Hiện nay ĐSVN đang quản lý, sử dụng trên 300 đầu máy; hơn 6500 toa xe hàng, xe khách, trong đó có 72 toa xe công vụ phát điện. Riêng với đầu máy lại bao gồm nhiều chủng loại khác nhau: đầu máy Đổi mới, Đức, Tiệp, TY, GE, Đông Phong… với mức tiêu hao nhiên liệu khác nhau. Chính vì vậy, công tác quản lý, sử dụng hiệu quả và chống bán trái phép nhiên liệu đã và đang đặt ra không ít thách thức đối với những người làm công tác quản lý.
Hiện nay ĐSVN đang quản lý, sử dụng trên 300 đầu máy; hơn 6500 toa xe hàng, xe khách, trong đó có 72 toa xe công vụ phát điện. Riêng với đầu máy lại bao gồm nhiều chủng loại khác nhau: đầu máy Đổi mới, Đức, Tiệp, TY, GE, Đông Phong… với mức tiêu hao nhiên liệu khác nhau. Chính vì vậy, công tác quản lý, sử dụng hiệu quả và chống bán trái phép nhiên liệu đã và đang đặt ra không ít thách thức đối với những người làm công tác quản lý.
Thành công từ công tác tuyên truyền
Có thể nói, sau 6 năm triển khai, thành công lớn nhất của cuộc vận động quản lý, sử dụng hiệu quả và chống bán trái phép nhiên liệu là đã nhận được sự đồng thuận lớn của đại đa số CBCNV toàn ngành. Cuộc vận động đã có tác dụng tích cực, góp phần làm chuyển biến từ nhận thức đến hành động của đa số CB CNVC LĐ toàn ngành, đặc biệt là những chức danh trực tiếp tham gia quá trình quản lý, sử dụng nhiên liệu. CBCNV ĐS ngày càng có ý thức tự giác hơn trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nhiên liệu được cấp phát.
Năm 2012, các cấp lãnh đạo ĐSVN tiếp tục ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác quản lý, sử dụng nhiên liệu, chống bán trái phép nhiên liệu. Đặc biệt, qua việc nắm tình hình, tiến hành khảo sát tại một số đơn vị vận tải, đầu máy (thuộc Liên hiệp Sức kéo ĐS) và một số khu vực trọng điểm, ĐSVN quyết định điều chỉnh định mức nhiên liệu chạy tàu và chạy máy phát điện từ 1-10-2012. Đồng thời, ĐSVN và Công đoàn ĐS đã tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện cuộc vận động, quyết định khen thưởng 34 tập thể và 64 cá nhân có thành tích xuất sắc.
Cùng với đó, các xí nghiệp đầu máy, toa xe khách đã nghiên cứu, áp dụng triển khai nhiều giải pháp đồng bộ mang lại hiệu quả cao. Nhận thức sâu sắc việc quản lý nhiên liệu và chống bán trái phép nhiên liệu trước hết là trách nhiệm của toàn thể CBCNV, các đơn vị đã làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho CBCNVC nói chung, đặc biệt là các chức danh tham gia trực tiếp vào công tác quản lý cấp phát, sử dụng nhiên liệu, để mỗi người nêu cao tinh thần tự giác, gương mẫu trong việc sử dụng hiệu quả nhiên liệu.
Các đơn vị đã tổ chức tuyên truyền vận động, gặp gỡ đối thoại giữa lãnh đạo chuyên môn, công đoàn của xí nghiệp với đội ngũ lái tàu, và các chức danh có liên quan, động viên họ thực hiện tốt các quy định của ngành, của đơn vị. Xây dựng và nhân rộng các tổ, đội để biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào tiết kiệm nhiên liệu. Tăng cường công tác giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ công nhân viên chức về công tác sử dụng, và quản lý nhiên liệu chạy tàu một cách hiệu quả.
Tại các buổi giao ban hàng tuần, tháng, quý, năm, đơn vị đều nêu cụ thể chỉ số về mức sử dụng nhiên liệu giữa các tổ, đội để biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích cao trong việc thực hiện tốt cuộc vận động. Đồng thời lồng ghép cuộc vận động vào các phong trào thi đua của đơn vị và xây dựng quy chế thưởng, phạt rõ ràng.
Đến các giải pháp về quản lý, kỹ thuật
Đi đôi với công tác tuyên truyền nhắc nhở, giáo dục ý thức tự giác đối với người lao động, các đơn vị đã rà soát, sửa đổi bổ sung các nội quy, quy chế có liên quan đến công tác quản lý, sử dụng nhiên liệu cho phù hợp với điều kiện thực tế; thông qua Hội nghị CNVC của đơn vị xây dựng các chế tài cụ thể, về công tác xử lý đối với các chức danh có liên quan việc tiêu cực nhiên liệu. Mọi CBCNV trong đơn vị, đặc biệt là các chức danh trực tiếp làm công tác quản lý, cấp phát, sử dụng nhiên liệu đều được quán triệt các văn bản có liên quan đến công tác chống tiêu cực nhiên liệu của các cấp.
Các xí nghiệp cũng đã tiến hành khảo sát cụ thể và căn cứ vào từng mác tàu, từng chủng loại đầu máy, máy phát điện, tuyến đường, luồng hàng, thời tiết các mùa… để xây dựng định mức tiêu hao nhiên liệu sát với thực tế. Xử lý cương quyết các trường hợp lỗ nhiên liệu hoặc có tiêu cực trong quản lý nhiên liệu.
