Đánh giá mới đây của Tổng cục Môi trường chỉ ra rằng ô nhiễm không khí ở đô thị do giao thông gây ra chiếm tỉ lệ khoảng 60%-70% và là một trong những tác nhân lớn ảnh hưởng đến chất lượng không khí đô thị
Đánh giá mới đây của Tổng cục Môi trường chỉ ra rằng ô nhiễm không khí ở đô thị do giao thông gây ra chiếm tỉ lệ khoảng 60%-70% và là một trong những tác nhân lớn ảnh hưởng đến chất lượng không khí đô thị.
Cùng với tốc độ phát triển nhanh chóng trong những năm qua, các đô thị lớn ở nước ta, đặc biệt là Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ... đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường.
Nghiêm trọng nhất là khói bụi
Số liệu thống kê của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) cho thấy ô nhiễm không khí tại TP Hà Nội đã vượt ngưỡng cho phép từ 1,5-3 lần, trong đó nghiêm trọng nhất là khói bụi. Đặc biệt, tại các công trình xây dựng, các con đường vận chuyển vật liệu xây dựng, các nút giao thông trọng điểm thì hàm lượng bụi trong không khí vượt 7-10 lần tiêu chuẩn cho phép.
TPHCM được nhiều chuyên gia đánh giá là một trong những TP có mức ô nhiễm lớn nhất châu Á. Tại đây, tình trạng ô nhiễm không hề có dấu hiệu giảm trong nhiều năm qua và đáng lo ngại là chì tiếp tục xuất hiện trong thành phần không khí với nồng độ dao động từ 0,22-0,38 g/m3, là chất cực độc với sức khỏe con người.
Kết quả quan trắc tại 6 trạm bán tự động ở TPHCM cho thấy về chất lượng không khí, nồng độ CO vẫn nằm trong giới hạn cho phép nhưng nồng độ CO2 tại khu vực đường Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ, ngã sáu An Sương và nồng độ bụi ở tất cả các điểm đều vượt chuẩn cho phép. Cụ thể, nồng độ bụi cả năm 2012 dao động từ 0,35-0,75 mg/m3 (quy chuẩn cho phép là 0,3 mg/m3). Các khu vực có nồng độ bụi cao là ở An Sương, Tân Thuận.
Cũng tại TPHCM, chỉ số chất lượng nước (WQI) tại 22 trạm quan trắc chất lượng nước mặt hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai không trạm nào đạt chỉ tiêu cấp nước cho sinh hoạt, thậm chí ô nhiễm nặng. Ngoài ra, chỉ số WQI tại 10 trạm quan trắc tại 5 hệ thống kênh rạch trong nội thành đều nằm ở mức thấp nhất, cho thấy nguồn nước các hệ thống kênh rạch nội thành ô nhiễm nghiêm trọng.
Đáng sợ tiếng ồn
Về tiếng ồn ở các đô thị lớn, GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường, cho rằng đây chính là một trong những loại ô nhiễm nguy hiểm nhất mặc dù không nhìn thấy bằng mắt thường.
Theo ông Đăng, ở các khu dân cư xa đường phố, tiếng ồn cho phép chỉ ở ngưỡng 50 dB, ở khu vực thương mại thì trong phạm vi 70-80 dB và trong cơ quan hành chính thì tiếng ồn ban ngày cho phép là 70 dB, ban đêm không quá 55 dB… Nhưng trên thực tế thì ở các đô thị lớn, tiếng ồn thường xuyên vượt mức cho phép.
Tại trung tâm quận Ninh Kiều - TP Cần Thơ, trong vài năm trở lại đây, nhiều cửa hàng thời trang, trung tâm điện thoại di động, cửa hàng điện máy… mọc lên như nấm. Để thu hút khách hàng, những nơi này trang bị dàn âm thanh được mở hết công suất. Những ai đi ngang đường Nguyễn Trãi cũng đều nghe tiếng loa phát inh ỏi suốt ngày.
Theo Trung tâm Quan trắc môi trường (Tổng cục Môi trường), một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng ô nhiễm không khí và ô nhiễm tiếng ồn tại các đô thị lớn là do phương tiện cá nhân. Đánh giá mới đây của Tổng cục Môi trường cũng chỉ ra rằng ô nhiễm không khí ở đô thị do giao thông gây ra chiếm tỉ lệ khoảng 60%-70% và là một trong những tác nhân lớn ảnh hưởng đến chất lượng không khí đô thị, gây ra nhiều bệnh về hô hấp, thần kinh...