Tóm tắt nội dung chính của Kịch bản như sau: Về nhiệt độ: Đến cuối thế kỷ 21 nhiệt độ trung bình năm tăng từ 1,6 đến 3,7°C; Số ngày có nhiệt độ cao nhất trên 35°C tăng từ 15-30 ngày; Riêng khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị: nhiệt độ trung bình tăng nhanh hơn so với những nơi khác.
Tóm tắt nội dung chính của Kịch bản như sau:
1. Về nhiệt độ: Đến cuối thế kỷ 21 nhiệt độ trung bình năm tăng từ 1,6 đến 3,7°C; Số ngày có nhiệt độ cao nhất trên 35°C tăng từ 15-30 ngày; Riêng khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị: nhiệt độ trung bình tăng nhanh hơn so với những nơi khác.
2. Về lượng mưa: Đến cuối thế kỷ 21, lượng mưa năm tăng phổ biến khoảng từ 2 đến 10%. Tuy nhiên ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ lượng mưa tăng ít hơn. Xu thế chung là lượng mưa mùa khô giảm và lượng mưa mùa mưa tăng. Tuy nhiên ở các khu vực khác nhau lại có thể xuất hiện ngày mưa dị thường với lượng mưa gấp đôi so với kỷ lục hiện nay.
3. Về nước biển dâng: Vào cuối thế kỷ 21, mực nước biển dâng cao nhất ở khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang trong khoảng từ 54 - 105 cm; thấp nhất ở khu vực từ Móng Cái đến Hòn Dấu trong khoảng từ 42 - 85 cm. Trung bình toàn Việt Nam, mực nước biển dâng trong khoảng từ 49 - 95 cm.
4. Nếu mực nước biển dâng 1m: 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, trên 2,5% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung, trên 20% diện tích TP.HCM có nguy cơ bị ngập; trên 4% hệ thống đường sắt, 9% hệ thống, quốc lộ và khoảng 12% hệ thống tỉnh lộ bị ảnh hưởng (căn cứ dữ liệu về giao thông 1:25,000 NXB Bản đồ 2005).
5. Mức độ chi tiết của các dữ liệu: Các giá trị về nhiệt độ và lượng mưa đã tính chi tiết cho từng tỉnh, thành phố (63 tỉnh, thành phố). Đã xác định được diện tích nguy cơ ngập cho tất cả các khu vực ven biển với mức độ chi tiết đến cấp huyện.
6. Biểu hiện của biển đổi khí hậu ở Việt Nam: Biến đổi khí hậu thực sự đã làm cho các thỉên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng ác liệt:
- Trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam đã tăng khoảng 0,5°C; Nhiệt độ mùa đông tăng nhanh hơn so với nhiệt độ mùa hè; Nhiệt độ ở phía Bắc tăng nhanh hơn so với ở phía Nam.
- Số ngày nắng nóng gia tăng; số ngày rét đậm, rét hại hoặc nhiệt độ thấp giảm nhưng có năm rét đậm kéo dài với cường độ mạnh kỷ lục 38 ngày như đầu năm 2008; gần đây là đợt rét hại kéo dài gần 01 tháng (31/1-2/2/2011).
- Tần số hoạt động của không khí lạnh ở Bắc Bộ giảm rõ rệt trong 3 thập kỷ
qua.
- Số ngày mưa phùn giảm rõ rệt. Mưa trái mùa và mưa lớn dị thường xảy ra nhiều hơn, nổi bật là đợt mưa tháng 11 năm 2008 ở Hà Nội và lân cận.
- Khu vực đổ bộ của xoáy thuận nhiệt đới lùi dần về phía Nam. Tần số bão rất mạnh (> cấp 12) tăng. Mùa bão kết thúc muộn hơn.
- Mực nước trung bình vùng ven biển Việt Nam đã tăng khoảng 2,8 mm/năm. Trên toàn Biển Đông, nước biển dâng khoảng 4,7 mm/năm (1993- 2009).
7. Khuyến nghị sử dụng Kịch bản:
- Việc triển khai, xây dựng và thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu không nhất thiết phải tiến hành đại trà ở quy mô thế kỷ, mà cần phải có phân kỳ thực hiện, cần phải xác định được mức độ ưu tiên dựa trên nhu cầu thực tiễn và nguồn lực có được trong từng giai đoạn để lựa chọn kịch bản phù hợp nhất.
- Kịch bản thấp và trung bình được áp dụng đối với các tiêu chuẩn thiết kế cho các công trình mang tính không lâu dài và các quy hoạch, kế hoạch ngắn hạn; Kịch bản cao cần được áp dụng cho các công trình mang tính vĩnh cửu, các quy hoạch, kế hoạch dài hạn.
- Ban Liên Chính phủ về Biên đôi khí hậu sẽ công bố Kịch bản biên đổi khí hậu toàn cầu trong Báo cáo đánh giá Lần thứ 5 vào năm 2014. Do đó theo kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với Biến đổi khí hậu, Kịch bản của Việt Nam sẽ tiếp tục được cập nhật vào năm 2015. Các đánh giá tác động và khả năng bị tổn thương do biến đổi khí hậu cần được rà soát, cập nhật khi Kịch bản mới được công bố.
- Các cơ quan, đơn vị trong ngành cần nghiên cứu kỹ kịch bản để cập nhật, áp dụng cho phù hợp với hoạt động của mình.