Công tác kiểm tra được duy trì thường xuyên. Một số xí nghiệp đầu máy như Yên Viên, Sài Gòn còn thành lập các tổ kiểm tra cơ động với nòng cốt là lực lượng bảo vệ, lực lượng thanh niên tham gia tăng cường kiểm tra đột xuất tại các kho, trạm cấp nhiên liệu và tại các điểm nóng trên dọc tuyến có phản ánh về mua bán trái phép nhiên liệu. Ngoài ra, các xí nghiệp còn phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị trong và ngoài ngành ĐS để được hỗ trợ cung cấp thông tin các địa điểm có phản ánh về việc mua bán, tiêu cực dầu, mỡ nhằm chủ động phòng ngừa.
Bên cạnh các giải pháp chặt chẽ về tổ chức, quản lý, các đơn vị còn thường xuyên nghiên cứu cải tiến các giải pháp về kỹ thuật, tăng cường công tác kiểm tra hệ thống kẹp chì tại các vị trí có thể rút và lấy được nhiên liệu ra đối với từng loại đầu máy, máy phát điện; cử cán bộ có trách nhiệm phối hợp với bảo vệ kiểm tra, giám sát trực tiếp việc thực hiện giao nhận nhiên liệu tại kho, khi đầu máy ra kho và tại các nơi giao nhận ban lái tàu;
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tiêu hao nhiên liệu của đầu máy và máy phát điện cao là do thiếu vật tư phụ tùng thay thế trong công tác chỉnh bị sửa chữa duy tu đầu máy và máy phát điện toa xe CVPĐ hoặc thay thế vật tư phụ tùng không đồng bộ. Khắc phục tồn tại đó, các đơn vị đã đặc biệt chú trọng tới chất 1ượng công tác chỉnh bị sửa chữa bảo dưỡng, vận hành đầu máy, toa xe, máy phát điện, đảm bảo các đầu máy, toa xe CVPĐ luôn ở trong trạng thái vận hành tốt.
Cần chú trọng nhân tố con người
Cuộc vận động được triển khai với chủ trương đúng đắn, nhận được sự quyết tâm và đồng thuận của các cấp, sự phối hợp hiệu quả giữa ngành ĐS với các địa phương đã đem lại kết quả đáng khích lệ trong thời gian qua. Tuy nhiên, muốn đạt được hiệu quả cao hơn, thì yếu tố con người – nhân tố quyết định thành công của cuộc vận động cần được chú trọng và quan tâm hơn nữa.
Hiện nay, đa số CBCNV đều đồng tình với quyết định về định mức nhiên liệu mới của ĐSVN, tuy nhiên cũng rất băn khoăn lo lắng về những tác động của việc giảm định mức nhiên liệu.
Trước khi áp dụng định mức nhiên liệu chạy tàu ban hành kèm theo Quyết định 1245/QĐ-ĐS, các đơn vị như XNĐM Vinh, Đà Nẵng đã phải giành thêm thời gian để tiến hành tuyên truyền vận động CNVC-NLĐ có nhận thức đồng về định mức nhiên liệu chia sẻ những khó khăn của ĐSVN hiện nay đồng thời quyết định hạ tỷ lệ dự trữ của XN nhằm duy trì chỉ tiêu nhiên liệu. Đối với XNĐM Sài Gòn, do định mức nhiên liệu trước đây của XN đã sát với định mức của ĐSVN, định mức mới ban hành của ĐSVN lại giảm thêm 2,48% nên mức độ ảnh hưởng tư tưởng có phần phức tạp hơn, biểu hiện ở việc ít quan tâm đến vấn đề tiết kiệm nhiên liệu, tác động ngoại lực gây hư hỏng hệ thống kẹp chì chống thất thoát nhiên liệu.
Việc tính chi phí tiêu hao nhiên liệu trên cơ sở chỉ số đồng hồ đo, đếm điện năng có tác dụng giảm bớt mức độ phức tạp của công tác quản lý nhưng lại làm xuất hiện hiện tượng không quan tâm đến việc tiết kiệm điện vì càng sử dụng nhiều điện, lượng nhiên liệu dư dôi càng lớn (nhân viên trên tàu không tắt đèn, tắt quạt khi không có nhu cầu thực sự).
Công tác phối hợp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tiêu cực; quản lý, sử dụng nhiên liệu... giữa một số đơn vị đường sắt và cơ quan chức năng địa phương còn thiếu kịp thời, chưa cụ thể, hiệu quả chưa cao. Một số địa điểm nóng vẫn còn dấu hiệu nghi tiêu cực nhiên liệu như: Thành phố Vĩnh Yên, dốc Đồng Giao, bắc và nam ga Đồng Hới, giao điểm giữa trạm đầu máy Diêu Trì và ga Diêu Trì.
Để tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nhiên liệu, chống bán trái phép nhiên liệu, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2013 của Đảng ủy ĐSVN đã đề ra, bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, quản lý, kiểm tra, cải tiến kỹ thuật, các đơn vị cần chú trọng đẩy mạnh công tác giáo dục tư tưởng đối với những chức danh trực tiếp tham gia quá trình quản lý, sử dụng nhiên liệu. Bởi lẽ chỉ khi toàn thể CBCNV LĐ thực sự hiểu rõ việc quản lý, tiết kiệm nhiên liệu vừa là vì lợi ích của ngành là giảm giá thành vận tải, đảm bảo an toàn; vừa là quyền lợi và nghĩa vụ của chính họ để tự giác thực hiện thì cuộc vận động mới thực sự đạt hiệu quả và thành công.
ĐSVN