nhà cửa, cây cối nhuốm lớp bụi, còn người dân phải nhịn thở khi qua đây.
Hiện nay, các tuyến giao thông đô thị Hà Nội tại các khu vực được phát triển và mở rộng sau năm 1954 thường xuyên xảy ra ùn tắc, gây lãng phí thời gian và kinh phí, là nguyên nhân gia tăng ô nhiễm môi trường không khí do khí thải của các phương tiện giao thông. Có thể kể ra các trận mưa lịch sử năm 1996, 2002, 2008 khiến rất nhiều tuyến phố, khu dân cư của Thủ đô phát triển từ sau năm 1954 lại bị ngập sâu với thời gian kéo dài, gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng. Điều đó cho thấy việc quy hoạch và phát triển hệ thống giao thông không được tính toán hợp lý và đồng bộ với hệ thống tiêu thoát nước.
Nhìn lại lịch sử phát triển giao thông Hà Nội, có thể nhận thấy rằng hệ thống giao thông đô thị Hà Nội tại các khu phố cổ, phố cũ ít ngập lụt và ít ô nhiễm hơn so với các tuyến đường được xây dựng mới hoặc mở rộng. Có thể nhận thấy hệ thống giao thông đô thị Hà Nội tại các khu phố cổ, phố cũ được xây dựng trước năm 1954 có những ưu việt cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc và khoa học.
Lãnh đạo thành phố cũng thừa nhận, giao thông của Hà Nội đang tồn tại rất nhiều bất cập: Hạ tầng lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, sự gia tăng nhanh của các phương tiện cá nhân chưa được kiểm soát, ý thức của một số người dân tham gia giao thông chưa cao; ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường còn diễn ra nghiêm trọng.
Để giải quyết vấn đề bức xúc trước mắt và lâu dài, nhằm hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại đòi hỏi phải phát triển toàn diện, bền vững hệ thống giao thông đô thị. Cùng với việc khai thác tối đa và hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, cần phải tập trung các nguồn lực để đầu tư nâng cấp và xây dựng mới các công trình giao thông đồng bộ, hiện đại, liên kết hợp lý các phương thức vận tải giữa đô thị và nông thôn, gắn kết bảo vệ môi trường.
Trần Tiềm (Theo KTDT)