Xăng sinh học: “Thấp thỏm” chờ cơ chế
Thứ sáu, 14/09/2012 08:07
Theo thống kê, hiện thế giới sử dụng khoảng 6 triệu tấn Ethanol/năm (khoảng 6 tỷ USD) để pha với xăng tại 40 quốc gia. Các loại xăng sinh học đang được sử dụng phổ biến là E5, E10 và E85. Tuy nhiên, mặc dù có tiềm năng nhưng ở Việt Nam, việc sản xuất cũng như đưa xăng sinh học ở mức thấp nhất (E5) vào sử dụng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Theo thống kê, hiện thế giới sử dụng khoảng 6 triệu tấn Ethanol/năm (khoảng 6 tỷ USD) để pha với xăng tại 40 quốc gia. Các loại xăng sinh học đang được sử dụng phổ biến là E5, E10 và E85. Tuy nhiên, mặc dù có tiềm năng nhưng ở Việt Nam, việc sản xuất cũng như đưa xăng sinh học ở mức thấp nhất (E5) vào sử dụng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu gốc khoáng tăng cao trong khi nguồn cung cấp ngày càng hạn chế dẫn đến giá nhiên liệu gốc khoáng cũng tăng lên, việc đảm bảo an ninh năng lượng ngày càng trở nên cấp bách. Thêm vào đó, nhu cầu giảm phát thải các loại khí thải độc hại để bảo vệ môi trường, giảm chi phí y tế cho cộng đồng cũng trở nên bức thiết. Ngoài ra, việc hình thành một ngành công nghiệp nhiên liệu mới cũng sẽ giúp tạo việc làm, tạo cơ hội đầu tư và hỗ trợ phát triển nền kinh tế. Sản xuất và sử dụng nhiên liệu tái tạo nói chung và E5/E10 nói riêng đáp ứng cả ba khía cạnh này.Theo đó, năm 2009, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã thí điểm thực hiện triển khai xây dựng 3 nhà máy nhiên liệu sinh học (NLSH) gồm: Nhà máy Ethanol Phú Thọ, đặt tại huyện Tam Nông (Phú Thọ); Nhà máy Ethanol Dung Quất, tại Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi và Nhà máy Ethanol Bình Phước, tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, PVN đã gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, suất đầu tư của các dự án NLSH rất cao với khoảng 80 triệu USD/nhà máy, trong đó 70% là vốn vay thương mại với lãi suất từ 18 - 18,5%/năm. Bên cạnh đó, đa số máy móc thiết bị của nhà máy đều phải nhập khẩu nên còn chịu thêm ảnh hưởng bởi các biến động về tỷ giá.
Hiện nay, việc đảm bảo nguồn nguyên liệu sắn lát cho các nhà máy cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi quy hoạch vùng nguyên liệu trồng sắn chưa hoàn thiện. Theo báo cáo của PVN, khi 3 nhà máy Ethanol của PVN đầu tư hoàn thành và đi vào hoạt động, tổng nhu cầu sắn lát khô trên cả nước sẽ vào khoảng 1,4 triệu tấn, tăng nhiều so với với năm 2010 và 2011, trong khi đó diện tích đất quy hoạch trồng sắn trên cả nước vẫn giữ nguyên. Chưa kể việc sắn được trồng chủ yếu bởi các hộ nông dân nghèo, trên các vùng đất xấu nên năng suất cũng như chất lượng thấp, đặc biệt là khu vực phía Bắc, khi điều kiện canh tác cũng như khí hậu không thuận lợi cho việc trồng, chế biến và bảo quản sắn. Thêm vào đó, các năm gần đây, Trung Quốc gia tăng sản lượng nhập khẩu sắn lát từ Việt Nam, do vậy giá sắn thời gian gần đây biến động mạnh và liên tục tăng, làm ảnh hưởng rất lớn đến giá thành NLSH sản xuất trong nước.
Mặc dù khi 3 nhà máy nhiên liệu Ethanol sinh học đi vào hoạt động với 100% công suất sẽ cung ứng cho thị trường 300.000 m3 E100/năm (có thể pha 6 triệu m3 E5/năm), tuy nhiên, năm 2011, PV OIL chỉ bán được 17.000 m3 E5. Phương án xuất khẩu cũng đã được tính đến, tuy nhiên, giá thành sản xuất Ethanol trong nước vẫn cao hơn nhiều so với nhiều nước trên thế giới như Brazil, Ấn Độ, Mỹ, Thái Lan… nên phương án nàycũng không khả thi.
Đại diện PV OIL cho biết, giá thành sản xuất xăng E5 thường bằng hoặc cao hơn giá xăng thông thường và phụ thuộc rất nhiều vào giá nguyên liệu đầu vào của nông dân, trong khi cơ chế vẫn là khuyến khích người tiêu dùng, thêm vào đó, để tạo thế cạnh tranh trên thị trường, giá bán xăng E5 phải thấp hơn giá của xăng thường từ 500-600 đồng. Thực tế, mức giá bán xăng Ron92 ngày 13/8/2012 là 23.500 đồng/lít nhưng giá xăng E5 là 22.900 đồng/lít. Thêm vào đó thị phần kinh doanh xăng dầu hiện nay của PVN còn khiêm tốn, nên việc nâng cấp hay mở rộng cửa hàng kinh doanh xăng dầu cần phải có lộ trình...
Theo tính toán của PVN, để kinh doanh 100.000 tấn xăng E5 thìPVN phải đầu tư trên 100 tỷ đồng để đầu tư hệ thống phối trộn xăng E5 tại các tổng kho và nâng cấp các cửa hàng xăng dầu, trong đó chủ các đại lý và các cửa hàng xăng dầu yêu cầu Tập đoàn chịu 100% chi phí. PVN cho biết, nếu phân phối 50.000 m3 xăng E5 và cải tạo trên 500 cửa hàng xăng dầu chuyển sang kinh doanh xăng E5. Dự kiến, PVN sẽ tiếp tục phải bù lỗ khoảng 115 tỷ đồng và tốn thêm 52 tỷ đồng cho việc đầu tư, cải tạo hệ thống tồn trữ, pha chế và phân phối xăng E5. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không mặn mà với kinh doanh xăng E5 và cho đến thời điểm này duy nhất PVN sản xuất kinh doanh xăng E5 trên thị trường.
Theo Quyết định 177/QĐ-CP về “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”, các dự án NLSH được xếp vào danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư, được miễn giảm thuế thu nhập DN; Ưu đãi tối đa về thuê đất;Được hưởng thuế xuất nhập khẩu ở mức thấp nhất đối với nguyên liệu, linh kiện, máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất NLSH. Tuy nhiên, các ưu đãi trên của Chính phủ lại chưa có qui định chi tiết, vì vậy, năm 2011, PVN xin cơ chế hỗ trợ cụ thể cho các nhà máy, song đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về các chính sách ưu đãi, phát triển NLSH.
Với các khó khăn như trên, nếu như không có sự hỗ trợ đặc biệt và thời điểm dự kiến bắt đầu bắt buộc sử dụng xăng E5 tại 7 tỉnh, thành phố trên cả nước vẫn còn khá xa (1/6/2013), xăng sinh học vẫn đang “thấp thỏm” chờ cơ chế để có thể đến gần hơn với người tiêu dùng và phát huy được những thế mạnh của mình./.
Trongpv – Theo VEN.VN
Trongpv