Rác thải đô thị hiện nay đang là một vấn đề bức thiết đối với thành phố Đà Nẵng. Lượng rác thải sinh hoạt tạo ra hàng ngày rất lớn, nếu không được xử lý tốt sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người.
Rác thải đô thị hiện nay đang là một vấn đề bức thiết đối với thành phố Đà Nẵng. Lượng rác thải sinh hoạt tạo ra hàng ngày rất lớn, nếu không được xử lý tốt sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người.
Đà Nẵng được xếp vào đô thị loại I, với tốc độ phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội vượt bậc. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, kèm theo đó là sự gia tăng về chất thải sinh hoạt từ các khu đô thị, khu dân cư,… Lượng chất thải rắn sinh hoạt trung bình của thành phố khoảng 650 tấn/ngày. Toàn bộ lượng rác thải này được thu gom và chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn.
Thành phố Đà Nẵng đang phát triển với mục tiêu trở thành “thành phố môi trường” vào năm 2020. Tuy nhiên, đến nay, các ngành chức năng của thành phố vẫn chưa thể giải quyết được triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường từ rác thải.
Ngày 20/4/2012, Công ty cổ phần Môi trường Việt Nam (trụ sở tại 32 Trần Phú, TP.Đà Nẵng) công bố dây chuyền công nghệ sản xuất dầu đốt công nghiệp PO và DO từ rác nilon phế thải tại Nhà máy xử lý chất thải rắn Khánh Sơn, đây là một công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, lần đầu được áp dụng tại Việt Nam.
“Công nghệ sản xuất dầu đốt công nghiệp PO và DO từ rác nilon phế thải như một giải pháp hữu hiệu để giúp Đà Nẵng giải quyết bài toán về rác thải”, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng nhấn mạnh như trên sau khi chứng kiến những lít dầu đầu tiên được sản xuất từ nilon phế thải.
Công nghệ tiên tiến lần đầu tiên sử dụng tại Việt Nam
Ông Nguyễn Ngọc Dân, Chủ tịch Tập đoàn Năng lượng Việt Nam cho biết, trong nhiều năm qua, tại một số địa phương đã sử dụng nhiều công nghệ khác nhau để tái chế các loại rác thải thành các sản phẩm hữu dụng, phục vụ cuộc sống. Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ Vinabio Enerrgy để chế biến rác thải (cụ thể là nilon) thành dầu DO và PO thì đến nay mới được ứng dụng tại Việt Nam.
Nhà máy xử lý chất thải rắn Khánh Sơn có tổng vốn hơn 520 tỷ đồng, công suất thiết kế 650 tấn chất thải/ngày. Quá trình xây dựng nhà máy được chia làm 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1: triển khai trên diện tích 2ha, tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng, gồm các hạng mục trọng yếu: nhà xưởng, dây chuyền thiết bị tách lọc, tái chế chất thải rắn (nylon, hỗ hợp phế thải dẻo) để sản xuất dầu đốt công nghiệp PO và RO. Trong giai đoạn 1, nhà máy tập trung vào công nghệ tận thu nilon phế thải để sản xuất dầu đốt công nghiệp. “Rác thải khi đưa vào nhà máy sẽ được phân loại bằng dây chuyền tách lọc tự động; phân loại ra nilon phế thải, sau khi xử lý sạch được đưa vào hệ thống nạp liệu, qua quy trình phản ứng và đưa vào thiết bị ngưng tụ để sản xuất ra dầu PO (có nhiệt lượng lớn hơn dầu DO là 10%)”, sản phẩm này đã được Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) cấp giấy chứng nhận kết quả thử nghiệm.
Giai đoạn 2: đầu tư xây dựng, lắp đặt dây chuyền công nghệ xử lý các chất thải rắn khác (sau khi đã tách nilon) thành khí đốt (syngas), phân sinh học, than hữu cơ, gạch block… Công ty đang trình và chờ phê duyệt của thành phố.
Nhà máy có tổng công suất xử lý 600 tấn rác thải/ngày. Lượng rác thải ở Đà Nẵng khoảng 650 tấn/ngày (trong đó nilon phế thải chiếm khoảng 8%) tương đương 50 tấn/ngày. Với tỉ lệ nguyên liệu/sản phẩm trong quá trình sản xuất dầu PO là 1 tấn dầu/3tấn nilon thì bình quân mỗi ngày nhà máy sẽ cho ra hơn 16,6 tấn dầu PO. Hiện toàn bộ lượng dầu này đã được các nhà máy sản xuất công nghiệp ở Đà Nẵng, Quảng Nam bao tiêu với mức giá thấp hơn giá thị trường từ 10 - 15%.
Chi phí thấp, hiệu quả cao
Theo Ông Nguyễn Ngọc Dân, Chủ tịch HĐQT Công ty,, công nghệ xử lý chất thải rắn Vinabio Energy là công nghệ trong nước, sử dụng dây chuyền thiết bị sản xuất nội địa nên chi phí đầu vào của dự án thấp hơn rất nhiều so với công nghệ nhập ngoại. “Dây chuyền công nghệ bán tự động nhập ngoại với công suất phân loại và xử lý 100 tấn rác/ngày có giá lên tới 1 triệu USD. Trong khi đó, dây chuyền công nghệ Vinabio Energy với công suất xử lý 200 tấn rác/ngày và hoàn toàn tự động thì chỉ có giá 20 tỉ đồng”, ông Dân nói.
Theo TS Mai Ngọc Tâm (Viện Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng), công nghệ Vinabio Energy không chỉ giảm thiểu tối đa chôn lấp rác thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà đặc biệt là tận thu, tái chế các thành phần khó phân huỷ trong rác thải sinh hoạt để tạo ra các sản phẩm năng lượng; nói ngắn gọn là biến rác thành năng lượng. Đây đều là những vấn đề đang có tính thời sự toàn cầu.
Đặc biệt, nhà máy chỉ cần một lượng điện (hoặc dầu) rất nhỏ để khởi động dây chuyền, sau đó sẽ sử dụng chính dầu và khí đốt do dây chuyền này tạo ra để làm nguồn năng lượng phục vụ cho quá trình vận hành của nhà máy. “Đây là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam gần như không sử dụng điện!" - ông Nguyễn Văn Tuấn tiết lộ.