Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường bộ, sẽ xuống cấp đáng kể, làm tăng chi phí duy tu, sửa chữa và bảo dưỡng đường. Tần suất bão gia tăng cũng khiến tốc độ tăng trưởng GDP giảm bớt 0,01% - 0,08%; nước biển dâng khiến GDP giảm 0% - 2,5% trong giai đoạn 2046 - 2050...
Báo cáo “Tác động của biến đổi khí hậu tới tăng trưởng và phát triển kinh tế ở Việt Nam” vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KH-ĐT) phối hợp với Trường Đại học Copenhagen (Đan Mạch) và Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển thế giới (thuộc Đại học Liên hiệp quốc – UNU-WIDER) công bố.
Nghiên cứu được ba bên nói trên thực hiện trong 2 năm, với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch (Danida).
Trên cơ sở so sánh kết quả các kịch bản biến đổi khí hậu với kịch bản gốc, báo cáo đã ước tính được chi phí kinh tế của biến đổi khí hậu. Theo đó, trong điều kiện biến đổi khí hậu, nhiệt độ tại Việt Nam sẽ tăng thêm 1 - 2°C, làm nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, đặc biệt ảnh hưởng đến những ngành dễ tổn thương như nông nghiệp và cơ sở hạ tầng. Thiệt hại do biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2007 - 2050 tại Việt Nam ước tính lên tới 40 tỷ USD trong trường hợp xấu nhất; còn mức trung bình nằm trong khoảng 8 - 21 tỷ USD (tính theo thời giá năm 2007). Nông nghiệp là lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất do biến đổi khí hậu.
Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường bộ, sẽ xuống cấp đáng kể, làm tăng chi phí duy tu, sửa chữa và bảo dưỡng đường. Tần suất bão gia tăng cũng khiến tốc độ tăng trưởng GDP giảm bớt 0,01% - 0,08%; nước biển dâng khiến GDP giảm 0% - 2,5% trong giai đoạn 2046 - 2050...
Để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến tăng trưởng kinh tế, GS Finn Tarp (Trường Đại học Copenhagen) khuyến cáo: “Việt Nam cần tính đến việc di dời các hoạt động kinh tế tới vùng đất cao. Do chi phí di dời này rất lớn nên Việt Nam có thể triển khai dần và cần thực hiện sớm, tốt nhất là trong 10 năm tới”.
Chinhpc - Theo sggp.org.vn